MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc liệu có “trật bánh” khi tiêu dùng tăng trưởng yếu?

04-09-2018 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình dịch chuyển quan trọng sang hướng tập trung vào tiêu dùng, nhưng nếu tiêu dùng suy yếu sẽ khiến cho kinh tế mất đà tăng trưởng.

Việc nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc hiếm khi quan trọng như bây giờ.

Theo Bloomberg, cuộc sống của nhiều người dân tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh đang ngày một khó khăn hơn trong năm nay. Giá cho thuê nhà tăng vọt ăn vào thu nhập của người dân.

Khi mà cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động với Trung Quốc đang ngày một căng thẳng hơn, trong tuần này, Tổng thống Trump nhiều khả năng tiếp tục tăng thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, tình hình của kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc không ít vào niềm tin của chính người tiêu dùng nước này.

Kiến trúc sư Fu Ran năm nay 29 tuổi hiện đang sống tại Bắc Kinh. Mỗi tháng, anh mất đến hơn nửa thu nhập để trả tiền thuê nhà. Vào tháng trước, anh được thông báo tiền thuê nhà sẽ tăng thêm 30% lên khoảng 4.000 nhân dân tệ/tháng. Tốt nghiệp từ đại học Thanh Hoa - Bắc Kinh đầy danh tiếng, anh Fu thường hay tự nói về mình một cách mỉa mai rằng “học lắm mà tiền chẳng thấy đâu”.

Từ thời gian tới, để có đủ tiền trả tiền thuê nhà, anh Fu cho biết anh sẽ phải hạn chế ăn ngoài hơn nữa, hạn chế gặp gỡ bạn bè và đi du lịch. Câu chuyện của anh được truyền thông mạng xã hội Trung Quốc nhắc đến bằng cụm từ “tiêu dùng xuống cấp”. Thế nhưng nay khi mà tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng hàng năm, diễn biến tiêu dùng rất quan trọng với các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, không phải cuộc sống của mọi người đều khó khăn như nhau, có một lượng lớn dân số Trung Quốc vẫn đang giàu lên. Dù tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc năm 2018 chững lại đáng kể xuống dưới 9%, con số không nói lên được bức tranh toàn cảnh và trên thực tế, tiêu dùng người dân theo tính toán của chính phủ đã tăng nhanh chóng.

“Nhiều người cảm thấy cuộc sống đầy khó khăn và buộc phải cắt giảm chi tiêu, ví như những người thanh niên đối mặt với giá tiền thuê nhà ngày một tăng, hoặc những người mất tiền do tham gia hoạt động cho vay ngang hàng hoặc vỡ nợ”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCB ở Singpore, ông Tommy Xie, nhận xét.

Thế nhưng cũng chính theo ông Xie, nếu bạn nhìn vào con số thống kê chi tiêu của người Trung Quốc khi đi ra nước ngoài, bạn sẽ thấy người giàu vẫn tiêu tiền xả láng như thế nào, họ lạc quan ra sao, mức chi tiêu vì vậy vẫn lớn.

Du lịch vẫn đang tăng trưởng nhanh. 71,3 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch trong nửa đầu của năm nay, tăng 15% so với cùng kỳ. Với những con số thống kê kể trên, không hề dễ để nắm bắt được chính xác về thị trường bán lẻ Trung Quốc.

Nhiều người trong giới điều hành doanh nghiệp gặp khó khi ước lượng về cơ hội thành công của họ. CEO của hãng sản xuất vali Samsonite International SA, ông Kyle Francis Gendreau, trong một bài phỏng vấn mới đây khẳng định rằng những lùm xùm từ cuộc chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ tác động khiến doanh số bán hàng của họ tại Trung Quốc chững lại.

Tại các thành phố nhỏ nơi áp lực chi phí cuộc sống ít hơn, người ta vẫn đang cải thiện cuộc sống.

Tại thành phố Nam Kinh nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 1.000km về phía Đông Nam, anh Guo Ying mới đây đã mua xe ô tô BMW 520 với giá 61.480 USD. Là một kỹ sư đồng thời đang làm chủ một gia đình nhỏ, anh Guo chọn cách trả góp, thế nhưng nhìn chung anh cảm thấy hài lòng với mức chi tiêu trên.

Câu chuyện về anh Fu và anh Gao cho thấy bức tranh toàn cảnh về tiêu dùng Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy sức tiêu dùng của người Trung Quốc có thể yếu đi trong ngắn hạn, thế nhưng sẽ không yếu đi đến mức làm cản đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Theo Trung Mến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên