MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jesse Livermore: Bất chấp lời nguyền

02-11-2010 - 14:44 PM |

Vinh quang và cay đắng luôn gắn liền với số phận của các nhà đầu cơ. Ngay cả những nhà đầu cơ kiệt xuất nhất cũng không thể tránh khỏi điều đó. Jesse Livermore là một ví dụ.

Trong số tất cả công dân của thế giới đầu cơ, không có ai thắng nhiều lần và thua cũng nhiều bận như Jesse Livermore, không có ai vừa đam mê lại vừa oán hận đầu cơ như Jesse Livermore, không có ai tìm ra được bí quyết đầu cơ thành công mà rồi lại thất bại bởi đã không làm theo chính bí quyết ấy như Jesse Livermore, không có ai biết mà bất chấp lời nguyền về nghề nghiệp và tình yêu để rồi phải tự tìm đến cái chết như Jesse Livermore.

Huyền thoại sống trong thế giới đầu cơ

Ngay từ thời còn bé, Jesse Livermore không thích người khác gọi mình như vậy mà chỉ muốn được gọi là J.L. Cuộc đời của J.L. cũng có thể được coi là một ví dụ điển hình của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” với hàm ý đi lên từ gia cảnh bần hàn.

J.L.là cậu bé có năng khiếu về toán, nhưng ngay từ khi mới 13 tuổi J.L. đã thấm nhuần tư tưởng của cha mình là học hành hoàn toàn vô tác dụng và vô nghĩa đối với cuộc đời của người nông dân bình thường. Năm 14 tuổi J.L. coi việc người cha cho thôi học để về làm việc đồng áng là cơ hội của cuộc đời mình. Đi làm, nhưng không làm nông nghiệp. Vì thế, năm 14 tuổi, J.L. đã rời cha mẹ bước vào cuộc đời tự lập với vẻn vẹn 5 USD trong túi. J.L. đến Boston, làm cu li trong chi nhánh của công ty Paine Webber và đây cũng là nơi J.L. tiếp xúc lần đầu tiên với thế giới đầu cơ.

Chỉ vài tháng sau, đó là năm 1892, khi J.L. tròn 15 tuổi, J.L. đã sử dụng cả một buổi nghỉ trưa để làm phi vụ đầu cơ đầu tiên là cá cược cổ phiếu. Khi bị chủ phát hiện, J.L. bị đẩy dến trước sự lựa chọn phải chấm dứt cá cược hay bị đuổi việc. J.L. chấp nhận bị đuổi việc vì không cưỡng lại được sự quyến rũ của đầu cơ. Trong vòng 1 năm, J.L. đã kiếm được 1.000 USD - một khoản tiền rất lớn đối với chàng trai ở tuổi của J.L.

Chẳng bao lâu sau, J.L. đã nổi tiếng là người đầu cơ vào đâu đều thắng, đến mức J.L. bị cấm cửa ở gần như tất cả các cửa hiệu cá cược. Vì thế, J.L. dám bỏ ra 2.500 USD trong tổng số 10.000 USD có được để rời Boston đến Phố Wall ở New York. Những thất bại đầu tiên ở Phố Wall đã dạy cho J.L. bài học là trong đầu cơ bị mất tiền còn nhanh hơn kiếm được tiền. Sau khi bị buộc phải đầu cơ theo kiểu cò con như trước, đến năm 1899 J.L. mới có được lại 10.000 USD và tiến hành chinh phục Phố Wall lần thứ hai.

J.L. coi thị trường chứng khoán như một cỗ máy, hoạt động theo những khuôn mẫu nhất định. J.L. để tâm nghiên cứu tâm lý của nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán và thấy rằng, một khi giá cổ phiếu tăng hay giảm qua một ranh giới tâm lý quan trọng như 10, 50 hay 100 USD thì có tác động cuốn hút các nhà đầu cơ mạnh mẽ. Khi đó, các nhà đầu cơ không còn quan tâm đến những chỉ số cơ bản của cổ phiếu. Từ đó, J.L. cho rằng có thể đầu cơ “một cách có hệ thống” trên thị trường chứng khoán.

Nguyên tắc đầu cơ thứ hai của J.L. là, nếu thị trường diễn biến theo hướng như J.L. dự đoán thì phải mua thêm vào, nếu diễn biến ngược lại thì phải bán cổ phiếu đi một phần hoặc bán hết. Đề ra nguyên tắc như vậy nhưng J.L. lại không phải khi nào cũng thực hiện theo. Vì thế mà sau lần thắng đậm đưa lại 50.000 USD vào năm 1901 lại là một lần trắng tay. Hết tiền, lại không thuyết phục được vợ đồng ý bán trang sức để có tiền, J.L. lại một lần nữa trở về với các phi vụ cá cược cò con.

Năm năm sau, khi đó J.L. 29 tuổi, đang giữa khi giá cổ phiếu tăng cao, J.L. đồ rằng giá sẽ giảm, dù theo suy tính bản năng nhiều hơn là phân tích khoa học, đối với cổ phiếu của tập đoàn Union Pacific, tập đoàn đường sắt lớn nhất nước Mỹ. Ngày 18-4-1906 xảy ra vụ động đất ở San Francisco - tai họa thiên nhiên lớn nhất ở nước Mỹ cho tới cơn bão Katrina năm 2005.  Ba ngày sau, thị trường tài chính ở khu vực bờ biển phía Đông nước Mỹ đổ sụp, nhưng Livermore có thêm được 250.000 USD. Tương tự như vậy, phi vụ ngày 24-7-1907, khi thị trường chứng khoán New York bị khủng hoảng, chỉ trong một ngày J.L. kiếm được 1 triệu USD, giúp cho J.L. khi mới 30 tuổi đã có tài sản trị giá tới 3 triệu USD.

Phi vụ đầu cơ lớn nhất của J.L. là đầu cơ vào “Ngày thứ Năm đen tối” năm 1929 ở Mỹ. Ngay từ trước đó nửa năm, J.L. đã đầu cơ cổ phiếu theo nguyên tắc giá giảm. Khi kinh tế Mỹ bước vào cuộc Đại suy thoái thì cũng là lúc J.L. có được hơn 100 triệu USD. Từ “cậu bé thần kỳ” ở Boston ngày nào, J.L. đã trở thành huyền thoại sống ở Phố Wall với biệt danh “Con gấu vĩ đại” và “Con sói cô đơn”.

Bất chấp lời nguyền

Chiều ngày 26-11-1940,  một phóng viên ảnh xin được chụp hình J.L. ở Câu lạc bộ Stork New York. J.L. đồng ý và nói: “Ông chụp đi, nhưng đó sẽ là lần cuối cùng. Từ ngày mai, tôi sẽ biến mất trong thời gian dài”. Sáu giờ chiều ngày hôm sau, cảnh sát phát hiện thấy thi hài của J.L. trong nhà tắm của một gian phòng ở khách sạn Sherry Netherland  New York. J.L. tự sát để lại cho vợ 5 triệu USD và bức thư: “Anh không thể chịu đựng được nữa. Anh kiệt sức hoàn toàn rồi. Anh là kẻ thất bại và đây là lối thoát duy nhất”.

Cái kết cục bi thảm ấy của J.L. là kết quả của việc J.L. đã bất chấp ba lời nguyền do chính J.L. đặt ra hoặc biết từ trước. Lời nguyền thứ nhất là hành động theo nguyên tắc. Thực tế cho thấy J.L. đã rất nhiều lần hành động ngược lại mà không lý giải nổi vì sao. J.L. thất bại trong các phi vụ đầu cơ là vì thế.

Lời nguyền thứ hai là không bao giờ hợp tác với bất kỳ nhà đầu cơ nào khác. Vậy mà năm 1914, J.L. lại hợp tác với Percy Thomas - người được mệnh danh là “Vua kinh doanh bông” - mà không biết rằng người này sắp phá sản để đến nỗi chính J.L. cũng bị phá sản và còn nợ gần 1 triệu USD.

Lời nguyền thứ ba liên quan đến người vợ thứ ba của J.L. Sau khi bị người vợ thứ hai bỏ năm 1932,  một năm sau J.L. lấy Harriet Metz Noble, người đã từng có 4 đời chồng. Thật ra chuyện lấy người phụ nữ từng trải như vậy không phải là chuyện đáng nói nếu không có một lời nguyền chẳng biết xuất xứ từ đâu là, tất cả những người chồng của Harriet Metz Noble đều sẽ chết thảm. Cả bốn người chồng đầu tiên của Harriet đều tự tử chết. Và khi J.L. kết hôn với người này thì dư luận cho rằng J.L. sẽ là người thứ 5. Và thực tế cũng đúng như vậy.

Những nghi ngờ về chính khả năng của mình, áp lực của việc phải lao tâm khổ tứ để khôi phục lại danh dự và tài sản cũng như nỗi đau khổ vì bị người vợ thứ hai mà ông vô cùng yêu thương bỏ rơi đã khiến J.L bị hủy hoại nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Tình cảnh tâm lý đó đã khiến cho việc đầu cơ vốn được J.L. tôn thờ như “cuộc chơi của mọi cuộc chơi” nhiều khi trở thành gánh nặng đè nén, khiến J.L. luôn bị giằng xé giữa đam mê và mong muốt dứt bỏ, để rồi cứ luẩn quẩn và bế tắc đến mức chỉ còn thấy cái chết mới đem lại sự giải thoát cho mình. Nhưng không ít người đương thời và hậu thế vẫn coi số phận của J.L. là sự trả giá cho việc bất chấp lời nguyền.

Theo Doanh nhân

duchai

Trở lên trên