MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát nợ công tạo dư địa cho tăng trưởng

03-08-2018 - 22:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ Tài chính dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn cho phép.

Nợ công và nghệ thuật điều hành tài chính

Một trong những thành công rất đáng ghi nhận của Bộ Tài chính trong thời gian qua là kiểm soát rất chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công đạt kết quả rất tốt. Đó chính là yếu tố để IMF và các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm và đánh giá tích cực về kinh tế của chúng ta. Theo đó, nếu như năm 2015, nợ công sát trần khoảng 64,8% GDP, thì hiện nay đã giảm còn 61,3%.

Kiểm soát nợ công tạo dư địa cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu như thời điểm năm 2011 kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 3,9 năm, lãi suất bình quân là 12,0% năm; thì đến tháng 6/2018, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 13,61 năm, lãi suất bình quân trong 6 tháng đầu năm là 4,44%. Bên cạnh đó, dư nợ bảo lãnh nước ngoài có xu hướng giảm. Việc vay, trả nợ Chính phủ, cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ bám sát Kế hoạch vay trả nợ năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Đặc biệt, nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, dần chuyển nợ ngoài nước thành trong nước, nợ ngắn hạn thành dài hạn, lãi suất cao thành lãi suất thấp, giảm áp lực nợ công nhiều. Cụ thể, đến 30/6/2018 phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 30,9% kế hoạch, tiếp tục tập trung vào các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên, không phát hành kỳ hạn 3 năm.

Nói về tái cơ cấu nợ công và những công việc cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, bám sát các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng cơ cấu lại NSNN và nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động với 166 nhiệm vụ và đề án cụ thể. Bộ đã tích cực xây dựng, 6 nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công để các nghị định này được ban hành và có hiệu lực ngay cùng với ngày Luật Quản lý nợ công có hiệu lực - ngày 1/7/2018.

Bên cạnh đó, bộ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ. Đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ (giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của NHTM từ tỷ lệ khoảng 78% ở cuối năm 2016 xuống còn khoảng 52%). Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài gặp khó khăn, cơ bản đã tự trả được nợ, không phải ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ.

Chỉ vay trong khả năng trả nợ

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương; không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, chỉ thực hiện cấp bảo lãnh vay nước ngoài cho 2 dự án. Dư nợ bảo lãnh 2 ngân hàng chính sách được giữ trong giới hạn...

Bên cạnh đó, bộ đã và sẽ thúc đẩy các DN sử dụng vốn vay nước ngoài trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh và sẽ trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trả nợ.

Đặc biệt, từ 1/7/2018, theo Luật Quản lý nợ công, chỉ vay nợ trong khả năng trả nợ, các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đánh giá tác động đến quy mô, khả năng trả nợ công, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cho biết.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nợ công gắn với trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công. Luật và các nghị định hướng dẫn đã siết chặt việc cấp bảo lãnh, cho vay lại, vay nợ của chính quyền địa phương và đều gắn với trách nhiệm của những người có liên quan.

Đơn cử như chính quyền địa phương không được vay trực tiếp ngoài nước, không được bảo lãnh cho các DN để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh cho DN có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ; quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luât Đầu tư và Luật Đầu tư công và bảo lãnh cho Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước…

Các chuyên gia bình luận, từ 1/7/2018 Luật Quản lý nợ công có hiệu lực cũng là ngày có hiệu lực của 6 Nghị định hướng dẫn thi hành luật là một bước cải cách mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý nợ công mà còn tạo nên một hiện tượng xưa nay hiếm “ngày luật có hiệu lực là thi hành được ngay”, không rơi vào tình cảnh luật phải chờ nghị định. Với bộ văn bản pháp luật này, với những việc Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục thực hiện, đã có thể lạc quan hơn với tình trạng nợ nần của quốc gia.

Bộ Tài chính cũng dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn: nợ công đến cuối năm 2018 khoảng 61-62%. Nợ công/GDP năm 2016 là 63,7%, năm 2017 ở mức 61,4%.

Theo Tri Nhân

Thời Báo Ngân hàng

Trở lên trên