MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khống chế lãi vay - “chết” doanh nghiệp nội

25-07-2019 - 22:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Nghị định 20 ra đời nhằm thay thế quy định trước đó về giá giao dịch liên kết. Điểm mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế, việc khống chế chi phí lãi vay đối với hoạt động giao dịch liên kết nhằm tránh tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận và được OECD lẫn G20 khuyến nghị áp dụng.

Doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế, nên nguy cơ chuyển giá của doanh nghiệp trong nước là khá thấp.

Chống chuyển giá với tập đoàn đa quốc gia

Thông thường, các tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên thế giới, phân công chức năng và phân bổ lợi nhuận tại từng quốc gia thông qua mô hình tổ chức và chính sách giá nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí. Tập đoàn đa quốc gia tận dụng sự khác biệt về chính sách giữa các quốc gia để chuyển lợi nhuận là hiện tượng phổ biến hiện nay, trong đó phải kể đến hành vi chuyển giá thông qua các công cụ tài chính, điển hình là công cụ lãi vay. Bên cạnh đó, hành vi chuyển giá cũng có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp nội địa có quan hệ liên kết đang được hưởng các ưu đãi thuế.

Xuất phát từ thực tế này, nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi chuyển giá thông qua chi phí lãi vay và các khoản chi phí có tính chất tương tự chi phí lãi vay do doanh nghiệp có giao dịch liên kết lợi dụng sự chênh lệch thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia, vùng miền, lĩnh vực, Nghị định 20 đã khống chế chi phí lãi vay đối với các tập đoàn, công ty mẹ - con, doanh nghiệp có giao dịch liên kết với ngưỡng giới hạn ở mức 20% EBITDA (Chỉ số Tài chính phản ánh lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao).

Khoản 3, điều 8 Nghị định nêu: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Mặc dù được quy định trong Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết, nhưng điều khoản này được áp dụng đối với cả khoản vay từ doanh nghiệp liên kết và doanh nghiệp độc lập. Cơ quan thuế cho biết đây là quy định nhằm chống gian lận trong chuyển giá để trốn thuế.

Làm khó doanh nghiệp "nhỏ" trong nước

Trong quá trình hoạt động của mỗi doanh nghiệp, khoản vay nợ là yếu tố thường thấy trên các báo cáo tài chính. Chi phí phát sinh phục vụ cho mục đích vay nợ và chi phí lãi của khoản nợ vay này là một phần chi phí phát sinh thường xuyên của doanh nghiệp. Vốn đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư và vốn huy động trên thị trường. Để có vốn đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp có thể huy động vốn vay, phát hành chứng khoán, hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên kết, vay ngân hàng, vay cá nhân…

Tuy nhiên, với quy định của Nghị định 20 đang là rào cản làm khó cho doanh nghiệp khi thiếu vốn kinh doanh trong những lĩnh vực đòi hỏi số vốn lớn và vòng quay của dòng tiền trung và dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết, họ không thể ngờ rằng mục tiêu chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017 lại khiến doanh nghiệp "nội’ lãnh đủ.

Điển hình như các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có thể có nhiều chi nhánh, hoặc hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Khi Công ty mẹ điều hành công ty con trong cùng hệ thống, sẽ có giao dịch liên kết. Mà khi đã có giao dịch liên kết thì bất cứ khoản vay nào, kể cả vay của cổ đông, vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, vay tín dụng…đều bị khống chế 20% và làm tăng thuế TNDN phải nộp.

Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay sẽ làm cho các doanh nghiệp không còn mặn mà với khoản tài chính đi vay vì lợi nhuận thu được trong kinh doanh đôi khi không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh đa lĩnh vực… cũng có ý kiến về vấn đề này và mong muốn sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các công cụ tài chính như lãi vay trong quá trình trung chuyển vốn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao không đưa ra những biện pháp kiểm soát, chọn lọc mạnh mẽ với những doanh nghiệp lớn vốn tồn tại rất nhiều lỗ hổng tạo cơ hội chuyển giá, chống tránh thuế do vay lãi từ công ty mẹ, ngân hàng mẹ ở nước ngoài?

Trong khi thực tế, hiện tượng chuyển giá hiện nay chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài, do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế, nên nguy cơ chuyển giá của doanh nghiệp trong nước là khá thấp.

Theo Đức Phúc

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên