MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc "trả giá đắt" vì đợt bùng phát của biến thể Delta

04-08-2021 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc "trả giá đắt" vì đợt bùng phát của biến thể Delta

Đợt bùng phát Covid-19 với quy mô lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch xuất hiện vào cuối năm 2019 đang cản trở hoạt động du lịch và chi tiêu trong kỳ nghỉ hè của quốc gia này. Tình trạng trên đang khiến các nhà phân tích phải cân nhắc lại dự báo tăng trưởng trong bối cảnh rủi ro leo thang.

Hiện tại, giới chức Trung Quốc đang phải gấp rút đóng cửa các điểm du lịch, ngừng tổ chức các sự kiện văn hoá và huỷ nhiều chuyến bay. Đợt bùng phát của biến thể Delta đã lan rộng sang gần một nửa trong số 32 tỉnh của Trung Quốc chỉ trong 2 tuần. Ít nhất 46 thành phố đã đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại với người dân, trừ khi thực sự cần thiết.

Đối mặt với cả thiệt hại do trận lũ lụt lớn ở thời gian gần đây, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể sẽ khiến hoạt động chi tiêu nhỏ lẻ bị hạn chế. Hơn nữa, rủi ro này còn kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong nửa cuối năm nay.

Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng quý III của Trung Quốc từ 6,4% xuống 5,1% và ước tính tăng 4,4% trong 3 tháng cuối năm, giảm từ mức 5,3%. Trong cả năm 2021, Nomura cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 8,9% xuống 8,2%.

Lu Ting - nhà kinh tế trưởng của Nomura về Trung Quốc, cho biết: "Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ có khả năng sẽ dẫn đến lệnh cấm di chuyển và giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất Trung Quốc kể từ mùa xuân năm 2020. Mưa bão và lũ lụt xảy ra trong thời gian gần đây cũng là yếu tố khiến chúng tôi điều chỉnh ước tính tăng trưởng trong quý III."

Kinh tế Trung Quốc trả giá đắt vì đợt bùng phát của biến thể Delta  - Ảnh 1.

Tốc độ chi tiêu của Trung Quốc đã hồi phục mạnh mẽ trong năm nay.

Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết kinh tế Trung Quốc có thể mất 0,7 điểm phần trăm do những rủi ro tiềm tàng, dù ngân hàng này không hạ mức dự báo tăng trưởng 6,2% trong quý. Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn có những yếu tố không chắc chắn về thời gian bùng phát và có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Dù Trung Quốc phải đối mặt với một số đợt bùng phát nhỏ lẻ trong năm qua, nhưng phạm vi lại nhỏ hơn nhiều so với trước đây và được ngăn chặn nhanh chóng. Đợt bùng phát hiện tại đã khiến tất cả các điểm du lịch ở thành phố Trương Gia Giới phải đóng cửa. Các thành phố khác ở tỉnh Hồ Nam, Giang Tô và Sơn Tây cũng thực hiện bước đi tương tự.

Các hãng hàng không dự kiến số lượng chỗ ngồi được lấp đầy trong tuần này sẽ thấp hơn 9,8% so với tuần trước, dựa theo số liệu từ trang phân tích đặt lịch OAG. Lượng chỗ ngồi hiện đạt mức 95,7% so với năm 2019.

Chưa dừng ở đó, tình trạng bùng phát hiện tại của biến chủng Delta còn gây áp lực cho đà hồi phục vốn đã mong manh của doanh số bán lẻ. Cùng với đó là làm gia tăng những khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay. Các nhà phân tích dự kiến hoạt động xuất khẩu có thể sẽ chậm lại và đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng sụt giảm.

Bruce Pang - trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô của China Renaissance Securities Hong Kong, nhận định: "Tăng trưởng tiền lương của người dân đã chậm lại. Nếu họ không thể tiêu tiền cho dịch bệnh bùng phát, đó chắc chắn sẽ là lực cản đối với hoạt động tiêu dùng trong nửa cuối năm nay."

Bloomberg Economics ước tính doanh số bán lẻ tại Trung Quốc có thể giảm khoảng 0,2% trong tháng 7 và 8 so với tháng trước, tương tự như tác động đã chứng kiến trong đợt bùng phát ở đầu năm nay tại Hà Bắc và Cát Lâm. Trong cả năm, tăng trưởng doanh số bán lẻ có thể giảm so với dự báo trước đó là 12%.

Hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc đã thận trọng trước nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trong những tháng tới và cam kết đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đà hồi phục.

Hiện tại, Lễ hội Bia Quốc tế tại Thanh Đảo đã bị hoãn lại. Tỉnh Vân Nam cũng huỷ bỏ Lễ hội Đuốc. Ngoài ra, hơn 10 lễ hội âm nhạc ở nhiều thành phố cũng bị huỷ hoặc hoãn, các rạp chiếu phim ở Nam Kinh, Trương Gia Giới và Liên Vân Cảng đều đóng cửa.

Đợt bùng phát gần đây nhất đã lan sang thủ đô Bắc Kinh dù đã đưa ra những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Hôm thứ Ba, thành phố này ra lệnh cấm người dân di chuyển từ 23 khu vực bao gồm Trịnh Châu, Nam Kinh, Dương Châu, Thẩm Dương và Đại Liên. Trung tâm tài chính Thượng Hải cũng ghi nhận 1 ca nhiễm mới trong tuần này.

Theo Iris Pang - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ING Bank NV, hiện các khu vực có hoạt động sản xuất hoặc công nghiệp nặng đều chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Điều này cho thấy tác động lên sản xuất sẽ được hạn chế. Bà nói: "Nếu có ca nhiễm xuất hiện ở các địa điểm mới là các thành phố lớn của dịch vụ hoặc sản xuất, thì hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng." 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên