MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khóc cười mùa mắc ca chín

01-09-2016 - 08:35 AM | Thị trường

Mấy năm dư luận ồn ã sóng gió nên hay không việc triển khai các đại dự án trồng mắc ca trên cả nước. Thực tế đang dần hiển hiện câu trả lời khi nhiều vườn mắc ca trên Tây Nguyên chính thức bước vào thời kỳ kinh doanh, từ vụ thu hoạch năm 2016 này.

Trăm triệu đặt ngay

Từ cuối tháng 7/2016, nhiều vườn mắc ca 5 năm tuổi vào vụ thu hoạch. Việc hái lượm, thu mua mắc ca nhộn nhịp khắp Tây Nguyên, nơi đã được quy hoạch là thủ phủ mắc ca của cả nước.

Nhà ông Đinh Minh Đại ở thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk náo động với tiếng máy tách vỏ quả mắc ca nổ giòn, tiếng hạt khô tuôn chảy rào rào như mưa. Phải dùng chiếc kìm chuyên dụng, mới cắt vỡ được lớp vỏ cứng, lộ ra hạt nhân mắc ca tròn, trắng, thơm ngậy béo giòn, ăn tươi ngon tuyệt!

Ông Đại trèo lên cây mắc ca năm tuổi xum xuê um tùm, rẽ cành cho tôi xem những chùm quả chi chít giấu trong tán lá. Đi giữa những hàng mắc ca trĩu quả, bà Đinh Thị Tuyết Lan vợ ông Đại vui vẻ kể: Cái loài mắc ca thật dễ tính! Chỉ cần giống chuẩn, đào hố vừa sâu, cắm xuống, là nó lên tốt như cây rừng. Rẫy trồng cà phê tưới bón bao nhiêu thì cắm thêm mắc ca vào cũng chỉ tưới bón bấy nhiêu, mà mới tuổi này, lợi nhuận từ mắc ca đã cao gấp đôi ba lần cà phê đấy!

Ông Đại bà Lan có 9 người con đã lấy chồng lấy vợ và đều hào hứng trồng mắc ca. Nguồn quỹ dưỡng già của ông bà gồm 800 cây mắc ca, trong đó có 24 cây vừa bước vào thời kỳ kinh doanh. Còn tổng diện tích mắc ca xen cà phê của đại gia đình họ Đinh lên tới 12 ha, hầu hết là mắc ca 4 năm tuổi cho trái bói mùa đầu.

Sui gia nhà ông Đại là ông Đinh An có hơn 7 sào vườn trồng xen mắc ca, cả tháng nay ông An phải mắc võng ngoài vườn nằm xua trộm. Năm ngoái 200 cây mắc ca của ông An vừa ra trái bói bị kẻ trộm đột nhập vặt quả. Bị trộm lần thứ ba, ông An lẳng lặng đặt bẫy chông. Không ngờ trộm trèo vào giẫm phải, tha luôn cả bẫy lẳng ra đường cái. Chỉ cho tôi xem những cành mắc ca có nhiều chùm trái rủ sát đất, ông An kể: Dân xã này đa số họ Đinh, toàn đồng hương huyện Minh Hóa- Quảng Bình. Hồi chúng tôi vào đây thiếu thốn vất vả lắm, bây giờ thì chẳng lo nghèo đói nữa.

Là người chuyên rảo khắp các huyện thành Tây Nguyên để mua hạt mắc ca, anh Đỗ Đình Dũng giám đốc công ty TNHH TMDV Việt Xanh trụ sở tại Lâm Đồng kể: Lâm Đồng có vườn anh Nguyễn Hữu Việt xã Tân Hà huyện Lâm Hà trồng khoảng 500 cây mắc ca mua giống chuẩn từ Ba Vì trồng tới nay 7 năm, năng suất cao gấp rưỡi vườn ông Đại. Đắk Lắk đa số nông dân mua giống của công ty Vinamacca, đồng thời là cổ đông của Việt Xanh, nên nông dân thường ưu tiên bán hạt cho Việt Xanh.


Ông Đại ký nhận tiền ứng mua hạt mắc ca từ anh Dũng.

Ông Đại ký nhận tiền ứng mua hạt mắc ca từ anh Dũng.

Tặng luôn máy đo độ ẩm, thước đo cỡ hạt sau khi hướng dẫn cách sử dụng cho bố con ông Đại, anh Dũng đặt mấy xấp tiền thưa: Đây là 250 triệu đồng cháu đặt trước, để mua hết mắc ca trong vườn và nhờ bác mua giúp thêm mắc ca của các hộ xung quanh. Ước tính 800 cây mắc ca nhà bác cho khoảng 1,5 tấn hạt, giá nhân xô 90.000 đồng/ký, bác có khoảng 135 triệu đồng vụ này!

Thành - bại từ giống

Số vườn mắc ca triển vọng ngay từ mùa trái đầu tiên, như vườn ông Đại, tỉnh nào cũng có.

Theo thạc sĩ Đặng Đinh Đức Phong, cán bộ Viện Nghiên cứu Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), thì nhiều vườn mắc ca trồng từ các giống chuẩn trên các tỉnh Tây Nguyên đang cho kết quả rất tốt. Trong số đó, vườn 8 ha trồng thuần năm 2011 của Vinamacca tại xã EaH’Mlay huyện M’Đrăk tỉnh ĐăkLăk, dù phần lớn số cây được dùng để lấy chồi ghép nhân giống, vẫn đạt năng suất từ 1,3-1,5 tấn/ha. Còn 7 sào mắc ca trồng thuần từ năm 2006 của nhà ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, thì năng suất gần 3,5 tấn/ha.

Tỉnh Đắk Nông, một trong những vườn mắc ca sai trái huyện Tuy Đức mà tôi tới, có vườn anh Lê Anh gồm 7 sào cà phê xen mắc ca ở xã Quảng Trực giáp biên. Mùa này 200 cây mắc ca 5 năm tuổi của anh đã cho bình quân 7-8 ký hạt/cây, bán sô được 70.000 đồng/ký, lãi hơn gấp đôi so với sản phẩm 800 cây cà phê trồng năm thứ 7 trên cùng thửa đất.

Tuy nhiên, số vườn mắc ca không đậu trái, hoặc ra trái lác đác, quả nhỏ, vỏ dày, chất lượng kém cũng không ít. Hàng trăm hộ trồng mắc ca ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) chỉ vì trồng nhầm cây thực sinh (ươm bằng hạt, không ghép chồi giống chuẩn), bán tại những điểm ươm cây trôi nổi nên sau nhiều năm đợi chờ đã rơi vào cảnh tay trắng.

Cú sạt nghiệp đau nhất với mắc ca phải kể về ông Trần Vinh- người từng được gọi là “Vua mắc ca” tỉnh Lâm Đồng. Mấy năm trước, ông Vinh kể đầu tư 40 tỷ đồng để trồng 140 ha mắc ca trên đất thuê ở xã Tà Nung, ngoại thành Đà Lạt, và 200 ha đất khác từ nguồn tài sản thừa kế. Đến năm 2015, ông Vinh cạn vốn, mời bạn bè mua cổ phần với giá 800 triệu đồng 1 ha. Đích thân ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đến tận vườn ông Vinh khảo sát, phát hiện không chỉ địa hình dốc đứng, gió mạnh khó phù hợp, mà giống cũng toàn trồng cây thực sinh. Vài tháng gần đây ông Vinh bỗng... biến mất, khiến những người đã lỡ hùn vốn mua cổ phần của ông vua không ghế này khốn khổ lùng kiếm khắp nơi và đến giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Chủ trương đảo chiều chóng mặt

Sự thiếu nhất quán về chủ trương, chính sách trong một số lĩnh vực ở nước ta từng khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Điều này đang lặp lại với mắc ca!

Sau hội thảo về phát triển cây mắc ca diễn ra ở Đà Lạt sáng 7/2/2015, do Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng chủ trì, với tinh thần “đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên”, ông Phạm S phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng, đã cho rằng nên thận trọng hạn chế diện tích thực hiện dự án tại Lâm Đồng khoảng... 22.000 ha .


Tách vỏ quả mắc ca bằng máy.

Tách vỏ quả mắc ca bằng máy.

Trước đó, năm 2014, tỉnh Đắk Nông cũng đã công bố quy hoạch diện tích trồng mắc ca của tỉnh hơn 12.400 ha. Điểm tựa của con số này, là đề xuất Việt Nam có tiềm năng phát triển 220.000 ha mắc ca, do Viện Điều tra quy hoạch rừng khảo sát.

Đi kèm quy hoạch là việc rót vốn xây dựng vườn ươm, nhà máy chế biến, chuẩn bị nhân tài vật lực với quy mô tương ứng. Phong trào trồng mắc ca đang đầy hưng phấn thì bất ngờ, quyết định 1134 ký ngày 5/4/2016 của Bộ NN&PTNN “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030” như con đập khổng lồ chặn ngang, khiến hàng loạt doanh nghiệp đang dốc sức cho mắc ca tái mặt. Theo đó, đến năm 2020 tổng diện tích trồng cây mắc-ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên chỉ chưa tới... 10.000 ha.

Không còn cách nào khác, 2 tỉnh lỡ công bố quy hoạch mắc ca của tỉnh mình lớn hơn diện tích mắc ca cả nước đành phải co lại, tự điều chỉnh. Đắk Nông khẳng định với trên 800 ha mắc ca phần lớn đã có thu bói, tỉnh sẽ chỉ trồng thí điểm tiếp ở Tuy Đức. Còn Lâm Đồng, tổng diện tích mắc ca trồng tới tháng 7/2016 gần 1.000 ha. Với hai hệ thống vườn ươm hiện đại tại Đơn Dương và Bảo Lộc, tập đoàn Him Lam đầu tư dự kiến năm 2017 đủ cung cấp khoảng nửa triệu cây giống. Tập đoàn này cam kết hỗ trợ gói tài chính lên đến 10 nghìn tỷ đồng cho phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh giờ đành bóp lại để đến 2020, tổng diện tích mắc ca trồng xen chỉ còn khoảng 4.000 ha.

Dễ thấy đối với việc phát triển một loài cây ngoại lai, thận trọng là cần thiết, nhưng tổn thất của nhiều doanh nghiệp trong cú chặn dòng khá chậm trễ này, hẳn là không nhỏ!

Theo Wasi, hiện nay diện tích mắc ca thế giới khoảng 90.000 ha với sản lượng ước đạt 44.400 tấn nhân. Dự báo nhu cầu tiêu thụ hạt mắc ca ngày càng tăng, trong khi quốc gia trồng được mắc ca không nhiều. Hiện Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp giống mắc ca ghép đạt chuẩn như: Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Wasi, Vinamacca, Him Lam. Về tiêu thụ, mấy năm nay nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu hạt mắc ca thô từ Úc, Trung Quốc để gia công xuất khẩu. Hàng chục cơ sở chế biến nhỏ đang thiếu hạt mắc ca tươi để rang sấy, đóng hộp bán vào dịp lễ, tết. Đầu ra cho mắc ca rất ổn định.

Theo Hoàng Thiên Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên