MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tăng mạnh trên thị trường trái phiếu

12-08-2018 - 08:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Trên thị trường trái phiếu, xu hướng tăng lãi suất ngày càng thể hiện rõ nét ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với diễn biến tỷ giá như vừa qua, việc sử dụng lãi suất, bao gồm cả thị trường 1 để bảo vệ tiền đồng là một khả năng không thể loại trừ.

Theo báo cáo tài chính tiền tệ của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán SSI, kể từ đầu quý 2/2018 tới nay, kỳ vọng lãi suất của thị trường bắt đầu tăng khiến KBNN gặp khó khăn trong phát hành TPCP. KBNN buộc phải nâng dần lãi suất để có thể huy động được trái phiếu. Tuy nhiên KBNN cũng chỉ ưu tiên huy động các kỳ hạn dài, bằng chứng là lãi suất các kỳ hạn 10 và 15 năm liên tục được đẩy tăng 2-3 điểm cơ bản (bps) mỗi phiên để thu hút nhà đầu tư, đây là 2 kỳ hạn có tỷ lệ trúng thầu cao nhất, tương ứng 70% và 50% tính từ tháng 4. 

Tính tới cuối tháng 7, lãi suất trúng thầu TPCP đã tăng khoảng 50bps so với mức đáy vào cuối tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2017. KBNN đã phát hành được tổng cộng 90.000 tỷ trái phiếu, tương đương 45% kế hoạch cả năm. Kỳ hạn bình quân đạt 12.86 năm, trong đó hai kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương ứng 36% và 28% tổng giá trị phát hành.

Nếu tính thêm 15.000 tỷ phát hành riêng lẻ cho BHXH, tổng giá trị phát hành 7 tháng đầu năm đạt 105.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 205.000 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017 (bao gồm 53.000 tỷ phát hành cho BHXH). Giá trị trái phiếu đáo hạn cũng giảm xuống 27.000 tỷ so với 81.000 tỷ trong 7 tháng đầu năm 2017, vì vậy khối lượng phát hành ròng giảm 46.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2017.

Trên thị trường thứ cấp, xu hướng tăng lãi suất đã xảy ra sớm hơn sơ cấp và đã tăng từ tháng 2. Trong giai đoạn đầu, lãi suất các kỳ hạn dài tăng trước khiến đường cong lãi suất dốc lên. 

Lãi suất các kỳ hạn ngắn 1 năm, 2 năm chỉ thực sự chạm đáy và bắt đầu tăng từ tháng 4 và đặc biệt tăng mạnh từ giữa tháng 7 do chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Chỉ trong 1 tháng, lãi suất 1 năm tăng tới +163bps và 2 năm tăng +140bps, đẩy lãi suất các kỳ hạn về gần bằng nhau khiến đường cong lãi suất thoải hơn.

Lãi suất trái phiếu tăng không trực tiếp tác động tới các thị trường khác, tuy nhiên do thị trường trái phiếu phản ánh kỳ vọng của các thành viên thị trường trong đó có các NHTM nên lãi suất trái phiếu tăng là một biểu hiện sớm của xu hướng lãi suất ngân hàng.

Lãi suất huy động thị trường 1 giữ xu hướng giảm từ đầu năm và chạm đáy vào cuối tháng 6. Lãi suất bắt đầu tăng trở lại nhưng mới quan sát thấy ở các kỳ hạn ngắn.

SSI Retail Research nhận xét, việc tăng trưởng tín dụng chậm lại và lạm phát được kiểm soát tốt là các nhân tố hỗ trợ để giữ lãi suất thị trường 1 không tăng quá cao. Tuy nhiên với diễn biến tỷ giá như vừa qua, việc sử dụng lãi suất, bao gồm cả thị trường 1 để bảo vệ tiền đồng là một khả năng không thể loại trừ.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên