MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải thao túng tiền tệ, đây mới là thách thức kinh tế lớn nhất mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ

17-04-2017 - 08:51 AM | Tài chính quốc tế

Vừa trở về từ Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã có cơ hội gặp 1 số quan chức cấp cao và ngày càng bị thuyết phục rằng những vấn đề mà nhiều người Mỹ lo lắng đều không có thực hoặc không quan trọng.

Larry Summers trước từng là hiệu trưởng và hiện là giáo sư tại ĐH Harvard. Ông là Bộ trưởng Tài chính mỹ từ năm 1999 đến 2001, đồng thời là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Barack Obama từ năm 2009 đến 2010. Trong bài viết mới được đăng tải trên tờ Washington Post, ông đã bày tỏ quan điểm của mình về tương quan kinh tế Mỹ - Trung trong bối cảnh Tổng thống mới lên nắm quyền Donald Trump đang đe dọa sẽ thổi bùng lên chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Đầu tuần trước, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên. Những nhà quan sát ở cả hai bên Mỹ - Trung dường như đã “thở phào nhẹ nhõm”. Hai bên không đạt được bước đột phá ngoại giao nào về các vấn đề lớn, nhưng cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy phía Mỹ hay phía Trung Quốc tỏ ra quá hung hăng. Cả niềm hi vọng và nỗi sợ hãi đều đã không trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, điều này lại không đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Đặc biệt là câu hỏi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi theo hướng nào, và liệu có phải Mỹ muốn “bất chấp tất cả” để tiến hành 1 cuộc chiến thương mại hay không.

Vừa trở về từ Trung Quốc, tôi đã có cơ hội gặp 1 số quan chức cấp cao và ngày càng bị thuyết phục rằng những vấn đề mà nhiều người Mỹ lo lắng đều không có thực hoặc không quan trọng. Ngược lại, thách thức kinh tế lớn nhất mà Trung Quốc đem đến cho nước Mỹ không nhận được nhiều sự chú ý.

Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Trump đã không gắn cho Trung Quốc cái mác thao túng tiền tệ dù dường như đó là điều ông vẫn khao khát trong suốt chiến dịch tranh cử. Đây là 1 quyết định khôn ngoan. Mặc dù đúng là Trung Quốc đã từng quản lý đồng nhân dân tệ 1 cách bất hợp lý, thao túng đồng tiền này ở thời kỳ năm 2005, không có lý gì để nói rằng ngày nay Trung Quốc vẫn đang cố tình giữ đồng nội tệ ở mức thấp để giành lợi thế cạnh tranh. Nhìn vào biến đổi trong dự trữ ngoại hối và những biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc, có thể nói rằng trong mấy năm trở lại đây, ít có nước nào đã cố gắng đẩy tăng giá nội tệ nhiều như Trung Quốc.

Vậy thì vấn đề ở đây là gì?

Đó là nỗ lực thông qua con đường kinh tế tạo dựng quyền lực mềm trên khắp thế giới của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện tầm nhìn của Trung Quốc về 1 hệ thống kinh tế toàn cầu mà trong đó nước Mỹ ngày càng hướng nội. Trong khi đó, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc hứa hẹn những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và viện trợ nước ngoài khổng lồ để kết nối Trung Quốc với châu Âu.

Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á AIIB (được Trung Quốc dựng lên để đối đầu với World Bank) mới đây tuyên bố sẽ không giới hạn hoạt động ở châu Á mà sẽ là toàn thế giới. Ở thời điểm hiện tại, ở Mỹ Latinh và châu Phi, dòng vốn của Trung Quốc đã vượt trội so với Mỹ. Và Trung Quốc sẽ sớm trở thành nước dẫn đầu trong việc xuất khẩu các công nghệ năng lượng sạch.

Qua thời gian, những khoản đầu tư này sẽ đảm bảo Trung Quốc có thể tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô, cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng quy mô và giúp nước này có thêm bạn bè. Mỹ đã từ chối tham gia AIIB, từ chối trở thành người dẫn đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và còn mạnh tay cắt giảm viện trợ nước ngoài. Những chính sách mới đang khiến vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế bị suy yếu. Tất nhiên, điều này không có ý nghĩa sống còn nhưng sẽ là 1 sai lầm nếu coi nhẹ nó.

Tương lai kinh tế Mỹ được định hình bằng những lựa chọn chính sách ở Washington chứ không phải ở Bắc Kinh. Về thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc đối với Mỹ, đó là kết quả của tăng trưởng vượt bậc và gia tăng năng suất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được, chứ không phải nhờ các chính sách thương mại thiếu công bằng.

Do đó Mỹ sẽ lạc hướng nếu như quá tập trung vào thâm hụt thương mại. Đúng là Trung Quốc có hỗ trợ ngành xuất khẩu theo nhiều cách. Nhưng nếu như Mỹ có thể ngăn chặn việc này, các tập đoàn sẽ chuyển nhà máy sang Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác có chi phí thấp, do đó việc làm cũng chẳng thể quay về Mỹ. Nhiều công ty Mỹ than phiền về quyền sở hữu trí tuệ khi đầu tư ở Trung Quốc, nhưng nếu vấn đề này được giải quyết thì hoạt động sản xuất càng dịch chuyển về Trung Quốc, trái với mong muốn của Tổng thống Trump.

Giữa Mỹ và Trung Quốc nên có 1 cuộc đối thoại thực sự về chủ đề hợp tác quốc tế và vai trò của 2 cường quốc là gì. Cuộc đối thoại nên diễn ra càng sớm càng tốt. Mỹ nên giảm bớt sự tập trung vào những vấn đề cụ thể mang tính ngắn hạn, thay vào đó tập trung vào câu hỏi trong 100 năm nữa, các nhà sử học sẽ nhớ về nước Mỹ như thế nào.

Thu Hương

Washington Post

Trở lên trên