MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh homestay: Không phải thích, có tiền là thành công

26-06-2019 - 15:24 PM | Bất động sản

Nguồn cung homestay ở Việt Nam hiện khá lớn. Bên cạnh những đơn vị chuyên nghiệp, nhiều chủ đầu tư cá nhân cũng bỏ tiền làm homestay. Bên cạnh thuận lợi, yếu tố mùa vụ, tính cạnh tranh ngày càng cao là các khó khăn mà nhà đầu tư homestay đang phải đối diện.

Không phải "thích là làm" sẽ thành công

Tốt nghiệp Đại học Xây dựng, anh Ly Xá Xuy, 28 tuổi, về xây dựng mô hình homestay trên quê hương mình là xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Homestay của anh Xuy bắt đầu vận hành từ tháng 9/2018. Bấy giờ, tại Bát Xát, cơ sở lưu trú cho khách du lịch đã có nhưng một mô hình homestay đúng nghĩa chưa xuất hiện.

Lợi thế của anh khi xây dựng homestay là không phải thuê mua đất. Anh tận dụng 1.000 m2 đất đồi của gia đình. Tuy nhiên, Xuy mất khá nhiều thời gian mới nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Để có vốn đầu tư, anh và gia đình phải bán cả trâu, bò, vay ngân hàng. Tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 600 triệu đồng, số tiền rất lớn với anh và gia đình lúc bấy giờ.

Kinh doanh homestay: Không phải thích, có tiền là thành công - Ảnh 1.

Homestay của anh Xuy. Ảnh: NVCC.

Sau gần 1 năm kinh doanh, Xuy tự thấy lạc quan với mô hình của mình. Hiện homestay của anh có 1 phòng ngủ tập thể và 2 phòng đôi. Với phòng đôi, khả năng lấp đầy được cho là khá tốt. Trong khi đó, phòng tập thể thường chỉ đông khách vào ngày cuối tuần và các dịp lễ, mùa du lịch. Tiền thu từ việc kinh doanh được anh dùng để tái đầu tư, thuê người làm, lắp đặt thêm các thiết bị… dự kiến sắp tới mở rộng thêm quy mô.

May mắn hơn anh Xuy, anh Thái (Hưng Yên) tự túc được vốn kinh doanh homestay. Anh đầu tư khoảng 1 tỷ để mua một miếng đất 2.000 m2 ở Mộc Châu, 1 tỷ khác được đầu tư để xây nhà, tạo hình, mua sắm thiết bị. Ý tưởng nảy ra từ năm 2016. Anh thấy khách du lịch đến Mộc Châu ngày càng đông trong khi mô hình nhà sàn người Thái ngày càng lộ hạn chế. Sau 6 tháng anh đi tìm đất, 6 tháng xây dựng dự án, đến ngày cuối cùng của năm 2017, homestay của anh Thái bắt đầu vận hành. Hiện anh Thái có một phòng ngủ tập thể cho 12 người, 1 phòng cho 6 người, 2 phòng cho 4 người và 7 phòng đôi.

Theo anh, homestay là kênh đầu tư bài bản, vượt ra khỏi định nghĩa ban đầu về một căn phòng hay không gian chia sẻ. Anh tính toán mất khoảng 2-3 năm để thu lại khoản tiền đã bỏ ra.

Kinh doanh homestay: Không phải thích, có tiền là thành công - Ảnh 2.

Hiện homestay trở thành một kênh đầu tư bài bản. Ảnh: Mama's house.

Thực tế, chủ homestay này cho rằng việc kinh doanh dịch vụ lưu trú đơn thuần ở Mộc Châu không mang lại nguồn thu đáng kể nếu chỉ dựa vào hệ thống phòng nghỉ. Nguồn thu chính của anh đến từ các dịch vụ đi kèm như ăn uống, cho thuê xe, bán tour…

“Tôi may mắn hơn mọi người nên đến thời điểm này vẫn chưa gặp khó khăn nào đáng kể. Tuy nhiên, hiện ở Mộc Châu, yếu tố cạnh tranh đang có dấu hiệu tăng đáng kể, trung bình cứ 2-3 tháng lại có thêm 1 homestay mới ra đời, càng về sau, các homestay càng được đầu tư bải bản và đẹp hơn”, anh Thái nói với Người Đồng Hành.

Để cạnh tranh, các chủ homestay phải đề ra nhiều chiến lược, chẳng hạn khách đến ở trong mùa đông được tặng phiếu giảm giá phòng mùa hè, liên kết với các kênh khác như Agoda, Booking hay Airbnb…

Không phải kênh hái ra tiền

Các chủ đầu tư đều nhận định homestay không phải là kênh “hái” ra tiền. Đặc biệt, tại những vùng cạnh tranh mạnh bởi các loại hình lưu trú khác hay tập trung nhiều homestay, chuyện kinh doanh càng khó khăn. Chưa kể, bước vào kinh doanh, họ đối mặt với hàng chục vấn đề khác.

Không chỉ làm homestay ở Sơn La, anh Thái còn mở rộng mô hình tại Hà Nội. Cùng nhóm bạn, anh thuê 3 căn nhà, cải tạo và cho thuê lại theo dạng homestay. Tuy nhiên, anh nhận ra cạnh tranh ở Hà Nội lớn do nhiều homestay. Trong khi đó, một bộ phận kinh doanh homestay không đặt cao vấn đề lợi nhuận mà chỉ vì sở thích, neo giá cho thuê khá rẻ.

Ngay cả khi việc kinh doanh có nhiều tiến triển, anh Thái cho biết bản thân vẫn phải đối diện với không ít rủi ro. Chẳng hạn, chủ homestay không liên kết với các cá nhân trung gian để cho thuê phòng nhưng vẫn xuất hiện quảng cáo, nhận đặt chỗ với giá cao hơn giá gốc 50%. Thậm chí, các quảng cáo trên còn nói quá về tiện nghi, dịch vụ thực tế nên xuất hiện trường hợp khách đến nhận rồi trả phòng ngay vì thực tế khác quảng cáo.

Kinh doanh homestay: Không phải thích, có tiền là thành công - Ảnh 3.

Tính cạnh tranh, mùa vụ là những khó khăn mà các nhà đầu tư homestay phải đối mặt. Ảnh: Mama's House.

“Kinh doanh homestay cũng không tránh khỏi việc đối thủ cạnh tranh, hoặc những người trêu đùa, thậm chí chơi xấu vào đánh giá, bình luận tiêu cực về chất lượng dịch vụ dù có thể họ chưa đến ở bao giờ”, anh Thái nói.

Với người mới bắt đầu, kinh doanh homestay còn là một kênh đầu tư nhiều rủi ro. Nguyễn Thanh Hương, 29 tuổi, sống tại TP HCM, vẫn nhớ như in khoảnh khắc 0h bị đuổi ra khỏi homestay do chính mình gây dựng ở Lạc Dương, Đà Lạt.

Cô nảy sinh ý định làm homestay khi gặp bà chủ đất có cả đồi thông tính bằng hecta ở một mình dưới chân Langbiang còn 2 người con ở TP HCM. Hương thuê lại một phần đất ở của bà với giá 5 triệu đồng/tháng, trả hàng tháng, tiền cọc bằng một tháng thuê, hợp đồng viết tay giữa hai bên mà không có bên thứ ba làm chứng.

Hơn một tháng trời ròng rã tìm gỗ cây, lên ý tưởng, thuê người dân làm giúp nhà, homestay của Hương có một phòng dorm và hai phòng nhỏ dành cho cặp đôi. Khách tới ở khá đông ngay từ những tháng đầu tiên, thậm chí, người nước ngoài cũng tới homestay của Hương ở, sẵn sàng trả tiền triệu mỗi đêm. Đến tháng thứ 5, 2 người con của bà chủ đất từ TP HCM trở về nhà. Không đối thoại hay trao đổi, họ cuốn gói tất cả đồ đạc bên trong homestay rồi xếp ra cửa. 23h Hương về, gọi chủ nhà không được, 2 người con tuyên bố không cho cô thuê. Không có gì chứng minh mình là chủ homestay ngoài tờ hợp đồng thuê đất viết tay, cô bỏ cuộc.

Thiệt hại về tiền bạc, công sức là có, khi Hương mất nửa năm gây dựng homestay. Nhưng cô rút ra thất bại của mình đến từ chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan liên quan đến yếu tố pháp lý. Thực tế, những người kinh doanh homestay có thể gặp các vấn đề khác về pháp lý như thiếu giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh, không khai báo khách lưu trú, khách đăng ký phòng nhưng không tới, sử dụng homestay nhưng không giữ gìn...

Ở góc độ tài chính, ông Võ Hoàng Hải, Tổng giám đốc chuỗi homestay Bare Boutique Stays, lưu ý khi đầu tư nên định hình một số vấn đề về vị trí, công suất khai thác, mô hình đi thuê/đi mua hoặc thời gian thu hồi vốn. Theo ông, đầu tư phải tính toán rất kỹ, tỷ suất lợi nhuận tối thiểu phải đạt 25%/năm và thời gian thu hồi vốn khống chế ở mức 2,5 năm.

Để phát triển dự án, theo ông Hải, nhà đầu tư ban đầu cần khảo sát về đối thủ, khảo sát mức giá, phân khúc đầu tư. Trong quá trình xây dựng, ông nói cần đảm bảo chi phí thiết kế chỉ 0,1 - 0,5% tổng vốn đầu tư; chi phí xây dựng - nội thất 30%; chi phí cảnh quan giao thông 30% còn lại 40% là chi phí đất.

Theo Thuỷ Tiên - Khổng Chiêm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên