MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KKR thành lập quỹ 9,3 tỷ USD chuyên đầu tư vào Châu Á

05-06-2017 - 09:57 AM | Tài chính quốc tế

Công ty cổ phần tư nhân KKR huy động 9,3 tỷ USD cho quỹ KKR Asian Fund III khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Khoản đầu tư vượt mốc đề ra ban đầu là 8,5 tỷ USD nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả các khoản quỹ hưu của doanh nghiệp và nhà nước, quỹ đầu tư quốc gia, công ty bảo hiểm, quỹ quyên trợ, văn phòng gia đình và các cá nhân giàu có.

Theo báo cáo của KKR hôm thứ 6, quỹ trước đây trong series là quỹ Asian Fund II từng huy động được 6 tỷ USD và hiện đang được triển khai đầy đủ. Bắt đầu đầu tư vào năm 2013, quỹ này tạo ra tỷ suất IRR tổng là 29,1% (IRR ròng là 20,6%) và tổng doanh thu là 1,5x (ròng 1,3x) tính đến ngày 31/3.

Chủ tịch KKR châu Á Ming Lu phát biểu tại một cuộc họp (Nguồn: Tài khoản Twitter KKR)
Chủ tịch KKR châu Á Ming Lu phát biểu tại một cuộc họp (Nguồn: Tài khoản Twitter KKR)

"Chúng tôi thấy nhiều cơ hội đa dạng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương bắt nguồn từ xu hướng tiêu dùng và đô thị hoá ngày càng tăng tại những thị trường trọng điểm cũng như giao dịch xuyên biên giới lớn ở các nước như Nhật Bản", ông Ming Lu, thành viên của KKR và người đứng đầu của Asia Private Equity cho biết. Với việc thành lập quỹ này, công ty cổ phần tư nhân (PE) của KKR quản lý hơn 68 tỷ USD tài sản trên toàn thế giới.

Nhiều công ty bị hấp dẫn bởi cơ hội tại châu Á

Những khoản đầu tư gần đây của công ty bao gồm mua lại các thiết bị sản xuất vi mạch và giải pháp hình ảnh của Hitachi (Nhật Bản) trong hợp đồng trị giá 2,3 tỷ USD, sau thương vụ mua lại nhà máy công cụ hạng nặng Hitachi Koki với 1,3 tỷ USD đầu năm nay. KKR đang đẩy mạnh các khoản đầu tư tại Nhật Bản, với hơn một nửa số giao dịch trị giá 4,7 tỷ USD của công ty trong khu vực năm nay là tại nước này, theo số liệu của Bloomberg.

Từ khi mở văn phòng đầu tiên trong khu vực vào năm 2006, KKR đã đầu tư hơn 12 tỷ USD vào các khoản đầu tư liên Á ở khoảng 55 công ty trên khắp 10 quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là quỹ duy nhất thu hút bởi đà tăng trưởng ở châu Á. Một nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng nhờ tầng lớp trung lưu phát triển và mức thu nhập đang tăng lên cũng thu hút sự chú ý của các quỹ khác như TPG Capital, Gaw Capital Partners, Carlyle, Baring Private Equity. Các công ty PE này đều đã hoặc đang có kế hoạch gây quỹ tập trung vào khu vực.

TPG đang huy động khoảng 4,5 tỷ USD cho quỹ thứ 7 châu Á đang đóng cửa. Hiện tại, TPG Capital Asia quản lý khoảng 6 tỷ USD tài sản. Tương tự, Carlyle đang tìm kiếm một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD, phần lớn sẽ tập trung đầu tư vào Ấn Độ và Trung Quốc. PAG Asia Capital của Hồng Kông cũng thông báo huy động được 3,6 tỷ USD cho quỹ mua lại thứ 2 tại châu Á.

Năm ngoái, RRJ Capital đóng cửa quỹ tư nhân lớn nhất từ trước tới nay cho một công ty ở châu Á với 4,5 tỷ USD. Năm 2016 cũng chứng kiến quỹ Baring Private Equity Asia của Hồng Kông tăng vốn lên 4 tỷ USD cho quỹ thứ 6 trong khu vực. Warburg Pincus LLC theo sau vào cuối năm ngoái bằng cách huy động một quỹ mới trị giá 2 tỷ USD để tập trung vào các khoản đầu tư tăng trưởng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường bất động sản châu Á cũng thu hút được sự quan tâm của các công ty đầu tư như Savills Investment Management (quỹ đầu tư hàng tỷ USD tập trung vào châu Á) và Blackstone (hơn 5 tỷ USD trong quỹ đầu tư bất động sản châu Á). Tương tự, công cụ liên Á mới nhất của Gaw Capital Partners là quỹ Đầu tư bất động sản Gaw Capital V có quỹ khoảng 1,3 tỷ USD.

Tập trung vào Đông Nam Á

"Nhiều công ty Đông Nam Á đang bắt đầu nhận ra tiềm năng tăng trưởng vốn có của mình, nhờ vào xu hướng tiêu dùng, nhân khẩu học và công nghệ. Một số gia đình có tiếng tăm nhất trong khu vực đang lên kế hoạch thay đổi thế hệ, chọn lọc ban quản lý chuyên nghiệp, và mở rộng sang các lĩnh vực mới. Chúng tôi mong được hợp tác với các gia đình và các nhóm kinh doanh để tạo nên những thương vụ thành công mới, trong tương lai có thể trở thành lãnh đạo khu vực và thậm chí quốc tế”, Ashish Shastry, thành viên và trưởng nhóm KKR Đông Nam Á nói.


Thị trường tiêu dùng và tiềm năng phát triển biến Đông Nam Á thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư

Thị trường tiêu dùng và tiềm năng phát triển biến Đông Nam Á thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư

KKR vẫn duy trì vị trí đầu tư mạnh mẽ ở Đông Nam Á từ năm 2005, và đến nay đã triển khai hơn 2 tỷ USD vốn trong các công ty tại khu vực.

Theo Trang Hồ

Người đồng hành

Trở lên trên