MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến thức tài chính cho người khởi sự kinh doanh: Có lợi nhuận chưa chắc có tiền, có tiền chưa chắc có lợi nhuận

23-10-2016 - 09:52 AM | Doanh nghiệp

Cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa dòng tiền và lợi nhuận bởi trên thực tế, dòng tiền chưa chắc mang lại lợi nhuận (do nhận các khoản trả trước) cũng như lợi nhuận cũng chưa chắc mang về dòng tiền cho doanh nghiệp (do có nhiều khoản phải thu).

Trong quá trình đọc Báo cáo tài chính, nhà đầu tư cần quan tâm đặc biệt tới 2 yếu tố dòng tiền và lợi nhuận bởi đây là 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh sức khỏe cũng như khả năng hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa dòng tiền và lợi nhuận bởi trên thực tế, dòng tiền chưa chắc mang lại lợi nhuận (do nhận các khoản trả trước) cũng như lợi nhuận cũng chưa chắc mang về dòng tiền cho doanh nghiệp (do có nhiều khoản phải thu). Dưới đây là 2 ví dụ cụ thể nhất cho thấy sự khác biệt giữa dòng tiền và lợi nhuận.

Có lợi nhuận mà không có tiền mặt

Công ty A kinh doanh các sản phẩm bánh ngọt và sẽ khai trương vào ngày 1/1. Giả định họ có 10.000$ tiền mặt gửi ngân hàng và trong 3 tháng đầu tiên sẽ đạt doanh thu 20.000$, 30.000$ và 45.000$. Giá vốn hàng bán chiếm 60% doanh thu và chi phí hoạt động mỗi tháng là 10.000$.

Nhìn qua các con số này, có thể thấy công ty A sẽ nhanh chóng có lợi nhuận. Tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ giản lược sẽ cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác. A giao kèo với các nhà cung cấp là sẽ thanh toán nguyên liệu đầu vào trong 30 ngày. Còn những sản phẩm tạp hóa bán ra thì sẽ cần 60 ngày để được thanh toán. Vậy điều gì sẽ xảy ra với công ty a?

+ Trong tháng 1, A không thu được gì từ khách hàng. Đến cuối tháng, họ chỉ có 20.000$ trong khoản phải thu từ doanh thu bán hàng. May mắn là A không phải thanh toán một đồng nào cho những nguyên liệu đã sử dụng bởi nhà cung cấp sẽ được thanh toán trong 30 ngày.

Tuy nhiên, A sẽ phải thanh toán cho các chi phí phát sinh và 10.000$ trong ngân hàng sẽ được dùng toàn bộ để trang trải chi phí hoạt động.

+ Tháng 2, A vẫn chua thu được một khoản nào (khách hàng sẽ thanh toán trỏng vòng 60 ngày). Cuối tháng, A sẽ có 50.000$ trong khoản phải thu (20.000$ tháng 1 và 30.000$ tháng 2), tuy nhiên vẫn không có tiền mặt. Trong khi đó, A sx phải thanh toán cho số nguyên liệu và các hàng hóa đã mua trong tháng 1 (12.000$) và chi phí hoạt động tháng 2 (10.000$). Vậy hiện tại, A đang hụt 22.000$.

+ Tháng 3, cuối cùng A cũng thu về được doanh thu tháng 1. Vì vậy, công ty A có 20.000$ tiền mặt và chỉ còn thiếu 2.000$ so với tình hình tiền mặt cuối tháng 2. Nhưng lúc này, A phải trả 18.000$ cho giá vốn hàng hóa, nguyên liệu và 10.000$ cho chi phí hoạt động. Do đó, cuối tháng 3, A thâm hụt 30.000$, tình hình còn tệ hơn cuối tháng 2.

Có thể thấy, doanh thu của A tăng lên mỗi tháng, điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải thanh toán nhiều hơn cho nguyên liệu và cuối cùng, chi phí hoạt động cũng sẽ tăng. Một vấn đề khác là A phải thanh toán cho nhà cung cấp trong 30 ngày, trong khi phải đợi 60 ngày mới nhận được tiền từ khách hàng và sẽ phải đương đầu với tình trạng tiền mặt trong 30 ngày. Như vậy, chỉ cần doanh thu còn tăng thêm thì công ty sẽ không bao giừo bắt kịp được khoảng cách này trừ khi tìm được nguồn tiền bổ sung.

Đây cũng là ví dụ rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp có tiềm năng lợi nhuận vẫn đi đến chỗ phá sản và cũng là một trong những lý do giải thích cho việc nhiều doanh nghiệp nhỏ bại trận ngay từ năm đầu hoạt động bởi lý do cạn tiền mặt.

Có tiền mặt mà không có lợi nhuận

Công ty bán lẻ B mới đi vào hoạt động và doanh thu trong 3 tháng đầu tiên đạt lần lượt 50.000$, 75.000$, 95.000$. Giá vốn hàng bán chiếm 70% doanh thu và chi phí hoạt động hàng tháng là 30.000$. Đầu kỳ hoạt động, B cũng có 10.000$ trong ngân hàng. Giả định B sẽ được thanh toán tiền ngay sau mỗi lần phát sinh doanh thu và B được phép thanh toán cho nhà cung cấp trong vòng 60 ngày.

+ Tháng 1, công ty B khởi sự với 10.000$ và có thêm 50.000$ doanh thu tiền mặt. Sau khi trừ 30.000$ chi phí hoạt động, số dư tài khoản cuối tháng là 30.000$.

+ Tháng 2, B có thêm 75.000$ doanh thu tiền mặt và vẫn chưa phải trả bất kỳ khoản giá vốn hàng bán nào. Vì vậy, số tiền mặt thực có trong tháng của B sau khi trừ đi 30.000$ chi phí hoạt động là 45.000$. Số dư tiền mặt cuối tháng này là 75.000$.

+ Tháng 3, công ty B có thêm 95.000$ doanh thu tiền mặt và phải thanh toán tiền hàng đã mua trong tháng 1 (35.000$) và chi phí hoạt động tháng 3 (30.000%). Số tiền mặt thực tế của tháng này là 30.000$ và số dư là 105.000$.

Chính điều này khiến các doanh nghiệp như bán lẻ, nhà hàng…có bức tranh tình hình hoạt động trông khả quan. Trong trường hợp này, số dư tài khoản của B vẫn tăng lên mỗi tháng dù cửa hàng không sinh lưoi. Tình trạng này sẽ không gây vấn đề gì trong một thời gian dài và sẽ tiếp tục ổn miễn là B kiểm soát được chi phí để có thể bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, công ty B cần phải cẩn trọng bởi nếu không có lợi nhuận thì cuối cùng sẽ đến lúc cạn kiệt tiền mặt.

Trên thực tế cũng có những doanh nghiệp như Amazon, Dell được hưởng sự xa xỉ từ việc cầm tiền thanh toán của khách hàng trước khi thanh toán giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp vẫn phải đạt được khả năng sinh lời bởi tiền mặt không phải là tấm khiên bảo vệ khỏi nguy cơ không có lợi nhuận.

Trong ví dụ về công ty B, phần thua lỗ trên sổ sách cuối cùng sẽ dẫn tới dòng tiền mặt âm; tương tự như việc lợi nhuận mang lại tiền mặt, thua lỗ cuối cùng sẽ làm tiêu tán tiền mặt.


Nội dung được lược trích theo sách "Trí tuệ tài chính" của các tác giả Karen Berman, Joe Knight và John Case, do Alphabooks phát hành.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên