MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch hướng dẫn cách thoát hiểm khi trẻ bị bỏ quên trên ô tô

07-08-2019 - 20:35 PM | Xã hội

Anh Lê Văn Tạch cho biết, khi xe ô tô đã chốt cửa, tắt máy người mắc kẹt bên trong vẫn có thể bấm còi xe để cho người khác biết có người bên trong.

Ngày 6/8, nam sinh sinh lớp 1 vừa vào học tại trường quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) 2 ngày đã tử vong thương tâm do bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón học sinh loại 16 chỗ nhãn hiệu Ford.

Sau khi sự việc xảy ra đã gây lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận về những người liên quan đến cái chết của cháu Lê Hoàng L. (6 tuổi).

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, thắc mắc về việc nếu trẻ em hoặc người lớn bị bỏ quên trong xe ô tô thì thoát hiểm như thế nào?

Để giải đáp thắc mắc trên, trưa 7/8, PV đã có cuộc trao đổi với kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch.

Anh Tạch cho biết, sự việc cháu L. tử vong xảy ra vào ngày 6/8, là vô cùng đáng tiếc, đau xót với gia đình, người thân của nạn nhân.

Vị kỹ sư ô tô cho biết, để trẻ em có thể thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô có 3 cách.

Trong đó, cách thứ nhất dễ thực hiện hơn đó chính là việc nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì các bé hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe.

 Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch hướng dẫn cách thoát hiểm khi trẻ bị bỏ quên trên ô tô - Ảnh 1.

UBND quận Cầu Giấy cùng công an quận, phòng giáo dục đào tạo, viện kiểm sát tổ chức buổi họp báo trưa 7/8.

Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra có người đang ở trong xe.

Anh Tạch cho hay, cấu tạo của còi xe luôn có điện thường trực, để trẻ em biết được còi nằm ở vị trí nào trên xe, bố mẹ hãy dành thời gian cho trẻ quan sát và chỉ, hướng dẫn cách bấm còi.

Cách thứ 2 đó là việc đứng ở phần trước vô lăng và vẫy tay, ra hiệu cho người phía ngoài.

Theo kỹ sư Tạch, có thể các cửa sổ của xe có màu tối (nâu hoặc đen) để hạn chế ánh nắng chiếu nhưng phía kính trước vô lăng luôn là kính trong để tài xế quan sát đường.

Vì vậy, trẻ có thể tới phần kính trước vô lăng và tìm cách ra hiệu báo cho người ngoài biết bằng cách vẫy tay, cầm đồ vật dễ phát hiện có trong xe.

Kỹ sư Tạch đưa ra cách thứ 3 để trẻ có thể thoát hiểm đó chính là việc dù xe bị đóng kín, tài xế đã khóa xe thì khi ở trong xe vẫn hoàn toàn có thể mở được cửa sổ của xe để kêu cứu.

Bởi khi xe khóa, ở ngoài không mở được cửa xe nhưng bên trong hoàn toàn mở được cửa sổ.

Trước đó, vào khoảng 6h ngày 6/8, ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, trú Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Ford Transit BKS: 29B069.56 từ bãi xe của ký túc xá trường Học viện Báo chí và tuyên truyền đến đón bà Nguyễn Bích Quy (là nhân viên đưa đón học sinh của trường Tiểu học quốc tế Gateway) để đi đón học sinh đến trường học.

Xe ô tô do ông Phiến điều khiển đón tổng số 13 cháu học sinh, trong đó có đón cháu Lê Hoàng L. (tại địa chỉ tòa nhà Trung Yên Plaza, số 1 Trung Hòa, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Đến 15h30' cùng ngày, ông Phiến đi đến bãi xe điều khiển xe ô tô đến cổng trường Tiểu học quốc tế Gateway để đón các cháu học sinh.

Sau đó, khi bà Quy mở cửa xe ô tô thì phát hiện cháu L. đang nằm ngửa dưới sàn phía sau ghế lái nên hô hoán mọi người bế cháu vào trong phòng y tế của trường, sau đó đưa bé vào Bệnh viện E để cấp cứu.

Theo Hoàng Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên