MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường tại nhiều quốc gia

Việc hàng loạt các quốc gia đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc đối với đồ uống có đường sẽ là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi tính toán loại thuế này.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thuế đánh vào đồ uống có đường được áp dụng ở khá nhiều quốc gia như các nước ở châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Á. Việc đánh thuế đặt trong bối cảnh các loại đồ uống chứa đường có tác hại đến sức khỏe của con người.

Tại Nam Phi, thuế đối với đồ uống có đường (sugar-sweetened beverages) áp dụng từ 1/4/2017 với mục đích giảm lượng hấp thụ đường dư thừa trong cơ thể của người sử dụng (phòng, chống bệnh béo phì do việc tiêu dùng quá mức các loại đường). Theo quy định Nam Phi đưa ra, đồ uống có đường là những loại đồ uống có chất đường làm tăng calo như sucrose, HFCS, hoặc nước ép trái cây.

Cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là hàm lượng đường (sugar content) có trong đồ uống. Cách tính này khá thuận lợi trong việc đạt được mục tiêu tính thuế và mức thuế sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tỷ lệ chất đường được đưa vào đồ uống.

Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp đặt là 0,0229 R (tương đương 2,29 cents)/gram đường (theo khung ghi nhãn sản phẩm). Mức thuế suất tuyệt đối như trên theo tính toán làm tăng giá khoảng 20% đối với hầu hết các loại nước giải khát phổ biến (như Coca Cola với trung bình 35g đường/330ml).

Còn tại Mexico, từ 1/1/2014, quốc gia này áp đặt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát và thức ăn giàu calo (một phần trong chiến lược giảm tác động của các loại sản phẩm này đến sức khỏe của con người). Cụ thể đối với đồ uống không cồn có chứa đường với mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 1 peso/lít (tương đương khoảng 10% trên cơ sở giá bán của năm 2013) và mức thuế suất đối với đồ ăn giàu calo với tỷ lệ nhiều hơn 275 calo/100g là 8% giá bán.

Riêng tại Mỹ, năm 2014, 34 bang và thủ đô Washington của Mỹ có đánh thuế doanh thu (sales tax) đối với nước soda bán ở các cửa hàng thực phẩm với mức thuế cao hơn thuế doanh thu đối với các thực phẩm khác.Tháng 3/2015, thành phố Berkeley thuộc bang California đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở mức 1 xu/1 ounce (1 ounce = 30ml). Đến năm 2017, có thêm 6 thành phố khác đánh thuế đối với đồ uống có đường, cụ thể: Philadelphia (Pennylvania) đánh 1,5 xu/ounce; Boulder (Colorado) đánh 2 xu/ounce; quận Cook (Illinoise) và 3 thành phố vùng Vịnh (San Francisco, Oakland và Albany) đánh 1 xu/ounce.

Với quốc gia Đông Nam Á như Phillipines, nằm trong chương trình cải cách hệ thống thuế, Phillipines đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt không cồn, nước soda, nước tăng lực, trà và cà phê ngọt - đồ uống có thể dạng bột hoặc dạng lỏng) với mức 10 peso/lít (trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên; sữa chua và sữa chua nước có hương vị hoa quả; đồ uống thay thế cho bữa ăn; các sản phẩm giảm cân và sản phẩm từ sữa). Việc đánh thuế này nhằm tạo Quỹ Nâng cao Sức khỏe để giải quyết các vấn đề về sức khỏe do việc tiêu thụ nước ngọt có đường gây ra. Theo tính toán của Bộ Tài chính Phillipines, việc đánh thuế này sẽ tăng thu ngân sách khoảng 47 tỷ peso trong năm đầu tiên.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, còn nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt như: Anh, Hungary, Phần Lan, Pháp, Na-uy, Đan Mạch, Thái Lan…

Từ kinh nghiệm của những quốc gia này, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, nếu áp dụng loại thuế suất này, trước tiên Việt Nam cần làm rõ khái niệm về đồ uống có đường và đồ uống không cồn nhằm mục đích phân biệt các loại hàng hóa có liên quan. Khi đánh thuế đối với đồ uống có đường thì Việt Nam cần phân loại rõ các loại đồ uống nằm trong phạm vi áp dụng. Mức thuế suất đối với đồ uống có đường cần có thể sử dụng thuế suất tương đối hoặc thuế suất tuyệt đối và áp dụng cho từng loại đồ uống.

Đặc biệt, Viện Chiến lược Chính sách Tài chính khuyến nghị, Việt Nam nếu muốn áp thuế đối với đồ uống không cồn hoặc đồ uống có đường cần phải có đánh giá tác động đến các khía cạnh kinh tế - xã hội nhằm định hướng giải pháp áp thuế tốt nhất.

Theo Thùy Linh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên