MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jonney Shih - Cha đẻ của netbook

01-01-2011 - 00:00 AM |

Nếu cách đây 3 năm, các hãng công nghệ đã cười nhạo khả năng của Jonney Shih thì ngày nay, với sự ra đời của hàng triệu chiếc netbook, Shih đã có thể cười lại các đối thủ.

Tại ngôi chùa Hsing Tian Kong nằm trên sườn đồi (Đài Bắc), Jonney Shih, Chủ tịch Asus, ngồi trên một cái ghế cũ kỹ cạnh chiếc bàn gỗ, chăm chú vào ván cờ trước mặt. Mặc cho cái nắng như thiêu đốt, ông vẫn ngồi ngẫm nghĩ các thế cờ.

Shih, 57 tuổi, là một tín đồ đạo Phật. Thấm nhuần triết lý sâu xa của Phật giáo, cùng với khả năng thiên phú về kỹ thuật, tư chất kinh doanh và khát khao chinh phục đỉnh cao của công nghệ, Shih đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo công nghệ tài năng nhất thế giới.

Shih là cổ đông lớn nhất và là Chủ tịch của Asustek (gọi tắt là Asus), gã khổng lồ về công nghệ với doanh thu 22,9 tỉ USD trong năm 2008. Asus chính là công ty giới thiệu chiếc netbook đầu tiên cách đây 3 năm, mở ra một cuộc cách mạng trong ngành máy tính cá nhân lúc đó đang “bí lối”. Khi xuất hiện lần đầu tại các cửa hàng vào tháng 10.2007, chiếc EeePC giá 399 USD của Shih đã bị các hãng công nghệ khác chế nhạo là thứ đồ chơi rẻ tiền. Nhưng Asus vẫn tiếp tục bán ra hàng triệu máy tính netbook nhỏ gọn có kích thước cỡ chiếc ví và nhanh chóng vươn lên đứng hàng thứ 5 về thị phần PC thế giới.

Ngày nay, bất kỳ một nhà sản xuất máy tính nào trong đó có cả Dell, Hewlett-Packard (HP, Mỹ) và Toshiba (Nhật Bản) đều có dòng máy tính netbook riêng của mình (ngoại trừ Apple, Mỹ). Nhưng hãng sản xuất netbook lớn nhất lại là một hãng công nghệ khác của Đài Loan - Acer với 38% thị phần. Asus, từng chiếm lĩnh thị trường trong 8 tháng, nhưng bây giờ bị đẩy xuống hàng thứ 2 với 30% thị phần.

Để lấy lại vị trí dẫn đầu thị trường từ tay Acer, Shih đang đứng trước thách thức phải tạo ra một công nghệ đột phá mới tiếp theo. Đối với ông, triết lý đạo Phật chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. “Mọi người đều cho rằng đạo Phật là yếm thế, bi quan, trốn đời. Nhưng không phải vậy. Đạo Phật dạy ta cách đối diện khó khăn một cách minh mẫn và linh hoạt. Với sự điềm tĩnh và suy xét thấu đáo, ta sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất”, ông nói.

Chiến lược “chú sư tử khổng lồ”

Asus đã được 4 kỹ sư từng làm việc cho Acer thành lập vào năm 1989. Lúc đó, Acer (một trong những công ty có công biến Đài Loan trở thành một trung tâm sản xuất máy tính của thế giới) đã đưa cổ phiếu giao dịch lên thị trường chứng khoán Đài Bắc.

Nhiều nhân viên của Acer đã thu lợi từ số cổ phiếu họ nắm giữ và bắt đầu ra riêng. Và 4 kỹ sư của Acer đã thuyết phục Shih (lúc đó ông đang phụ trách bộ phận Phát triển và Nghiên cứu của Acer) cùng họ thành lập công ty chuyên về thiết kế và sản xuất bo mạch chủ dùng cho máy tính.

Trước lời đề nghị này, Shih đã tỏ ra ngần ngại vì ông nợ rất nhiều từ người thầy Stan Shih, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Acer (Jonney Shih và Stan Shih không có quan hệ thân thích với nhau). Tuy nhiên, Shih vẫn ủng hộ họ thành lập công ty mới và bản thân ông cũng có cổ phần trong công ty đó. Đến năm 1994, sau 3 năm giữ vị trí Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh của Acer, Shih đã gia nhập Asus với vai trò Tổng Giám đốc Điều hành.

Trong lĩnh vực máy tính lúc đó, bất cứ công ty nào có thể tung ra bo mạch chủ đầu tiên có thể phát huy tối đa khả năng hoạt động của các con chip thì sẽ chiến thắng trên thị trường máy tính. Và việc có được Shih cũng có nghĩa là đã nắm con át chủ bài. Bởi lẽ, khi còn ở tại Acer, ông rất nổi tiếng về tài chế tạo những bo mạch chủ “sát thủ” có những tính năng ưu việt.
 
Sau khi chuyển sang làm việc cho Asus, Shih tiếp nối thành công của mình với sản phẩm bo mạch chủ sử dụng chip 486 của Intel. Các nhà sản xuất máy tính khác như HP, Sony, Dell bắt đầu nhận ra rằng nếu họ dùng bo mạch chủ của Asus, máy tính của họ sẽ có khả năng vận hành tốt hơn. Vào giữa thập niên 1990, Asus trở thành hãng đứng đầu về số lượng bo mạch chủ bán ra.

Tuy nhiên, vào năm 2001, các công ty khác như ECS và Foxconn cũng bắt đầu tung ra sản phẩm của mình, khiến giá bo mạch của Asus giảm xuống. Asus cũng bị hạ xuống vị trí thứ 2 về thị phần bo mạch chủ; lợi nhuận năm 2002 đã sụt giảm mạnh còn 300 triệu USD từ mức 500 triệu USD của năm trước. Để giành lại thị phần, Shih đã áp dụng chiến lược gọi là “chú sư tử khổng lồ”.

“Bạn cần phải là một chú sư tử. Sư tử thì luôn có vị trí độc tôn trong rừng. Vì thế, chúng tôi luôn cải tiến bo mạch để đạt được chất lượng tốt nhất, khả năng hoạt động tốt nhất và mang tính công nghệ nhất. Tuy nhiên, bạn cần phải là một chú sư tử khổng lồ, tức không những phải duy trì vị trí số 1, mà bạn còn phải nắm giữ phần lớn thị phần”, Shih nói. Đó là lý do năm 2002, Shih đã thành lập một công ty con chuyên về bo mạch chủ gọi là ASRock để cạnh tranh trên thị trường OEM (sản xuất thiết bị gốc). Chiến lược “chú sư tử khổng lồ” của ông đã phát huy tác dụng. Chỉ trong vòng 2 năm, Asus đã quay trở lại vị trí số 1 về doanh số bán bo mạch chủ với sản lượng vượt cả ECS và Foxconn cộng lại.

Phát triển thương hiệu riêng

Asus cũng đã bắt đầu sản xuất hàng điện tử tiêu dùng theo hợp đồng cho các hãng nổi tiếng (trong đó có Dell, HP và Sony) như máy tính notebook, thiết bị nghe nhạc MP3, bộ điều khiển trò chơi điện tử, thiết bị mạng… Nhưng Shih không muốn chỉ là nhà sản xuất theo hợp đồng “không tên không tuổi”. Do đó, năm 1997, Asus đã bắt đầu sản xuất laptop.

Có thể nói, Asus là sự kết hợp giữa HP và Apple. Asus đứng đầu về số lượng notebook bán ra tại Đài Loan, nhưng máy tính của Asus thu hút người tiêu dùng nhờ khả năng hoạt động, độ bền và phong cách chứ không phải nhờ giá rẻ.

Tuy nhiên, Shih không muốn chỉ dừng lại ở đó. Ông muốn tạo ra một loại thiết bị của nền công nghệ số, có thể kết nối không dây, thực hiện được những chức năng cơ bản của máy tính, dễ sử dụng, nhỏ gọn và trên hết là vừa túi tiền, để có thể tiếp cận hàng tỉ người tiêu dùng. Lúc đó, Intel (Mỹ) đang nghiên cứu một loại chip có tên gọi là Atom, có thể giúp Shih thực hiện tham vọng của mình.
 
“Chúng tôi đang nghiên cứu tạo ra một loại chip giá rẻ, tiết kiệm năng lượng gọi là Atom. Và Jonney muốn có nó”, Sean Maloney, Phó Chủ tịch Điều hành của Intel, kể lại. Phần quan trọng nhất đã được giải quyết xong. Vấn đề cuối cùng là nên quyết định đưa các chức năng nào vào thiết bị mới này. Trong 3 tháng liền, Shih và Jerry Shen, trưởng bộ phận bo mạch chủ của Asus (hiện là CEO của Asus), đã thống nhất đưa các đặc tính Wi-Fi, touchpad và ổ cứng SSD vào máy tính siêu nhỏ này và loại bỏ các chức năng như hệ điều hành Microsoft Windows và bàn phím cỡ lớn. Và khi hàng ngàn chiếc netbook EeePC đầu tiên xuất hiện tại Đài Loan vào tháng 10.2007, chúng đã được bán hết trong vòng 30 phút.

Giống như các công ty công nghệ khác, Asus cũng bị suy thoái kinh tế thế giới tác động. Mùa đông vừa qua, Hãng đã công bố mức lỗ hằng quý đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập của Công ty. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh chi phí bằng cách tinh gọn bộ máy nhân sự, giảm lương và hạn chế hàng tồn kho, kết quả kinh doanh quý III/2009 của Asus đã khởi sắc vượt ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Và giá cổ phiếu của Hãng đã tăng ở mức kỷ lục trong 52 tuần qua trên thị trường chứng khoán Đài Bắc.

Asus dự báo, doanh số hằng năm về netbook và notebook sẽ tăng 30% trong năm 2010. Tuy nhiên, đối thủ lớn Acer sẽ không dễ gì nhường ngôi vị số 1 trong lĩnh vực netbook trong một sớm một chiều. Vì thế, Shih đang suy tính cách có thể đánh bại Acer bằng một bước đột phá tiếp theo làm thay đổi cả ngành máy tính. Shih dự định phát triển những sản phẩm đáp ứng cả 3 yếu tố: vừa túi tiền, dễ dàng sử dụng, tích hợp công nghệ kỹ thuật số. Một số hãng đã tung ra sản phẩm đáp ứng được 2 tiêu chí sau cùng, nhưng tiêu chí “vừa túi tiền” thì vẫn còn xa vời.

Quan điểm đột phá của Shih về một công nghệ “tất cả trong một” liệu có giúp Asus lấy lại vị trí dẫn đầu trong ngành netbook?

Theo Đàm Hoa
Nhịp cầu Đầu tư, Fortune

duchai

Trở lên trên