MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vàng mạo hiểm hơn chúng ta nghĩ!

23-01-2012 - 08:30 AM |

Người Ấn Độ - nơi tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới – từng không tích trữ vàng mà thay vào đó là các loại gia vị hay hàng hóa.

Thế giới bước vào năm 2012 với nhiều hơn những rủi ro mà chúng ta đã trải qua trong năm 2011, và những phản ứng lại thị trường của các tài sản như vàng là điều tất yếu. Mọi người đều cho rằng, vàng sẽ tiếp tục là tài sản sinh lời và thiết lập mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD/ounce vào cuối năm.

Vì sao vậy?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào nơi mà các nhà đầu tư và cá nhân lưu trữ tài sản dư thừa của họ. Tất cả đều chung mục đích giữ tài sản ở một nơi mà nó sẽ sinh lời, hoặc ít nhất còn giữ nguyên giá trị. Và những nơi đó là vô cùng khó tìm trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.

Thông thường, tài sản được lưu trữ dưới dạng các cổ phiếu, tiền bạc hay hàng hóa có giá trị cao như vàng, bạch kim. Riêng bất động sản, sau khi đạt tới đỉnh cao của sự bùng nổ vào cuối thập kỷ vừa qua, thị trường này trở nên đình trệ và cho đến nay vẫn chưa hồi phục (bong bóng vỡ). Trong khi thu nhập còn thấp và tình trạng thất nghiệp chưa nhiều cải thiện, việc sở hữu cổ phần trong các công ty hoặc các dạng đầu tư tương tự vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Năm 2011, giá trị của nhiều tài sản đã suy giảm vượt dự báo do kinh tế biến động khó lường. Nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các nước châu Âu hay suy thoái ở Mỹ, các kế hoạch cứu trợ tài chính phức tạp hay các chương trình kích thích kinh tế đã được đưa ra, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Không ít nhà đầu cơ lừng danh, trong đó có tỷ phú John Paulson, đã phải đứng nhìn tài sản của mình bốc hơi mà không cách nào cứu chữa.

Năm 2012, người ta kỳ vọng các chính phủ sẽ in thêm tiền nhiều hơn, sẽ kích thích kinh tế mạnh hơn nữa. Nhưng vấn đề mà họ quên mất là khi có nhiều tiền hơn thì giá trị của tài sản cũng giảm đi và các biện pháp hỗ trợ kinh tế cuối cùng chỉ dẫn đến lạm phát. Những người không tìm thấy một nơi trú ẩn an toàn, sẽ phải chứng kiến tài sản của họ bị xói mòn. Những ai nắm giữ trái phiếu, người về hưu hay những người giữ tiền dưới dạng giao dịch đơn giản hoặc tiền mặt sẽ gánh chịu rủi ro đầu tiên.

Những lý do đó khiến cho cuộc đua tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn để giá trị tài sản được giữ nguyên hoặc sinh lời diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều người tin tưởng, nơi mà họ có thể tin tưởng chỉ là vàng và giá sẽ chinh phục đỉnh cao mới trên 2.000 USD/ounce.

Niềm tin của mọi người không phải phi lý khi vàng đã có hơn một thập kỷ tăng giá không ngừng nghỉ, các ngân hàng trung ương đua mua vàng vì tin rằng giá trị của tài sản này tốt hơn các loại tiền tệ. Bằng chứng cho thấy, từ năm 2001 tới nay, giá vàng đã tăng 600%, từ 250 USD lên 1.650 USD/ounce.

Thế nhưng, quay trở lại thời gian trước đó, chúng ta thấy rằng vàng không được ưu ái, vì bao nhiêu năm vẫn không tăng giá. Người Ấn Độ - nơi tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới – đã từng không tích trữ vàng mà thay vào đó là các loại gia vị hay hàng hóa. Vàng vì thế không hẳn là một tài sản sinh lời tuyệt đối như suy đoán hiện nay. Giá trị của đồng tiền và những vấn đề nội tại của xã hội sẽ quyết định giá trị của nó trong tương lai, có thể là ngay ngày mai.

Có không ít những ý kiến cho rằng, vàng đang bước vào giai đoạn cuối của thập kỷ tăng giá. Những thay đổi của nền kinh tế hay khi nhà đầu tư dịch chuyển danh mục đầu tư của họ sang các tài sản rủi ro khác, vàng sẽ mất cơ hội. Hay khi có một lượng vàng lớn được bán ra thị trường, tình hình có thể sẽ hoảng loạn và bong bóng vàng khó tránh khỏi khả năng nổ tung.

Những ý kiến trái chiều nhưng không phải vô lý ở trên sẽ giúp mỗi người trong chúng ta có sự lựa chọn thông minh nhất khi quyết định đầu tư. Người khôn ngoan sẽ biết bán vàng trước khi thị trường sụp đổ và mua vàng trước những diễn biến có lợi mới. Có điều mọi người cần luôn nhớ là không nên tin tưởng vàng tuyệt đối.

Nguyễn Hằng

hangnt

CafeF

Trở lên trên