MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có chuyện hạ thấp cao trình đê sông Hồng ở Hà Nội

16-02-2017 - 09:46 AM | Bất động sản

Thời gian qua, một số cơ quan báo chí thông tin Hà Nội đề xuất "hạ cao trình đê sông Hồng" để phục vụ mở rộng đường giao thông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Thông tin này không chính xác và Bộ NN-PTNT chưa bao giờ đồng ý cho Hà Nội hạ cao trình đê sông Hồng mà chỉ đồng ý thay đổi kết cấu đê.


Ông Trần Quang Hoài

Ông Trần Quang Hoài

Ông Hoài khẳng định, UBND TP Hà Nội chỉ có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT thoả thuận phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu sông Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Không có chuyện Hà Nội đề nghị hạ cao trình đê.

Nguyên nhân dẫn đến đề xuất trên là đoạn đường này đang trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Với kết cấu đê đất hình thang như hiện nay thì chỉ sử dụng được một diện tích nhỏ ở mặt đê để làm đường giao thông. Còn nếu thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép, thì sẽ có thêm diện tích để mở hai làn đường.

"Cần phải hiểu rằng, cao trình mặt đê sẽ không thay đổi. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng xong bức tường bê tông cốt thép với cao trình mặt đê ngang bằng mặt đê đất hiện tại, thì mới được hạ thấp mặt phần đường giao thông phía trong xuống cao trình 12,4m", ông Hoài nói.

Thực tế, hệ thống đê đất sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội đã được đắp hàng ngàn năm. Hàng năm chúng ta vẫn phải tiến hành "siêu âm" xem có mối mọt, lún sụt không, và nếu có thể chuyển kết cấu đê đất sang kết cấu đê bê tông cốt thép thì việc quản lý chất lượng thân đê sẽ tốt hơn nhiều.

Hà Nội đã có những vị trí được thay đổi kết cấu đê. Ví dụ đoạn đê hữu sông Hồng từ bến Nứa đến cửa khẩu An Dương trước đây là đê đất, nhưng chúng ta đã thay đổi kết cấu thành đê bê tông cốt thép (chính là bức tường chạy dọc theo "Con đường gốm xứ" bây giờ). Đây vừa một công trình mĩ thuật của thủ đô, vừa đảm bảo an toàn phòng chống lũ, vừa phát triển giao thông.

Vấn đề đặt ra là, chúng ta thay thế kết cấu đê như thế nào? Vì mực nước thiết kế phòng chống lũ của Hà Nội là 13,5m (với tần suất xuất hiện 1/500, nghĩa là 500 năm xuất hiện một lần). Về phương án thiết kế của TP Hà Nội đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m, đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ. Nếu không đảm bảo an toàn, tuyệt đối không được thực hiện.


Cả Hà Nội và Bộ NN-PTNT đều không có chủ trương đồng ý hạ độ cao đê sông Hồng

Cả Hà Nội và Bộ NN-PTNT đều không có chủ trương đồng ý hạ độ cao đê sông Hồng

Vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cũng lưu ý, hiện nay một bộ phận người dân và một số lãnh đạo các cấp, ngành đang có tư tưởng cho rằng, các hồ chứa đã cắt được lũ rồi nên không còn lũ, và vai trò của đê điều bị xem nhẹ. Nhưng điều này hoàn toàn không chính xác. Bởi các hồ chứa thượng lưu sông Hồng chỉ cắt được dung tích khoảng 8,5 tỷ m3 nước và khi mưa vượt tần suất thiết kế, các hồ chứa buộc phải xả lũ xuống hạ du.

Chúng ta không thể chủ quan. Bởi thủ đô Bangkok (Thái Lan) cũng đã có hai hồ chứa lớn cắt lũ ở thượng nguồn với dung tích cắt lũ lớn hơn các hồ thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà rất nhiều. Nhưng năm 2010, mưa vượt tần suất thiết kế và cả thủ đô Bangkok ngập trong biển nước, gây thiệt hại 42 tỷ USD.

"Ở nước ta, sự kiện vỡ đê sông Hồng năm 1971 là bài học nhãn tiền. Nếu kịch bản mưa lũ trên lặp lại, thì chắc chắn vùng hạ du phía Bắc sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều lần so với hơn 40 năm trước. Bởi, cùng với sự phát triển kinh tế, rất nhiều khu công nghiệp, trang trại và khu dân cư mọc lên phía trong và ngoài đê sông Hồng. Vì thế, cả TP Hà Nội và Bộ NN-PTNT không có quyền cho phép hạ cao trình đê sông Hồng", ông Hoài khẳng định.

Theo Minh Phúc

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên