MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ là thể thao, golf còn mang nhiều điểm tương đồng với kinh doanh mà một nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần học hỏi

29-12-2016 - 11:31 AM | Sống

Cũng giống như chơi golf, muốn kinh doanh thành công thì không chỉ cần năng lực mà còn phải có "cây gậy tốt". Cây gậy đó chính là những nhân viên chuyên nghiệp và các công cụ hỗ trợ việc kinh doanh.

Lựa chọn câu lạc bộ phù hợp là yếu tố đầu tiên giúp một golf thủ thành công. Nếu chọn sai, bạn sẽ khó có được cơ hội đào tạo chuyên nghiệp.

Trong kinh doanh cũng vậy, nếu muốn thành công thì cần phải chọn đúng công cụ hỗ trợ việc kinh doanh. Công cụ đó phải tạo ra sự khác biệt với các doanh nghiệp đối thủ khác. Chơi golf cũng có nhiều điểm tương đồng có ích với kinh doanh mà một nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên học hỏi.

Chơi golf và kinh doanh đều khó hơn bạn nghĩ

Các doanh nhân khi mới bắt đầu kinh doanh thường có rất ít kinh nghiệm. Đó là điều dĩ nhiên, khởi động sự nghiệp kinh doanh không phải là một điều dễ dàng. Chúng ta đều cho rằng có thể nhanh chóng đạt được lợi ích khi chơi golf hay kinh doanh. Nhưng thực chất không phải vậy. Không chỉ khi chơi golf mà trong kinh doanh, muốn đạt được thành quả tốt thì đều cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và rèn luyện.

Chẳng có vận động viên hay nhà lãnh đạo nào đạt được thành công mà không trải qua quãng thời gian rèn luyện bền bỉ, mài giũa kỹ năng. Một doanh nhân hay golf thủ muốn thành công thì đều phải giữ nguyên mục tiêu phấn đấu dài hạn như ban đầu.

Cần phải có chiến lược

Nếu xem một trận đấu golf chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy các tay golf hoặc trợ lý của họ thường xem xét địa hình kĩ lưỡng trước khi đưa ra những chiến lược thông minh nhất cho một trận đấu. Tay golf đỉnh cao như Jack Nicklaus cũng sử dụng chiến lược này để xác định vị trí lỗ golf và giả định những vấn đề có thể xảy ra trong khi thi đấu. Thông thường, mỗi một lỗ golf người chơi đều có những chiến thuật riêng để nhằm trúng lỗ nhanh và chính xác nhất.

Điều này cũng tương tự như khi điều hành một doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần phải xây dựng chiến lược rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển: 1 năm, 3 năm, 5 năm hay xa hơn nữa.

Một ví dụ điển hình là chiến lược của hãng Apple iPad Air. Vào thời điểm iPad Air có chi phí sản xuất khoảng 274 đô và giá bán trên thị trường là 499 đô thì một số sản phẩm cạnh tranh khác lại chỉ bán với mức giá 200 đô hoặc thấp hơn. Vậy tạo sao Apple vẫn có thể bán được sản phẩm của mình với mức giá cao hơn thị trường chung? Đó là nhờ chiến lược tiếp thị, mẫu mã thiết kế, phần mềm và độ bền khác biệt với các đối thủ. Hãng Apple đã vạch ra những kế hoạch khác nhau cho từng giai đoạn tung ra sản phẩm iPad Air và triển khai chúng rất thành công.

Ưu tiên làm việc cần phải làm

Bạn đã bao giờ nhìn thấy Tiger Woods hay Rory McDonald mang theo túi golf của họ? Chắc chắn là không bao giờ, đặc biệt là trong các giải đấu chuyên nghiệp. Bởi vì đó không phải là công việc họ phải làm. Họ cần phải tập trung vào việc kết thúc trận đấu một cách thành công nhất có thể. Không ít caddies (nhân viên phục vụ kéo túi gậy cho người chơi) cũng là những tay golf cừ khôi nhưng họ lại không tham gia thi đấu mà chỉ giúp đỡ cho người chơi chuyên nghiệp hoàn thành trận đấu.

Là một nhà lãnh đạo cũng vậy, bạn cần phải có người giúp đỡ xử lý công việc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Ngay cả khi bạn là một nhà kinh doanh độc lập thì cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp ngoài luồng để tiết kiệm thời gian vào các mục đích khác như gia tăng năng suất làm việc.

Chẳng hạn như, CEO của một doanh nghiệp không phải là người quản lý việc đặt đồ ăn cho nhân viên mỗi ngày. Bên cạnh đó, là một nhà lãnh đạo cần phải tin tưởng vào đồng nghiệp, nhân viên một khi đã bàn giao công việc lại cho họ. Ôm đồm quá nhiều việc không phải là một điều tốt.

Học hỏi sau mỗi lần phạm sai lầm

Hiếm có một golf thủ nào có thể chơi hoàn hảo ở tất cả các trận đấu. Dù một trận đấu có kết thúc xuất sắc nhất cũng sẽ xuất hiện một, hai lỗi nhỏ. Tuy nhiên, quan trọng là cần phải tập trung để không tái phạm lại những lỗi đó lần sau.

Điều hành doanh nghiệp đôi khi cũng xảy ra một số tình huống bất ngờ, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của bạn. Nên nhớ, bạn phải tập trung vào vấn đề cần giải quyết, mục đích hướng tới và đừng để việc mất tinh thần hủy hoại cả sự nghiệp.

Như trường hợp của bà chủ hãng thiết kế nội thất Discount Designer Furnishings, Jennifer Scully. Bà từng phá sản và là người vô gia cư nhưng sau đó lại trở thành chủ một doanh nghiệp giúp bà thu về 300.000 đô mỗi năm. Điều quan trọng là phải biết thích ứng nhanh chóng với môi trường mới, kiên trì với mục tiêu ban đầu, tránh để tâm trạng tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân và công việc.

Khởi động chậm nhưng kết thúc mạnh mẽ

Nhiều doanh nhân cảm thấy thiếu tự tin về chính bản thân mình nếu họ không có xuất phát điểm thuận lợi. Sự nghi ngờ bản thân ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của họ. Tâm lý này cũng thường xuất hiện ở các golf thủ. Trước mỗi trận đấu, họ thường có tâm trạng lo lắng, bất an nhưng chỉ cần sau vài đường khởi động sẽ lấy lại được phong độ, cân bằng tâm lý và hoàn thành xuất sắc trận đấu.

Tất nhiên, trở thành một nhà lãnh đạo không phải là điều đơn giản. Thế nhưng không có xuất phát điểm thuận lợi không có nghĩa là bạn không có động lực để thành công. Đừng nghi ngờ hay tự hỏi bản thân phải mất bao nhiêu tuần, tháng để khởi động một doanh nghiệp.

Nếu công việc hàng ngày không mang đến cảm giác thành công và lợi nhuận mà bạn hi vọng, hãy thay đổi sản phẩm, phương thức kinh doanh. Đừng quên phải kiên trì và hoàn thành mục tiêu ban đầu.

Nguyễn Linh

Entrepreneur

Trở lên trên