MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị sớm xây dựng Đề án bổ sung Chu Lai thành đặc khu kinh tế

Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai đề nghị sớm ban hàng Luật khu kinh tế, xây xây dựng Đề án bổ sung Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đặc khu kinh tế, được hưởng chính sách, ưu đãi lớn như đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Sáng nay (25/9), Diễn đàn kinh tế miền Trung được tổ chức tại Đà Nẵng. Để đánh giá thực trạng phát triển các Khu kinh tế vùng Duyên hải miền Trung, Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai có báo cáo thông tin cho đoàn khảo sát của Nhóm Tư vấn - Ban Điều phối Duyên hải miền Trung về tình hình hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Theo báo cáo này, lũy kế đến tháng 6/ 2017, tổng số dự án trên địa bàn là 125 dự án với tổng vốn đầu tư 2,69 tỷ USD. Trong đó, 34 dự án FDI chiếm 18% tổng số dự án FDI trên toàn tỉnh.

Khu kinh tế Chu Lai có 5 khu công nghiệp, bao gồm KCN Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Chu Lai Trường Hải, Tam Thăng 1, Tam Anh - Hàn Quốc. Bốn nhóm dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư nằm trong ranh giới quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai gồm ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô; dệt may, hỗ trợ dệt may; phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; dự án khí - năng lượng.


Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Miền Trung ngày 25/9 - Ảnh: Việt Tuấn.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Miền Trung ngày 25/9 - Ảnh: Việt Tuấn.

Khu kinh tế mở Chu Lai được coi là khu kinh tế địa phương

Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai đánh giá, so với mục tiêu ban đầu đặt ra theo chủ trương của Bộ Chính trị là thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể ưu đãi vượt ngoài khung các quy định pháp luật hiện hành) thì quá trình triển khai không thực hiện được những ý tưởng đó.

Cho đến nay, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư dành cho Khu KTM Chu Lai chỉ được áp dụng những điểm cao nhất của pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư như đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sự phát triển của Khu KTM Chu Lai trong 13 năm qua, thực tế hoàn toàn mang tính địa phương, tự làm, tự đi xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ… Vì vậy, thực chất Khu KTM Chu Lai được coi là Khu kinh tế địa phương, không theo được dự định ban đầu là mang tầm quốc tế, được áp dụng các luật chơi quốc tế.

Hệ thống cơ chế, chính sách quy định hiện nay chưa tạo đột phá và chưa thể hiện được tính mở trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế chính sách ưu đãi được ban hành (về thuế, giá thuê đất, các quyền kinh doanh.... ) chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế, hiện chỉ tương đồng với khu kinh tế cửa khẩu, tính nổi trội so với nội địa không nhiều và còn tụt hậu quá xa so với các khu kinh tế tự do của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các quy định hiện nay chỉ được áp dụng bằng Nghị định, bị khống chế bởi các Luật chuyên ngành, do chưa có Luật riêng để điều chỉnh các quy định về hoạt động Khu kinh tế.

Đó là chưa kể, các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước gây bất lợi cho các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế; chưa có sự khác biệt trong chính sách ưu đãi của khu kinh tế so với địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ là người quyết định thành lập và ban hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý. Tuy nhiên, Ban quản lý lại là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, do đó đã tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò, vị trí của Ban quản lý. Có ý kiến cho rằng Ban quản lý thuộc UBND cấp tỉnh như là vị trí tương đương cấp Sở thuộc tỉnh, ý kiến khác lại cho rằng Ban quản lý như là mô hình “ UBND tỉnh thu nhỏ” vì thực hiện đồng thời nhiều chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành chuyên môn khác tại KKT… Do vậy, trong quan hệ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương đôi khi còn chưa thống nhất cao.

Đề nghị xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai thành đặc khu kinh tế

Vì vậy, Ban quản lý khu KTM Chu Lai đề nghị Trung ương sớm ban hành Luật Khu kinh tế để đảm bảo Khu kinh tế có một khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ, đặc biệt là trong quản lý hành chính, chính sách đầu tư, nguồn vốn….mới đáp ứng được yêu cầu quản lý vận hành Khu kinh tế và tương thích với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập quốc tế .

Nghiên cứu xây dựng Đề án bổ sung Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đặc khu kinh tế, được hưởng chính sách, ưu đãi lớn như đặc khu kinh tế Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đang được đề xuất.

Đề nghị có sự thống nhất, kết nối trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đầu tư (Dự án FDI) giữa quy trình 1 cửa của tỉnh và hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, gắn ưu đãi với chế tài phù hợp để doanh nghiệp báo cáo hoạt động đầu tư định kỳ đúng quy định.

Đề nghị xây dựng, bổ sung các quy định mới về cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư trong khu kinh tế, có sự khác biệt giữa vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và khu kinh tế.

Thuế suất thuế TNDN vẫn còn khá cao, đã tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài, thông qua cơ chế chuyển giá. Thực tế này đặt ra là cần giảm thêm một mức thuế suất thuế TNDN để tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, giảm bớt “động cơ” chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên