MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị, bức xúc của doanh nghiệp về thuế và hải quan… sẽ được công khai để theo dõi, giải đáp

Hai địa chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, người dân là Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân và Hệ thống Tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng, đây là các lĩnh vực có liên quan đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là lĩnh vực "nóng", được truyền thông, dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 402/638 danh mục hàng hoá, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, 1.141 điều kiện kinh doanh. 

Bên cạnh đó cũng đã có phương án cắt giảm, đơn giản hoá 2.118 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm lên 3.259/5.786 điều kiện kinh doanh.

Đối với lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, từ năm 2016 đến nay, đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 405 thủ tục thuế và 223 thủ tục hải quan. Đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế (khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử...) và lĩnh vực hải quan.

Thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá đã giảm. Cụ thể,  năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013, thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016...

Về xuất nhập khẩu, một số cải cách như thí điểm cơ chế đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan thay vì phân giao hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường...

Dù vậy, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng yêu cầu thêm hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định, kéo dài thời gian, cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ...  trong đó có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức thuế, hải quan.

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do: Cơ chế, chính sách nhìn chung chưa hoàn thiện và quá trình tổ chức thực hiện chưa hiệu quả, còn kẽ hở để các cá nhân, cơ quan, tổ chức lợi dụng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý… Đặc biệt với quyết tâm là ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, triển khai Chính phủ điện tử trước cho lĩnh vực hải quan, thuế.

Bộ trưởng cũng cho biết với Hệ thống Tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân và Hệ thống Tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, bức xúc của người dân, doanh nghiệp và những kiến nghị này sẽ được công khai để các Bộ, ngành theo dõi, giải đáp.

Bộ trưởng nhấn mạnh toàn bộ các ý kiến nêu ra sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên