MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 112 tỉ USD

Theo Trung tâm công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam 8 tháng đầu năm ước đạt 112,19 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 32,62 tỉ USD, tăng 4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,57 tỉ USD, tăng 6,1%. Riêng tháng 8, kim ngạch XK cả nước đạt 15,20 tỉ USD, tăng 2% so với tháng trước và 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,54 tỉ USD, tăng 11% so cùng kỳ. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,66 tỉ USD, tăng 3,4%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực 8 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 22,3 tỉ USD, tăng 10,6%; hàng dệt may đạt 15,5 tỉ USD, tăng 4,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,1 tỉ USD, tăng 11,2%, giày dép đạt 8,6 tỉ USD, tăng 8,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,2 ỉ USD, tăng 20,6%; thuỷ sản đạt 4,3 tỉ USD, tăng 4,8%; cà phê đạt 2,2 tỉ USD, tăng 19,6%; túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 2,2 tỉ USD, tăng 12,1%; hạt điều 1,8 tỉ USD, tăng 13,3%; rau quả đạt 1,6 tỉ USD, tăng 28%.

Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm: Gạo đạt 1,5 tỉ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước (lượng giảm 17,4%) do nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số thị trường lớn giảm; mặt hàng dầu thô đạt gần 1,5 tỉ USD, giảm 46,2% (lượng giảm 25,7%, giá trị dầu thô xuất khẩu bình quân 8 tháng giảm 27,6%); Cao su đạt 887 triệu USD, giảm 3,8% (lượng tăng 11,3%) do giá cao su xuất khẩu giảm bình quân 13,49%...

Về thị trường xuất khẩu, 8 tháng đầu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 21,9 tỉ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc đạt 12,6 tỉ USD, tăng 15%; Nhật Bản đạt 9,3 tỉ USD, tăng 0,2%; Hàn Quốc đạt 7 tỉ USD, tăng 30,7%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỉ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô sang thị trường này giảm mạnh.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản được xem là thế mạnh xuất khẩu của VN, 8 tháng đầu năm tăng chậm. Thuỷ sản có giá xuất khẩu tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Giá tháng 8.2016 tăng thêm 2,02% so với tháng 7, nhưng giảm 2,6% so với tháng 8.2015. Trong đó, giá tiếp tục tăng tại các thị trường như Mỹ, tăng 2,27%; sang Đức tăng 1,78%; sang Phần Lan tăng 1,02%; sang Hàn Quốc tăng 0,64%; sang Hong Kong tăng 0,13%; sang Australia tăng 3,97%...

Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản VN (Vasep) cho biết, việc doanh nghiệp, thương lái đặt mua cá tra quá lứa (1kg/con trở lên) đã khiến nguồn cung cá cỡ này tăng lên, tác động xấu, làm giá cá tra giảm từ đầu quý 2 đến nay.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nông lâm thuỷ sản chính của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, nước này đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Thông tin từ mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu, muốn xuất khẩu vào nước này, nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách Trung Quốc phê chuẩn. Trong khi theo quy định của cơ quan quản lý Việt Nam (Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thuỷ sản - Nafiqad thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính vì thế, một số mặt hàng của VN chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu vào Trung Quốc ví dụ như cá hồi... Phía Nafiqad đã nhiều lần gửi công văn sang Trung Quốc nhưng nước này vẫn chưa có trả lời chính thức...

Theo Hồng Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên