MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc có tác động đến hoạt động sản xuất của Việt Nam?

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc có tác động đến hoạt động sản xuất của Việt Nam?

Vấn đề thiếu điện ở Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến các ngành công nghiệp sản xuất như luyện nhôm, luyện thép. Vậy điều này có tác động đến hoạt động cung ứng nguyên liệu và sản xuất của Việt Nam hay không?

Theo CNBC, vấn đề thiếu năng lượng ở Trung Quốc vốn đã được các chuyên gia cảnh báo từ sớm. Tuy nhiên, khủng hoảng điện mới thật sự trở nên nghiêm trọng vào tuần trước, khi 20/31 tỉnh thành của Trung Quốc bị cắt điện tạm thời.

Cuộc khủng hàng này đã khiến các gián hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân tại Trung Quốc bị gián đoạn. Đơn cử như chính quyền địa phương ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam và Quảng Đông đã yêu cầu nhiều nhà máy hạn chế sử dụng điện hoặc hạn chế sản lượng.

Đặc biệt, một số nhà cung cấp điện đã gửi thông báo đến các nhà máy yêu cầu tạm dừng sản xuất trong giờ cao điểm, hoặc tạm ngừng hoạt động hoàn toàn từ 2-3 ngày/tuần.

Có thể thấy, tác động của cuộc khủng hoảng này đến các ngành công nghiệp ở Trung Quốc là vô cùng rộng. Bao gồm một số lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng như luyện nhôm, luyện thép, sản xuất xi măng và sản xuất phân bón.

Đáng chú ý, những lĩnh vực này đều là những ngành có sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu với khối lượng lớn. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc có tác động đến hoạt động sản xuất của Việt Nam? - Ảnh 1.

Một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2021. Nguồn: TCHQ

Nếu xét theo các mặt hàng, số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan về giá trị và sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam theo các mặt hàng cụ thể thì các mặt hàng nhôm, thép, phân bón... đều là những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu với khối lượng lớn.

Cụ thể, sắt thép là một trong những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, với khối lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2021 hơn 4 triệu tấn, giá trị nhập khẩu khoảng 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, phân bón, chất dẻo, xơ dệt, than đá cũng là một trong những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn từ thị trường Trung Quốc.

Liệu khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc có làm gián đoạn hoạt động sản xuất của Việt Nam vì thiếu nguyên liệu đầu vào?

Tại họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay, trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến hoạt động sản xuất của một số ngành sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng.

Theo đó, các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp về việc thiếu nguyên liệu đầu vào.

Ông Thành thông tin, thực tế, Việt Nam đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ năm 2020. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu khiến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày, các ngành công nghiệp nặng… bị gián đoạn. Tuy nhiên, ngay sau đó, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó và đã chủ động được nguồn cung này.

Mặt khác, trong thời điểm vừa qua, tình hình dịch bệnh lần 3, lần 4 diễn ra hết sức phức tạp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước bị giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Nam phải tạm dừng hoạt động.

"Chính vì vậy nên nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa đề cập vấn đề này với cơ quan quản lý nhà nước", Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.

Chưa kể, hiện nay, một số mặt hàng Việt Nam đã có thể chủ động được nguyên liệu đầu vào như thép xây dựng. Hay một số ngành khác, với biến động trong ngắn hạn ở đối tác Trung Quốc trong thời điểm này cũng chưa ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào phía Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp và thường xuyên có sự trao đổi. Khi có sự biến động đầu vào các nguyên liệu trong ngành công nghiệp thì chúng tôi sẽ có sự phản ánh trong thời gian tới", ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên