MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Donald Trump, đây là người đưa nước Mỹ trở thành "quê hương” và “thành trì” của chủ nghĩa bảo hộ

Có một người không phải là Tổng thống nhưng lại được in hình lên tờ tiền giấy USD, có một người không phải là nhà kinh tế học nhưng lại định hình cho cả chủ nghĩa bảo hộ sau này trên thế giới, đó là Alexander Hamilton.

Khắc tên mình lên lịch sử nước Mỹ

Alexander Hamilton sinh ngày 11/1/1757 tại Nevis, British West Indies và mất vào ngày 12/7/1804 (49 tuổi) tại New York. Ông thuộc thế hệ “khai quốc công thần” danh tiếng của nước Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson, James Madison…

“Người cha lập quốc” (Founding Father) là danh xưng với tất cả sự yêu mến và kính trọng của người Mỹ dành cho Alexander Hamilton. Trong thế hệ vĩ đại của những người xây dựng nhà nước Cộng hoà Mỹ đầu tiên sau khi giành được độc lập từ tay người Anh, Hamilton là người trẻ tuổi nhất nhưng cũng là người duy nhất thuộc tầng lớp bình dân thấp kém.


 

Hamilton là một trong hai người không phải là tổng thống nhưng được in hình lên tờ tiền giấy USD (nguồn ảnh: Internet).

Hamilton là một trong hai người không phải là tổng thống nhưng được in hình lên tờ tiền giấy USD (nguồn ảnh: Internet).

Hamilton hiện diện qua hầu như tất cả các sự kiện then chốt của nước Mỹ những ngày đầu lập quốc. Càng tìm hiểu về quá trình hình thành nước Mỹ, người ta càng kinh ngạc về những đóng góp và ảnh hưởng của Hamilton. Ông viết tác phẩm Người Liên bang (Federalist Papers) năm 30 tuổi, viết chung với James Madison (sau này là Tổng thống thứ 4 của Mỹ). Những tư tưởng lớn lao chứa đựng trong đó đã đưa tác phẩm này sánh ngang với những danh tác chính trị của nhân loại như “Nền cộng hoà” (Republic) của Plato, “Khoa học chính trị” (Politics) của Aristotle, “Uy quyền tối cao” (Leviathan) của Thomas Hobbes.

“Người liên bang” là tập hợp của 85 bài viết do Hamilton và Madison cùng chung tay chấp bút nhằm bảo vệ Hiến pháp Mỹ trước làn sóng phản đối rất gay gắt trên toàn quốc lúc bấy giờ. Nhiều thập kỷ và cả thế kỷ sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Hiến pháp trên tinh thần mà Hamilton và Madison đã từng đề cập tới trong “Người liên bang”.

Hamilton làm Bộ trưởng Tài chính năm 32 tuổi, dẵn dắt nước Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên năm 1792, soạn bản Báo cáo về nền Tài chính và ngân hàng Trung ương Mỹ khi 35 tuổi, định hình nền chính trị Mỹ khi chưa đầy 40 tuổi; có tác động quyết định trong việc xoay chuyển kết quả hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (bầu John Adams và Thomas Jefferson năm 1800 và 1804) khi đã rời khỏi chính trường…

Người ta thường nói nhiều về Hamilton ở vai trò nhà lập hiến và người định hình nền tài chính Mỹ khi đó. Nhưng ít ai biết rằng ông còn định hình tương lai của cả nền kinh tế Mỹ sau này bởi ý tưởng các ngành công nghiệp non trẻ cần được bảo vệ. Thứ mà sau này trở thành logic cơ bản của chủ nghĩa bảo hộ.

Lật lại lịch sử

Hamilton là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “ngành công nghiệp non trẻ” (Infant Industry) và hệ thống những luận cứ bảo vệ trong Các báo cáo của Bộ trưởng Tài chính về vấn đề sản xuất của ông viết năm 1791.

Trong cuốn Các báo cáo, Hanilton cho rằng cạnh tranh từ nước ngoài và sức mạnh của “thói quen” sẽ khiến cho các ngành công nghiệp mới, những ngành sẽ nhanh chóng gặp phải sự cạnh tranh quốc tế (“ngành công nghiệp non trẻ”) khó có thể phát triển được ở Mỹ nếu như các khoản lỗ ban đầu của chúng không được chính phủ trợ giúp. Ông lập luận rằng bảo hộ mậu dịch và vai trò tích cực của nhà nước góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước, những lập luận này cũng tương tự như những lập luận chúng ta thường gặp ngày nay.

Hamilton đã nhìn nhận rằng an ninh kinh tế của nước Mỹ bị đe dọa bởi các chính sách trọng thương của các quốc gia khác và ông tin rằng các hành động mạnh mẽ của nhà nước là cần thiết nhằm đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh kinh tế nước ngoài. Ông ủng hộ việc sử dụng các khoản trợ cấp nhằm làm cho hàng hóa của Mỹ tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và nước ngoài, và để bù đắp cho các khoản trợ cấp mà chính phủ các nước khác cũng đang áp dụng cho hàng hóa của họ. Ông viết rằng:

Nhiều người biết rằng… có một số quốc gia đưa ra các khoản tiền thưởng (các khoản trợ cấp) cho việc xuất khẩu một số hàng hóa nhất định, nhằm giúp người sản xuất ở quốc gia đó có thể bán với giá thấp hơn và chiếm chỗ của các đối thủ cạnh tranh ở những quốc gia có sự hiện diện của các loại hàng hóa đó. Vì vậy người sản xuất những loại sản phẩm mới không chỉ phải đối phó với các bất lợi tự nhiên đến từ việc sản xuất một loại sản phẩm mới mà còn từ những khoản tiền thưởng và trợ cấp của các chính phủ khác. Để tạo điều kiện cho những nhà sản xuất này thành công, rõ ràng cần có sự can thiệp và trợ giúp từ phía chính phủ.” - Alexander Hamilton ​

“Quê hương” và “thành trì” của chủ nghĩa bảo hộ.

Ban đầu, Mỹ không có hệ thống thuế khóa thống nhất trong cả nước. Sau khi giành được quyền đánh thuế, Quốc hội đã thông qua đạo luật năm 1789 đánh một mức thuế thống nhất là 5% lên các hàng hóa nhập khẩu. Sau đó rất nhiều loại thuế đã tăng lên vào năm 1792, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà Hamilton đề xuất nhằm lập ra hệ thống bảo hộ và trợ cấp cho các ngành công nghiệp non trẻ.

Suốt hơn một thế kỉ (1816 -1945), trong giai đoạn đuổi kịp của mình, Chính phủ Mỹ đã vận dụng những lập luận trên của Hamilton vào thực tế một cách rất tích cực. Trong thời gian này, Mỹ là nước có mức thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa chế tạo cao nhất thế giới. Chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, Pat Buchanan đã nói rằng tự do thương mại là thứ “không phải của Mỹ”

Chắc chắn, các ngành công nghiệp Mỹ không thực sự cần đến tất cả những loại hình bảo hộ thuế quan đã được áp dụng, và nhiều loại thuế đã được duy trì lâu hơn mức cần thiết. Nhưng cũng rõ ràng là nền kinh tế Mỹ không thể đạt được vị trí như ngày hôm nay nếu không có chính sách bảo hộ mạnh mẽ bằng thuế quan, ít nhất là cho những ngành non trẻ then chốt.

Những câu chuyện hiện đại về Trump và Hamilton

Vai trò “thành trì” của nước Mỹ trong chủ nghĩa bảo hộ có lẽ vẫn còn xa lạ với đa số mọi người nếu như không có sự xuất hiện của tổng thống thứ 45 hiện tại Donald Trump. Lịch sử trước đó gần như bị lu mờ, khi Mỹ trở thành kẻ mạnh nhất, họ đã thay đổi chiến thuật.

Giáo sư Đại học Cambridge Ha – Joon Chang đã viết trong cuốn Lên gác rút thang: Ngay cả Mỹ cũng không sử dụng mô hình “Mỹ” (PV: ý chỉ “Đồng thuận Washington” bao gồm các chính sách được soạn thảo khuyến nghị cho nhiều quốc gia theo hướng tự do hóa thương mại, đầu tư, tư nhân hóa và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước.) khi nước này phát triển kinh tế của mình. Hầu hết các nước giàu có hiện nay – nước Anh thế kỷ 18, mà Alexander Hamilton đã sao chép, Hàn Quốc cuối thế kỷ 20 – đều đạt được sự phát triển kinh tế trong giao đoạn đầu nhờ vào chủ trương bảo hộ và nâng đỡ các ngành công nghiệp non trẻ.

Những chính sách bảo hộ mà tổng thống Trump chủ trương hiện tại dường như là một sự quay trở lại về đúng với hình ảnh của nước Mỹ mà thế hệ Hamilton đã dày công xây dựng trước đây.


Tổng thống Donald Trump nhận được rất nhiều bài học từ vị tiền bối lập quốc Hamilton (nguồn ảnh: Internet).

Tổng thống Donald Trump nhận được rất nhiều bài học từ vị tiền bối lập quốc Hamilton (nguồn ảnh: Internet).

Trước đó trong chiến dịch tranh cử của mình, Ông Trump cũng không giấu diếm tham vọng trở thành “Hamilton thứ hai”. Ông muốn điều hành một nền kinh tế chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản giống như Hamilton tưởng tượng. Ngay cả khẩu hiệu chiến dịch của Trump là Hamiltonian. Mục tiêu đã nêu của Hamilton là "sự vĩ đại của quốc gia", cũng chính là điều mà Tổng thống Trump đã nhắc đi nhắc lại trong các bài viết của mình.

Lịch sử và hiện tại luôn tạo cho người ta nhiều đối lập băn khoăn. Ngày nay, nhiều người ta đặt câu hỏi các nước giàu đã phát triển theo cách đó, vậy thì tại sao họ lại bảo các nước đang phát triển làm khác xa những thứ họ đã làm khi còn ở giai đoạn tương tự trong quá khứ?

Hẳn Alexander Hamilton không thể có câu trả lời, ông chỉ là người khởi đầu cho một câu chuyện rất dài sau này…

Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên