MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Li Ka-Shing - Vị tỉ phú chưa qua trường lớp

21-03-2012 - 16:36 PM |

Thành công ở mảng bán lẻ và bất động sản, Li Ka-shing (Trung Quốc) là một trong số những người giàu nhất châu Á và đứng thứ 9 trong top 10 người giàu nhất thế giới tính đến đầu 2012, theo bình chọn của Forbes.


Tại Hồng Kông, vùng đất với 7 triệu dân, cứ 7 căn nhà tại đây thì có 1 là do các công ty của Li Ka-shing xây dựng. Thông qua các công ty của mình, Li xử lý đến 70% lưu lượng hàng hóa qua cảng của Hồng Kông và nắm giữ cổ phần lớn tại các công ty tiện ích (đặc biệt là điện) và dịch vụ điện thoại di động.

Đầu tư vào công nghệ phương Tây

Thực ra, tiếng tăm của Li đã được biết đến từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên trong gần 5 năm qua, Li chấp nhận lời mời phỏng vấn của báo chí phương Tây. Ông đã rất cởi mở khi nói về chương đáng ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp của mình: đầu tư vào công nghệ những năm gần đây.

Người đàn ông ở tuổi bát tuần này (ông sinh năm 1928) hóa ra có một niềm đam mê lạ kỳ đối với thế giới kỹ thuật số. Li nói ông chỉ mất 5 phút vào tháng 12.2007 để ra quyết định đầu tư vào Facebook, thậm chí lúc đó mạng xã hội này gần như chưa tạo ra đồng nào và đang tìm kiếm các khoản đầu tư.

Chính Solina Chau, người đứng đầu Horizon Ventures, công ty đầu tư công nghệ tư nhân của Li, là người đã nói với ông về Facebook. Li ngay lập tức thích thú với số lượng người sử dụng Facebook ngày càng tăng và nhanh chóng đồng ý chi ra 120 triệu USD để nắm giữ 0,8% cổ phần trong Công ty. Và cũng kể từ đó, ông tiếp tục mua vào cổ phiếu của Facebook (ông không tiết lộ con số). Với việc Facebook dự kiến được giao dịch với giá trị thị trường quanh mức 100 tỉ USD sau khi phát hành lần đầu ra công chúng, Li chắc chắn sẽ có thêm ít nhất 1 tỉ USD nhờ khoản đầu tư của mình.

Thương vụ Facebook chỉ là một trong những vụ đầu tư đáng chú ý của Li vào lĩnh vực công nghệ. Horizon Ventures của ông đã đầu tư vào cả công ty làm ăn thua lỗ Skype vào năm 2005, một năm trước khi eBay mua lại công ty này với giá 2,5 tỉ USD. Một doanh nghiệp khác mà Li hỗ trợ tài chính là Siri (ứng dụng thông minh nhận dạng tiếng nói), do Apple mua vào năm 2010 sau khi Li đầu tư 7,5 triệu USD vào đây trước đó 1 năm. Gần đây nhất là ông đã đầu tư vào trang web âm nhạc Spotify, dịch vụ hỗ trợ dẫn đường xe hơi Waze và hãng công nghệ chống thấm nước HzO.

Tổng Giám đốc Daniel Ek của Spotify, nhận xét: “Một trong những điều hay nhất về Li là nhìn thấy được thế giới đang đi về đâu. Từ giây phút Li đầu tư vào Công ty, ông đảm bảo rằng ứng dụng Spotify phải có mặt trong ôtô của ông. Đó là năm 2009 trước khi Spotify trở thành một ứng dụng di động. Li tin rằng Spotify rồi sẽ hiện diện trong mọi chiếc ôtô. Ông không thấy giới hạn về mặt công nghệ, mà chỉ thấy nơi thế giới sẽ có mặt”.

Horizon Ventures cũng là thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp trẻ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. “Tôi biết về họ từ những khoản đầu tư của Công ty vào Facebook và Skype”, ông Noam Bardin cho biết. Ông là Tổng Giám đốc Wave, một công ty Israel-Mỹ đã nhận được tổng cộng 30 triệu USD từ Horizon và Kleiner Perkins vào năm ngoái. Bardin cho biết thêm ông rất khâm phục tầm nhìn toàn cầu của Li cũng như thái độ không do dự của Li khi ra quyết định.

Vị tỉ phú chưa qua trường lớp

Sinh ra tại thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Li và gia đình đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Trung- Nhật. Họ sang Hồng Kông để định cư. Không lâu sau khi đến Hồng Kông, cha của Li đã qua đời vì bệnh lao.

“Đó là điều đau đớn nhất trong thời thơ ấu của tôi. Gánh nặng của cái nghèo, cảm giác bất lực và sự cô đơn đã khắc sâu trong trái tim tôi. Vì thế trong đầu tôi luôn vang lên những câu hỏi: Liệu có thể thay đổi số phận một con người? Và liệu có thể gia tăng cơ hội thành công bằng cách lên kế hoạch tỉ mỉ?”, Li cho biết.

Do cuộc sống cơ cực, nên khi mới 12 tuổi, ông đã bỏ học và bắt đầu học việc tại một nhà máy sản xuất dây đồng hồ đeo tay. Hai năm sau đó, ông chính thức làm việc tại một công ty kinh doanh đồ nhựa. Năm 1950, Li quyết định ra riêng, thành lập công ty chuyên sản xuất đồ chơi bằng nhựa và các vật dụng hằng ngày. Sau đó, Li đã tái đầu tư trang thiết bị cho nhà máy để tập trung vào việc sản xuất hoa nhựa sau khi thấy thị trường Ý rất ưa chuộng loại hoa này. Ông đã đặt tên cho công ty đầu tiên của mình là Cheung Kong.

Với lợi nhuận thu được từ sản xuất mặt hàng nhựa, Li bắt đầu mua lại các tòa nhà căn hộ và nhà máy trên khắp Hồng Kông trong suốt thập niên 1960 - thời kỳ xã hội Hồng Kông bất ổn do những cuộc bạo động và đánh bom. Và ông đã thu được lợi nhuận khổng lồ khi thị trường hồi phục. Năm 1979, ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên mua cổ phần khống chế một trong những hãng buôn lâu đời của Anh, sau đó là mua lại công ty đang gặp khó khăn Hutchison Whampoa. Đến 1987 - năm ông xuất hiện trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới lần đầu tiên của Forbes - Li và các công ty đã trả 500 triệu USD để mua lại khoảng 50% cổ phần trong Công ty Husky Oil đang làm ăn thua lỗ của Canada.

Không dừng lại ở đó, Li tiếp tục chinh phục những vùng đất mới trên khắp thế giới. Vào năm 2010, Cheung Kong đã tiến hành một thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của công ty này. Đó là thâu tóm Power Networks (Anh) với giá 9,1 tỉ USD. Power Networks hiện cung cấp điện cho khoảng 8 triệu người dân Anh. Chưa đầy 1 năm sau đó, Cheung Kong đã mua lại Northumbrian Water, chuyên cung cấp nước uống cho 4,5 triệu người tại Anh và dịch vụ thoát nước cho 2,7 triệu người khác. Gần đây nhất là vào tháng 2, Hutchison Whampoa, một trong những nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất châu Âu, đã trả 1,7 tỉ USD để thâu tóm Orange Austria, nhà khai thác dịch vụ di động lớn thứ ba tại Áo.

“Người làm kinh doanh nói chung không nên có một cái nhìn quá hạn hẹp về ngành nghề của mình. Họ nên có cái nhìn toàn cảnh, nhìn vào sự việc ở mọi góc độ”, ông giải thích về mối quan tâm của ông đối với thị trường châu Âu giữa lúc những người khác chỉ thấy ở đây một tương lai rất mờ mịt do cuộc khủng hoảng nợ công khu vực và kinh tế suy thoái.

Để có được cái nhìn toàn cảnh là một phần lý do tại sao thậm chí bây giờ Li, dù đã ở tuổi 84, mỗi ngày vẫn dành ra thời gian đọc sách khoa học, kinh tế học, chính trị và triết học. “Có như vậy, tôi mới theo kịp những thay đổi mỗi ngày của thế giới. Nếu tôi có một dịp nghỉ hiếm hoi nào đó, tôi sẽ dành thời gian đó để đọc sách”, ông nói.

Sự tò mò của ông về thế giới và sự cởi mở đối với nó có thể gói gọn trong tinh thần của một bức tranh thư pháp Trung Quốc được treo đằng sau ghế ngồi của ông. Bức tranh ấy viết: “Đặt mục tiêu cao; Kết bạn với đủ loại người; Tận hưởng những niềm vui giản dị. Đứng trên nền đất cao; Ngồi trên nền đất phẳng; Đi trên nền đất rộng”.

Tinh thần ấy đã lý giải vì sao Li luôn “hành xử” với các khoản đầu tư vào công nghệ như một thú vui. Cá nhân Li không hề lấy một đồng lãi nào từ Facebook hay bất cứ công ty nào khác. Ông đầu tư tiền của cá nhân ông thông qua Horizon Ventures. Nếu một khoản đầu tư nào đó bị thất bại, ông sẽ tự mình gánh lỗ. Nếu thành công, ông lại chuyển phần cổ phiếu hay lợi nhuận thu được vào Quỹ Li Ka Shing Foundation.

Tính đến nay, Quỹ của Li đã cho đi hơn 1,6 tỉ USD. Tổng tài sản của Quỹ hiện là 8,3 tỉ USD. Ông cũng đã tặng 690 triệu USD để thành lập Đại học Shantou (Quảng Đông). Vào tháng 2.2012, đại học này và Quỹ Li Ka Shing Foundation đã tài trợ cho dự án nghiên cứu y sinh học có tên là Prometheus. Ông cũng đã tặng Đại học California 40 triệu USD để tài trợ cho một cơ sở nghiên cứu y sinh học mới được đặt theo tên ông. Cơ sở này đã được khai trương vào tháng 10 năm ngoái. Cũng cần nói thêm rằng, nghiên cứu y sinh là một niềm ấp ủ khác trong trái tim của Li, ngoài giáo dục. Bởi lẽ, không chỉ cha ông đã phải chết trẻ, mà nguời vợ gắn bó với ông suốt 27 năm cũng đã chết vì bệnh tim vào năm 1990 ở tuổi 56 (đến nay Li chưa tái hôn).

Với cái tuổi gần đất xa trời, Li vẫn chưa có ý định nghỉ hưu vì như ông cho biết, mình vẫn rất khỏe mạnh. “Cho dù tôi có nghỉ hưu, tôi sẽ vẫn có mặt ở Công ty, dõi theo sự phát triển của ngành công nghệ và tương lai”, ông nói. 
Theo Ngô Ngọc Châu
Nhipcaudautu/Forbes 

aiht

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên