MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hollywood gặp khó khi “tấn công” Trung Quốc

28-05-2011 - 15:25 PM |

Chính sách lựa chọn phim gắt gao và hạn ngạch chiếu 20 phim nước ngoài/năm khiến Trung Quốc trở thành một thị trường khó len lỏi.

Thị trường Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ dân luôn là sự thèm muốn với các nhà làm phim Hollywood muốn nâng cao doanh thu toàn cầu. Nhưng chính sách lựa chọn phim gắt gao và hạn ngạch chiếu 20 phim nước ngoài/năm khiến Trung Quốc trở thành một thị trường khó len lỏi.

Phòng vé toàn cầu đóng vai trò ngày càng to lớn đối với doanh thu hàng năm của Hollywood, và Trung Quốc là một nhân tố quan trọng. Quốc gia này hiện đang là phòng bán vé lớn thứ năm trên thế giới, lợi nhuận tăng gần 10 lần kể từ năm 2003. Chỉ riêng trong năm ngoái, số lãi mà phòng vé của họ kiếm được đã tăng 65%.

Giám đốc các hãng phim Mỹ đang rất chú ý tới đánh giá mà công ty tư vấn kinh doanh giải trí Trung Quốc Artisan Gateway đưa ra: Từ bộ phim Avatar, thị trường Trung Quốc thu về lợi nhuận lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Millard Ochs, giám đốc Warner Bros. International, cho rằng Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trong ngành kinh doanh này trong vòng một thập kỷ.

Hệ thống lựa chọn phim khắt khe

Thú vị là, số lượng khán giả Trung Quốc xem phim nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng tăng cho dù có vô số những hạn chế. Hiện nay mỗi năm Trung Quốc chỉ cho phép trình chiếu 20 bộ phim nước ngoài, và dù các hãng phim có thể vận động hành lang để phim của họ có tên trong danh sách đó, nhưng thực tế thì không có gì đảm bảo chắn chắn. Trung Quốc không có hệ thống đánh giá phim, và tất cả các bộ phim phải được chính phủ kiểm duyệt và thông qua trước khi được trình chiếu. Tuy nhiên vẫn có một số thể loại phim thoát được vòng kiểm duyệt đó, ví dụ như những phim gây tranh cãi hay phim kinh dị. Còn những phim chứa các chủ đề chính trị xã hội nhạy cảm như Tây Tạng hay Quảng trường Thiên An Môn là điều tối kỵ.

Một bộ phim không đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ tự khắc đánh mất hàng tỷ Nhân dân tệ mà khán giả mang lại. Cuối những năm 1990, Kundun - bộ phim tiểu sử về thời thơ ấu của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã làm xôn xao dư luận Bắc Kinh khi miêu tả bộ mặt tiêu cực của chính phủ Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã có động thái đe dọa tất cả những quan hệ kinh doanh với Disney trong tương lai vì họ đã phân tán bộ phim này. Vấn đề chỉ được giải quyết khi đích thân Michael Ovitz- giám đốc Disney tại thời điểm đó, đến Bắc Kinh để hội ý với chủ tịch Giang Trạch Dân. Xem ra hành động này cũng có hiệu quả, vì đầu năm nay Disney (và Trung Quốc) đã bật đèn xanh cho dự án Disneyland Thượng Hải, dự kiến công ty trụ sở tại Los Angeles này sẽ tốn 3,7 tỷ đôla để xây dựng.

Dù sự tức giận của Trung Quốc đối với các bộ phim Hollywood đã giảm bớt, nhưng chính sách của họ đối với những vấn đề trên thì vẫn không có gì thay đổi. Khi Kung Fu Panda do hãng DreamWorks sản xuất được trình chiếu ở các rạp hát vào năm 2008, nó đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích nặng nề và bị kêu gọi tẩy chay trong cả nước. Nguyên nhân không phải vì những hình ảnh về biểu tượng quốc gia được yêu mến mà là vì những hành động của người đồng sáng lập DreamWorks, ông Steven Spielberg.

Vài tháng trước đó, Spielberg đã từ bỏ vai trò cố vấn nghệ thuật cho Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 tại Bắc Kinh sau khi vận động hành lang chủ tịch Hồ Cẩm Đào không thành công. Ông muốn Hồ Cẩm Đào tác động để Sudan kết thúc cuộc tấn công Darfur, nhưng chủ tịch Hồ hầu như không có động thái gì dù hai quốc gia này có mối quan hệ rất khăng khít.

Cẩn thận khi vào thị trường Trung Quốc

Với vị thế của Trung Quốc trong thị trường này, các hãng phim đang bảo nhau phải cẩn thận hơn. Mới đây MGM đã quyết định làm lại bộ phim từ thời Chiến Tranh Lạnh năm 1984 với nhan đề Bình Minh Đỏ và sẽ công chiếu vào cuối năm nay. Cốt truyện ban đầu xoay quanh một số trẻ em Mỹ chống lại cuộc xâm lược của Xô Viết, nhưng nó đã không còn ý nghĩa sau khi Liên Xô tan rã. Lúc đầu hãng phim định chọn Trung Quốc là mối đe dọa mới để thay thế, nhưng các nhà phân phối tiềm năng bày tỏ lo ngại khi để Trung Quốc đóng vai phản diện. Thay vì vứt xó bộ phim đã hoàn thành, MGM đã dùng kỹ thuật số để thay đổi những chi tiết ám chỉ Trung Quốc và chuyển đối tượng "kẻ thù" sang một quốc gia khác.

Một trong số các nhà sản xuất của bộ phim, ông Tripp Vinson, cho biết: "Ban đầu chúng tôi rất không muốn thay đổi bất cứ điều gì, nhưng sau khi suy xét cẩn thận, chúng tôi đã xây dựng được một cách khiến Bình Minh Đỏ trở nên "nguy hiểm hơn", và theo đó cũng sẽ hấp dẫn hơn".

Không những thế, Hollywood cũng đang nỗ lực tiếp thị hình ảnh của nó cho phù hợp với thị hiếu của người Trung Quốc. Đáng chú ý là bộ phim The Green Hornet được công chiếu vào đầu năm nay, với sự góp mặt của ngôi sao nhạc pop Châu Kiệt Luân. Với sự hấp dẫn của ngôi sao này, không có gì ngạc nhiên khi bộ phim được đưa vào danh sách những phim nước ngoài được trình chiếu tại các rạp hát của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đến Hollywood có thể sẽ còn tăng mạnh hơn trong những năm tới đây. Theo một quy định của Tổ chức Thương Mại Thế Giới thì hạn ngạch trình chiếu 20 bộ phim nước ngoài mỗi năm của Trung Quốc đã vi phạm các điều luật quốc tế. Chính phủ đã đồng ý xóa bỏ hạn ngạch, và khi việc này được tiến hành thì Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường lớn mạnh hơn trước đó rất nhiều. Theo Millard Ochs, "Tốc độ Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới và cuối cùng soán ngôi đệ nhất hoàn toàn phụ thuộc vào những quyết định của chính phủ". Những dù hạn ngạch có bị xóa bỏ thì chính sách kiểm duyệt phim của họ dường như sẽ không thay đổi.
 
Theo Lơ Nguyễn
VEF, Time

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên