MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khốn khổ khi người mù, tàn tật, cụ già 80 vẫn còng lưng gánh quỹ

19-08-2016 - 19:06 PM | Xã hội

Hàng tháng anh Dũng được trợ cấp 805 nghìn đồng nhưng song song với đó anh vẫn phải "còng lưng gánh quỹ"

Bị mù từ lúc 3 tuổi, vẫn phải đóng hàng loạt loại quỹ

Như đã phản ánh ở bài trước, nhiều năm nay người dân ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) phải "oằn mình" gánh nhiều khoản thu phí cao và họ cho rằng có phần bất hợp lý. Dù là già, trẻ hay hộ nghèo thì vẫn phải đóng góp nhiều khoản cho xã, xóm.

Người dân xã Nghi Thái cho hay, nhiều lần thấy các khoản thu cao, họ đã "kêu" lên vì không còn đủ sức đóng. Thế nhưng, vấn đề đó chẳng bao giờ được giải quyết mà có khi tiền đóng năm sau còn cao hơn năm trước nên dần dần họ cũng đành im lặng cam chịu.

Cay đắng nhất là những hộ nghèo, tàn tật dù không làm gì ra tiền nhưng hàng năm cũng phải đóng gần cả triệu đồng tiền quỹ.

Như hộ anh Vương Đình Dũng (SN 1967; trú xóm Thái Học) bị tàn tật từ nhỏ. Cách đây không lâu, vợ anh Dũng không may bị đuối nước để lại đứa con thơ dại cho người chồng tội nghiệp.

Hàng tháng, anh Dũng được nhận trợ cấp tiền tàn tật là 805 nghìn đồng. Tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt của anh và con đều trông chờ vào số tiền này nên cuộc sống quanh năm đói khổ.


Anh Dũng bị tàn tật sống trong căn nhà nhỏ cùng đứa con trai

Anh Dũng bị tàn tật sống trong căn nhà nhỏ cùng đứa con trai


Nhiều năm liền, hộ anh Dũng luôn là hộ nghèo đặc biệt của xã.

Nhiều năm liền, hộ anh Dũng luôn là hộ nghèo đặc biệt của xã.

Thế nhưng, hàng năm anh Dũng vẫn phải đóng góp nhiều khoản phí, quỹ cho xóm và xã.

Lục tung trong đống giấy tờ cá nhân, anh Dũng đưa chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi và tờ phương án thu các loại phí, quỹ hàng năm của xã.

Trong tờ phương án thu tiền, hộ anh Dũng cũng phải đóng nhiều khoản quỹ, phí cao.

Năm 2016, anh Dũng phải đóng cho xã và xóm số tiền 903.400 đồng. Nhưng vì quá khó khăn nên anh chỉ mới đóng được 100 nghìn đồng.


Hàng tháng anh Dũng được trợ cấp 805 nghìn đồng nhưng song song với đó anh vẫn phải còng lưng gánh quỹ

Hàng tháng anh Dũng được trợ cấp 805 nghìn đồng nhưng song song với đó anh vẫn phải "còng lưng gánh quỹ"

Trong các khoản cần đóng góp của hộ anh Dũng, chúng tôi thấy rất nhiều khoản mà đáng lẽ ra là một hộ nghèo, tàn tật như anh phải được miễn giảm. Thế nhưng, anh vẫn phải đóng như những người dân bình thường, lành lặn khác.

Cụ thể, anh Dũng vẫn phải đóng khoản quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phụng dưỡng người cao tuổi, quỹ văn hoá xã hội. Ở phần thu xóm có khoản thu chế độ gián tiếp cán bộ (tiền trả công làm cán bộ xóm - PV), quỹ khuyến học, quỹ dân sinh kinh tế, quỹ an ninh xóm.

Khoản nặng nhất là đóng góp xây dựng tại xóm với mức thu 300 nghìn đồng nhưng anh Dũng cũng không được miễn giảm.


Dù thuộc đối tượng miễn giảm các loại phí nhưng hàng năm anh Dũng vẫn phải đóng gần 1 triệu đồng tiền đóng góp cho xã và xóm.

Dù thuộc đối tượng miễn giảm các loại phí nhưng hàng năm anh Dũng vẫn phải đóng gần 1 triệu đồng tiền đóng góp cho xã và xóm.


Các năm trước, anh Dũng vẫn phải đóng góp nhiều khoản. Các khoản như quỹ khuyến học, quỹ thu gián tiếp cán bộ, phụng dưỡng người cao tuổi và đóng góp xây dựng xóm cũng chưa bao giờ được miễn giảm.

Các năm trước, anh Dũng vẫn phải đóng góp nhiều khoản. Các khoản như quỹ khuyến học, quỹ thu gián tiếp cán bộ, phụng dưỡng người cao tuổi và đóng góp xây dựng xóm cũng chưa bao giờ được miễn giảm.

Trong tờ giấy liệt kê các khoản đóng góp của anh Dũng, chúng tôi thấy có mục thu nợ năm 2015 với mức 294 nghìn đồng do năm ngoái anh còn đóng thiếu. Chứng tỏ, việc đóng quỹ này đã "quá sức" đối với anh Dũng.

Ở xóm Thái Cát (xã Nghi Thái), người dân cũng rất bất bình bởi những khoản thu quỹ, phí áp dụng cho người tàn tật mà đáng lẽ ra họ phải được miễn giảm.

Như hộ chị Nguyễn Thị Huyền bị mù từ lúc 3 tuổi. Hiện chị ở một mình nuôi con nhỏ. Cuộc sống của chị Huyền và con chỉ dựa vào những đồng tiền trợ cấp và sự che chở của người thân.

Thế nhưng, năm nào chị Huyền cũng phải đóng nhiều loại phí, quỹ. Dù những khoản tiền này không cao nhưng nhìn vào ai cũng thấy bất bình.


Tờ phương án thu của hộ chị Huyền. Dù mù từ nhỏ, thuộc diện bảo trợ xã hội nhưng chị vẫn phải đóng nhiều khoản quỹ, trong đó có quỹ vì người nghèo + chất độc da cam.

Tờ phương án thu của hộ chị Huyền. Dù mù từ nhỏ, thuộc diện bảo trợ xã hội nhưng chị vẫn phải đóng nhiều khoản quỹ, trong đó có quỹ vì người nghèo + chất độc da cam.

Trong tờ giấy phương án thu năm 2016 của chị Huyền, chúng tôi thấy chị phải đóng nhiều khoản như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo + chất độc da cam, quỹ môi trường, quỹ văn hoá xã hội.

Ở phần thu của xóm, mẹ con chị Huyền vẫn phải đóng 30 nghìn đồng tiền thu gián tiếp cán bộ. Tổng cộng cả các khoản, chị Huyền phải đóng 148 nghìn đồng.

Cụ già vẫn phải đóng"quỹ phụng dưỡng người cao tuổi"!?

Cụ bà Nguyễn Thị Lâm (trú xóm Thái Học) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Do tuổi cao sức yếu nên bà chỉ ở nhà và nhờ vào sự chăm sóc của con cái sống bên cạnh.

Dù không còn làm lụng gì được nữa nhưng đều đều hàng năm, cụ Lâm vẫn phải đóng nhiều khoản phí, quỹ của xã và xóm.


Cụ Lâm buồn khi nhắc đến chuyện phải đóng các loại quỹ của xóm và xã ngày càng tăng.

Cụ Lâm buồn khi nhắc đến chuyện phải đóng các loại quỹ của xóm và xã ngày càng tăng.

Trong tờ thu các khoản đóng góp năm 2016 gửi về cho cụ Lâm, chúng tôi thấy cụ phải đóng đến 12 khoản phí các loại với tổng số tiền là 563 nghìn đồng.

Số tiền dù không lớn lắm nhưng nhìn vào bảng thu tiền của cụ Lâm, nhiều người thấy nhiều khoản bất hợp lý.

Trong khi cụ Lâm là người cao tuổi thì cụ lại phải đóng quỹ Phụng dưỡng người cao tuổi. Ngoài ra, cụ vẫn phải đóng khoản tiền "chế độ gián tiếp cán bộ" mức 20 nghìn đồng.

Riêng khoản tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, vì cao tuổi nên cụ Lâm được miễn với mức 200 nghìn đồng. Thế nhưng tiền đóng góp xây dựng xóm với mức 300 nghìn đồng thì cụ Lâm không hề được miễn.


Các khoản tiền đóng góp năm 2016 của cụ Lâm. Dù là người cao tuổi nhưng cụ vẫn phải đóng quỹ phụng dưỡng người cao tuổi?

Các khoản tiền đóng góp năm 2016 của cụ Lâm. Dù là người cao tuổi nhưng cụ vẫn phải đóng quỹ phụng dưỡng người cao tuổi?

Cách đó không xa là hộ gia đình anh Trần Văn Tình (SN 1977; xóm Thái Học) có 4 nhân khẩu. Mấy tháng nay vợ anh là chị Trương Thị Tâm (SN 1984) luôn phải nằm trong viện điều trị vì căn bệnh ung thư quái ác.

Thường ngày, anh Tình làm thợ xây còn vợ làm nông nghiệp. Nhưng hơn 2 tháng nay, vợ đi viện điều trị nên anh Tình cũng phải bỏ làm, gửi con nhỏ cho mẹ để chăm sóc vợ.


Bà Thuỷ tâm sự hoàn cảnh bệnh tật của vợ chồng anh Tình, chị Tâm khi phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị bệnh ung thư quái ác.

Bà Thuỷ tâm sự hoàn cảnh bệnh tật của vợ chồng anh Tình, chị Tâm khi phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị bệnh ung thư quái ác.

"Bệnh của cái Tâm phát hiện từ đầu năm rồi đi khám suốt. 2 tháng nay thì phải ở luôn ngoài viện Hà Nội để xạ trị.

Nhà được 2 con bò với cái xe, thằng Tình bán và vay thêm tiền để đi chữa cho vợ luôn rồi", bà Thuỷ (mẹ anh Tình) nói và cho biết dù con cái đi viện cả tháng trời nhưng chính quyền vẫn gửi giấy về yêu cầu hộ anh Tình đóng góp lên đến 1.500.000 đồng.


Chính quyền gửi về tờ giấy ghi các khoản đóng góp của vợ chồng anh Tình lên đến 1,5 triệu đồng.

Chính quyền gửi về tờ giấy ghi các khoản đóng góp của vợ chồng anh Tình lên đến 1,5 triệu đồng.

Lo tiền cho vợ chữa bệnh chưa đủ nên số nợ chính quyền này, vợ chồng anh Tình đành khất lại mà chưa biết bao giờ mới trả được...

Theo Ngọc Tú

Trí thức trẻ/Sohanews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên