MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ tích Quảng Nam

Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chỉ sau hơn 2 thập kỷ ”lột xác” thành một tỉnh công nghiệp dịch vụ, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Quảng Nam khẳng định.

Tầm nhìn lãnh đạo

Ngay sau chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam vẫn còn là tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo quá cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, lại liên tiếp bị thiên tai bão lũ tàn phá (1998,1999) gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển chung của tỉnh.

Không cam chịu ngồi nhìn khó khăn, những lãnh đạo Quảng Nam một thời như nguyên Bí thư tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) cùng nhân dân bắt đầu "cuộc chiến" mới trên miền đất khó khổ trầm luân của thiên tai.

Những người con kiên cường đất Quảng từ trong khó khổ đã bắt đầu ấp ủ khát vọng chuyển đổi 80% sản xuất nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ để khắc chế và chung sống bền vững với thiên tai.

"Để đạt được những thành tựu kinh tế đó, nếu không có sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam cũng như doanh nghiệp đồng cam cộng khổ suốt 20 năm qua khó có được mùa "quả ngọt" hôm nay" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tâm sự.

Để biến khát vọng thành hiện thực là những tháng năm không ngừng tìm kiếm giải pháp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhớ lại cái ngày mà ông còn là chuyên viên trong tổ giúp việc của Tỉnh ủy, UBND đã cùng lãnh đạo tỉnh tìm kiếm giải pháp làm thế nào để Quảng Nam không còn phải xin trợ cấp Trung ương, phải tự mình đứng dậy tiếp nối truyền thống đi tiên phong trong cách nghĩ, cách làm mới có thể thoát khỏi "vòng kim cô" trói buộc của đói nghèo.

"Để Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời từ 2003, nhiều năm trước đó lãnh đạo Quảng Nam đã kiên định không xin trợ cấp, mà chỉ xin Trung ương hỗ trợ bằng cơ chế chính sách. Sau nhiều năm kiên nhẫn, cuối cùng Trung ương cũng chấp thuận cho cơ chế đặc thù để Quảng Nam xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tiên vào năm 2003 với nhiều cơ chế khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ một thời gian ngắn khi

Khu kinh tế mở Chu Lai hình thành và đi vào hoạt động đã đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách cho Quảng Nam"-Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhớ lại.

bền gan, vượt khó

Không thỏa mãn với những thành quả từ Khu kinh tế mở Chu Lai, lãnh đạo Quảng Nam tập trung công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Lê Trí Thanh cho biết, từ khi chia tách tỉnh năm 1997 chỉ có mấy doanh nghiệp đếm trên đầu ngón tay, đến nay đã có trên 7.400 doanh nghiệp. Trong đó hàng loạt doanh nghiệp lớn đã tạo được thị trường vững chắc trong và ngoài nước, giải quyết hàng chục nghìn lao động địa phương, tạo nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng như Trường Hải, Bia VBL, Rieker...

Còn Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nói về kỳ tích Quảng Nam sau hơn 2 thập kỷ đã khẳng định: "Từ một trong các tỉnh nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã đứng vào top các tỉnh phát triển khá, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Diện mạo của tỉnh đã có bước thay đổi vượt bậc".

Để đạt được thành quả hôm nay, lãnh đạo qua các thời kỳ ở Quảng Nam đều xác định: Công nghiệp Quảng Nam đóng vai trò then chốt đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Bắt đầu từ khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tạo tiền đề cho công nghiệp Quảng Nam phát triển và sau đó là Khu Kinh tế mở Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước hình thành với nhiều cơ chế thu hút đầu tư hội tụ đầy đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Khu kinh tế mở Chu Lai và xây dựng nhà máy bây giờ trở thành một tổ hợp lắp ráp ô tô lớn của cả nước là Thaco Trường Hải Chu Lai.

Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương nhớ lại, năm 2003 Khu kinh tế mở Chu Lai mới chỉ là một vùng đất hoang hóa. Bằng tấm lòng và cơ chế thoáng mở mà chính quyền và người dân trao gửi, nên chỉ một năm sau nhà máy lắp ráp ô tô hình thành đi vào hoạt động để đến bây giờ, hơn 17 năm đã hình thành nên một tổ hợp sản xuất ô tô lớn của cả nước tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

Kỳ tích Quảng Nam - Ảnh 1.

Không chỉ tổ hợp sản xuất lắp ráp ô tô, một tổ hợp chế biến trái cây xuất khẩu đã và đang hình thành cùng với hệ thống cảng biển và giao thông được kết nối từ đường bộ, hàng không, đường biển, đường sắt tạo nên lực hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã và đang tạo nên một kỳ tích nơi miền đất một thời khó nghèo, bắt đầu đơm hoa kết trái, biến cái không thể thành có thể.

Một khu đô thị mới Nam Hội An đang được đầu tư xây dựng để tạo lực đẩy biến vùng hoang mạc ven biển thành một khu kinh tế mới không chỉ công nghiệp mà tập trung phát triển dịch vụ với nguồn vốn hơn 5 tỷ USD đang hình thành vóc dáng.

Đó là chưa kể dự án khí điện đã và đang biến thành hiện thực trong Khu kinh tế mở Chu Lai vừa mới ký kết với nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ với tổng nguồn vốn đầu tư 10 tỷ USD. Sân bay Chu Lai đang được xúc tiến đầu tư mở rộng trở thành sân bay trung chuyển Quốc tế với nhiều tỷ USD đang được ký kết.

Trả lời câu hỏi điều gì giúp Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chỉ sau hơn 2 thập kỷ "lột xác" thành một tỉnh công nghiệp dịch vụ, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Quảng Nam khẳng định: Đó là tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo và sự đồng tình nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam với doanh nghiệp và nhà đầu tư đã tạo nên những kỳ tích sau hơn 2 thập kỷ xây dựng một Quảng Nam đẹp giàu.

Theo Nguyễn Hoàng

DĐDN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên