MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt

13-11-2019 - 07:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhóm “big 4” vẫn đang dẫn đầu về giá trị tuyệt đối, nhưng nhóm ngân hàng thương mại tư nhân mới là những đầu tàu tốc độ.

Trong hoạt động ngân hàng , lợi nhuận thường là tiêu chí đầu tiên và nổi bật khi so sánh giữa các thành viên. Thế nhưng, ở góc độ quản trị điều hành và theo chiến lược đường dài, tổng tài sản mới là yếu tố cạnh tranh ngầm quyết liệt.

"Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là mãi mãi" - quan điểm này từng được một số lãnh đạo ngân hàng thương mại bàn luận trước đây. Thực tế, lợi nhuận nhiều trường hợp chứng kiến thăng - trầm qua các giai đoạn, nhưng yêu cầu đối với tổng tài sản phải luôn bám sát tốc độ phát triển, mở rộng của thị trường và nền kinh tế. Đó là đường dài.

Tổng tài sản mỗi ngân hàng thương mại giống như GDP của một quốc gia. Nó bao gồm và phản ánh tất cả các giá trị của mỗi nhà băng, mà trong đó quan trọng hàng đầu là khách hàng và thị phần.

Ngân hàng có thể mất hoặc giảm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng nếu để mất thị phần và khách hàng (giảm tổng tài sản) thì bước lùi có thể ảnh hưởng mang tính lâu dài.

BizLIVE điểm lại diễn biến tổng tài sản của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng đầu năm nay, cũng như các chỉ tiêu quan trọng về thị phần huy động và cho vay...

Số liệu Báo cáo tài chính quý III/2019 của 24 ngân hàng cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của nhóm này đã đạt 8,175 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với đầu năm.

Trong đó, nhóm “Big 4” ngân hàng có vốn Nhà nước (bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank) vẫn đang dẫn đầu, với tổng tài sản của mỗi nhà băng đều đã vượt quá 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, BIDV, Agribank đã cán mốc này từ năm  2016; VietinBank năm 2017 và Vietcombank là trong năm 2018.

Cụ thể, với tổng tài sản 1,425 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,56% so với đầu năm, BIDV đang là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Agribank chưa công bố BCTC quý III/2019, nhưng theo con số cập nhật đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt 1,353 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5,51% so với đầu năm và đứng thứ 2 trong hệ thống.

Nếu muốn vượt qua BIDV, riêng trong quý III/2019, tài sản của ngân hàng sẽ phải tăng trưởng thêm hơn 5,63% nữa.

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt - Ảnh 1.

Với quy mô tài sản đạt 1,202 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2019, VietinBank đang đứng thứ ba trong hệ thống nhưng ngân hàng lại có tốc độ tăng trưởng tài sản chậm nhất trong nhóm, với việc chỉ tăng 3,24% so với đầu năm.

Vietcombank đứng thứ 4 trong hệ thống xét về tổng tài sản, với việc đạt 1,157 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,77% so với đầu năm.

Theo đó, tổng tài sản của riêng 4 ngân hàng này đã đạt 5,138 triệu tỷ đồng, chiếm tới 63% tổng tài sản của nhóm khảo sát.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, SCB là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất với 552,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,57% so với đầu năm. Tiếp đó là các ngân hàng khác như Sacombank (450,2 nghìn tỷ đồng), MBB (397,4 nghìn tỷ đồng), Techcombank (367,5 nghìn tỷ đồng), VPBank (358,2 nghìn tỷ đồng),…

Xét về tốc độ tăng trưởng, VIB đang là ngân hàng có tổng tài sản “phình to” nhanh nhất trong 9 tháng đầu năm, với việc tăng trưởng tới 26,2%, lên 175,6 nghìn tỷ đồng.

Tương tự, một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa khác như Vietbank, NamABank, Tpbank cũng có sự tăng trưởng tài sản khá tốt, với mức tăng lần lượt 19%, 17% và 13% so với đầu năm.

Ở chỉ tiêu cho vay khách hàng, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2019, BIDV tiếp tục dẫn đầu hệ thống khi đang dành tới 75,3% tổng tài sản, tương đương hơn 1,073 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế, tăng trưởng 8,57% so với đầu năm.

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt - Ảnh 2.

Ngân hàng Agribank đến cuối tháng 6 cũng dành 1,055 triệu tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng trưởng 4,89% so với đầu năm.

Các ngân hàng VietinBank và Vietcombank lần lượt đang cho vay 899 nghìn tỷ và 708 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,95% và 12% so với đầu năm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần dù chiếm thị phần nhỏ hơn, nhưng lại là nhóm đang có tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh hơn rất nhiều. Techcombank và VIB là hai trường hợp điển hình.

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt - Ảnh 3.

Trong 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng của Techcombank và VIB đã tăng trưởng tới hơn 28% so với đầu năm. Con số này tại NamABank là 24,34% và tại OCB là 20,7%. Được biết, ngoại trừ NamABank, ba ngân hàng thương mại cổ phần còn lại đã sớm được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng chuẩn mực Basel II, theo đó, nhiều khả năng đã được Nhà điều hành nâng “room” tín dụng.

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt - Ảnh 4.

Ở chỉ tiêu tiền gửi khách hàng, chỉ tính đến cuối tháng 6/2019, lượng tiền gửi vào Agribank đã đạt 1,175 triệu tỷ đồng, vượt qua con số vào thời điểm cuối tháng 9 của BIDV là hơn 1,084 triệu tỷ đồng.

Không chỉ lợi nhuận, tổng tài sản các ngân hàng cũng ganh đua quyết liệt - Ảnh 5.

VIB tiếp tục là ngân hàng có tốc độ thu hút tiền gửi hách hàng nhanh nhất khi tăng 34% trong 9 tháng, kế tiếp là NCB (23,74%), NamABank (20,64%) và VPBank (20,33%).

*Số liệu tại ngân hàng Agribank được lấy tại thời điểm 30/6/2019 .

Theo Trần Thúy

BizLive

Trở lên trên