MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia: Ổn định và nhiều lợi ích?

17-06-2016 - 14:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề có nên huy động vàng và tổ chức một thị trường chính thức hay không đang thu hút dư luận sau khi Hiệp hội kinh doanh vàng vừa có văn bản kiến nghị NHNN thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia.

Nhìn lại những năm trước đây nhiều ngân hàng thương mại thực hiện việc huy động và cho vay vàng lên tới 130 tấn.

Thiếu chặt chẽ

Tuy nhiên, đến 1/5/2013 thì ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng dừng thực hiện nghiệp vu này và tất toán các tài khoản. Theo thống kê từ thời điểm đó thì số vàng dự trữ từ trong dân vẫn còn rất lớn, lên tới khoảng 500 tấn. Mặc dù vậy, nhu cầu mua bán vàng trong dân vẫn hiện hữu khi đây là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa để giao dịch vừa để dự trữ bên cạnh vàng trang sức. Việc thiếu đi các văn bản cũng như sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý khiến thị trường vàng phát sinh nhiều vấn đề.

Thứ nhất, thị trường xuất hiện vàng miếng giả, vàng trang sức không đủ chất lượng, trọng lượng khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Thứ hai, tình trạng các sàn vàng chui vẫn còn khiến nhiều nhà đầu tư hám lợi với tỷ lệ ký quỹ thấp có thể gây rủi ro lớn khi giao dịch.

Những cơ sở để thành lập Sở giao dịch Vàng quốc gia

Nhiều ý kiến cho biết, sở dĩ nên tổ chức và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia vì sự minh bạch, khi đó các thành phần kinh tế, dân chúng đều được tiếp cận thông tin, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường.

Chính phủ nói gì về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia? Cần thiết thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia Việt Nam sẽ có Sở giao dịch vàng Quốc gia ?

Hơn nữa, sự biến động của giá vàng thế giới sẽ phản ánh một cách chính xác, không còn sự chênh lệch giữa vàng thế giới và vàng trong nước và việc nắm giữ vàng sẽ thông qua tài khoản thay vì dưới dạng vật chất. Đồng thời, việc vay và cho vay vàng cũng sẽ dễ dàng hơn khi các ngân hàng sẽ chỉ huy động sau đó cho NHNN vay lại (thông qua mua tín phiếu NHNN) để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và can thiệp thị trường khi cần thiết.

Cụ thể, các NH sẽ phát hành trái phiếu, kỳ phiếu huy động vàng của dân theo mức lãi suất do NHNN quy định và chỉ hưởng hoa hồng. Sau đó NHNN vay lại số vàng của NH thương mại thông qua mua tín phiếu NHNN. Do tín phiếu NHNN có thời hạn tối đa dưới 365 ngày nên NHNN sẽ có nhiều đợt phát hành để biến vốn ngắn hạn thành dài hạn.

Như vậy tất cả các nhu cầu huy động, cho vay hay mua, bán vàng đều thực hiện thông qua các tài khoản được kết nối giữa các cá nhân, tổ chức, ngân hàng… Sự liên thông giữa thị trường và quốc tế được xuyên suốt, làm giảm đi sự bất tiện về giao dịch, vận chuyển….

Ngoài ra, nếu số vàng 500 tấn trong dân được NHNN huy động thì tương đương 18-30 tỉ USD, cũng cân đối đáng kể với nợ nước ngoài, giá trị đồng tiền cũng như niềm tin về nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, rõ ràng sự ra đời Sở giao dịch vàng sẽ giải quyết vấn đề của thị trường vàng Việt Nam một cách tổng thể, từ giao dịch, thanh toán, lưu trữ, vận chuyển, kiểm định chất lượng.

Đây là một mô hình tổng hợp để giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia cũng như huy động được một nguồn lực lớn của xã hội vào nền kinh tế. Do đó, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ cần phải được xem xét và tổng kết cụ thể hơn để qua đó đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả.

Theo Hữu Thắng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên