MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cao: Đừng vội nhìn vào con số

28-03-2017 - 17:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi tiếp cận chứng chỉ tiền gửi, người dân và doanh nghiệp cần lưu ý rằng mức lãi suất họ công bố không phải cố định trong suốt thời gian huy động, mà chỉ là thời gian đầu, sau đó sẽ thả nổi. Ngoài ra, các chứng chỉ này cũng sẽ ràng buộc người ta bằng những quy định.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Năm 2017, NHNN định hướng điều hành lãi suất theo hướng ổn định như đã đạt được trong năm 2016 và vẫn đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ đề ra gồm lạm phát 4% và GDP tăng trưởng 6,7%.

Những ngày gần đây, làn sóng nâng lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức siêu lãi suất lên đến trên dưới 9%/năm đã làm tăng kỳ vọng về lãi suất huy động. Cùng lúc, một vài ngân hàng lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động khiến cho thị trường trở nên khó đoán định về xu hướng của lãi suất thời gian tới.

Liên quan câu hỏi mục đích của các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao như vậy là để làm gì, chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến "Đường đi lãi suất năm 2017" do Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Trang tin Tài chính kinh tế CafeF.vn chiều ngày 28/3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng chứng chỉ tiền gửi không phải là công cụ mới. Nó bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1994 với mục tiêu để các TCTD huy động vốn trung hạn để đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình. CCTG cũng cho phép lãi suất hết sức linh hoạt. Ví dụ hiện nay, các đơn vị phát hành cho phép lãi suất ban đầu, hay năm thứ 2 ở mức cố định, sau đó mới thả nổi. Chính vì thế, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn thì đây là một công cụ hữu hiệu.

TS. Lực lưu ý đối với khách hàng, người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận chứng chỉ tiền gửi rằng không nên nhầm tưởng lãi suất người ta công bố, ví dụ 8 – 8,8%/năm là cố định suốt thời gian huy động mà chỉ là trong thời gian đầu, sau đó các NH, Tổ chức tín dụng sẽ thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các Ngân hàng thương mại nhà nước lớn cộng với biên độ nào đó và người mua chứng chỉ cần biết rõ điều đó để không xảy ra tranh chấp với NH.

Hơn nữa, theo ông Lực, chứng chỉ tiền gửi cũng được trả lãi sau, trả lãi cuối kỳ có nghĩa là khác với việc trả lãi hàng tháng hay hàng quý. Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6% nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý.

TS. Nguyễn Đức Độ phân tích thêm rằng, lý do khiến các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi chủ yếu là do lệch kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn và tiền cho vay mang tính chất trung dài hạn.

"Hiện nay, các ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn, tuy nhiên cũng không phải là tất cả, người gửi tiền muốn kỳ hạn ngắn vì nhiều người gửi tiền chỉ muốn gửi ngắn hạn do sợ lãi suất tăng thêm hoặc để còn lướt sóng giữa VND, vàng, USD hay chứng khoán chuyển sang ... Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài." ông Độ nói.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Đức Độ cũng lưu ý rằng các chứng chỉ tiền gửi thông thường có đặc điểm là nó ràng buộc người gửi tiền với một kỳ hạn dài cố định, đóng đinh, chứ không cho phép người gửi rút tiền giữa chừng (hoặc được rút nhưng phải bị phạt). Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào các ngân hàng cũng phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền, tức là có sự đánh đổi giữa lãi suất và sự ổn định.

Tùng Lâm - Hoàng Anh - Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên