MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để tình trạng đối phó, chạy biên chế

07-06-2016 - 08:13 AM | Xã hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có buổi làm việc với Bộ Nội vụ sáng 6/6 về biên chế, xây dựng nền hành chính công…

Mỗi năm giảm ít nhất 1,5% biên chế

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, Bộ Nội vụ tập trung triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó các nhiệm vụ trọng tâm như: Chính phủ điện tử, tinh giản biên chế, tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức; Cải cách thủ tục hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện văn bản phục vụ cho tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ cho biết, trong tháng 6 này sẽ kết thúc việc thẩm định và phê duyệt danh mục vị trí việc làm của các bộ, ngành Trung ương còn lại. Tính đến hết tháng 5/2016, đã ban hành 86 tiêu chuẩn ngạch công chức và 118 tiêu chuẩn chức danh viên chức. Bộ Nội vụ cũng đặt kế hoạch trong năm nay sẽ thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng, thực hiện công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, vừa qua Hà Tĩnh xin sáp nhập các xã dưới 3.000 dân. Sau khi Bộ Nội vụ làm việc với Hà Tĩnh, tới đây sẽ kiến nghị cho sáp nhập các xã có quy mô nhỏ trên toàn quốc. Liên quan đến chủ trương thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện, ông Hùng khẳng định sẵn sàng soạn thảo văn bản khi được cấp trên giao. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cam kết mỗi năm sẽ giảm ít nhất 1,5% trong tổng biên chế, để đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh, thành.

Có nên tiếp tục bổ nhiệm chức danh “hàm”

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh công tác cải cách hành chính cần được quan tâm, triển khai quyết liệt, xóa bỏ các rào cản, thủ tục rườm rà, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất... Làm sao để cải cách hành chính thực sự là khâu đột phá, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn kinh doanh.

“Chúng ta phải xây dựng nền hành chính công thực sự công khai, minh bạch, thủ tục hành chính gọn nhẹ. Muốn vậy phải cải tiến quyết liệt thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ tin học, đánh giá toàn diện, cụ thể những cái được, cái còn tồn tại, yếu kém và đề ra các giải pháp khắc phục mang tính đột phá”, ông Bình nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, việc công bố chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức, nếu làm tốt sẽ tạo ra động lực cũng như cảnh báo các cơ quan nhà nước về thái độ phục vụ. Khi người dân không hài lòng, cơ quan hành chính nhà nước phải nhìn lại.

Liên quan đến quá trình tuyển dụng, ông Trương Hòa Bình đề nghị phải quy định rõ quyền và chế tài, phân nhiệm vụ kèm theo phân quyền, cùng với đó có chế tài và cơ chế kiểm soát, xử lý vi phạm. Việc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính cần xem lại, bởi nhiều cán bộ có trách nhiệm ở địa phương đi thi nâng ngạch đã trực tiếp phản ánh tiêu cực lên lãnh đạo Chính phủ.

Về xác định vị trí việc làm, Phó Thủ tướng đề nghị làm thế nào để thu hút được người tài vào trong bộ máy nhà nước. Xác định vị trí việc làm là việc khó, dù đã đôn đốc nhiều nhưng vẫn còn chậm. Đặc biệt việc đánh giá là thực chất hay chỉ là sự đối phó của các cơ quan? Vấn đề này phải kiểm tra, đánh giá kỹ, không để tình trạng đối phó rồi “chạy” biên chế.

Trước thực trạng bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ công chức hiện đang rất nhiều, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Liệu có nên tiếp tục bổ nhiệm chức danh “hàm”, hay quy định một chức danh nào đó? Nếu vẫn tiếp tục như hiện nay thì sẽ phải thực hiện thế nào? Đối với trợ lý, thư ký cho lãnh đạo thì có phong “hàm” không?... Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu kỹ và có đề xuất thỏa đáng, tránh tình trạng “ghế nhiều quá nên đặt họ lên đó ngồi”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cam kết mỗi năm sẽ giảm ít nhất 1,5% trong tổng biên chế, để đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh, thành.

Theo Thành Nam

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên