MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm 2 công việc cùng lúc nhưng vẫn cân bằng được thời gian của mình: Bí kíp từ chuyên gia quản lý tài chính hàng đầu

21-01-2020 - 19:41 PM | Sống

Bạn cần làm thêm để cái thiện thu nhập, nhưng lại không còn thời gian để tận hưởng cuộc sống? Lắng nghe những chia sẻ từ một chuyên gia quản lý tài chính để học cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.

Mức sống tăng nhanh trong khi bậc lương lại thay đổi chậm chạp, ngày càng có nhiều người trẻ năng động tìm kiếm công việc làm thêm sau 8 tiếng hành chính mỗi ngày để cải thiện thu nhập. Thế nhưng, việc vừa phải hoàn thành công việc, vừa chăm sóc gia đình hay dành thời gian tận hưởng cho bản thân dường như là quá nhiều đối với quỹ thời gian 24 giờ một ngày.

Tình trạng mất cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân kéo dài khiến chúng ta rơi vào trạng thái kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến suy giảm năng suất lao động cũng như mắc phải các hội chứng căng thẳng thần kinh.

Làm thế nào để duy trì được một cuộc sống cân bằng lành mạnh là câu hỏi mà không ít người trăn trở. Marguerita Cheng, giám đốc của Blue Ocean Global Wealth - công ty quản lý tài chính uy tín tại Mỹ, chia sẻ một vài bí kíp để những người bận rộn có thể vượt qua áp lực về thời gian.

Đây là 4 gạch đầu dòng quan trọng giúp bạn vừa phát triển sự nghiệp thành công, vừa duy trì được một lối sống hạnh phúc:

1. Hãy đặt ra giới hạn thời gian cho công việc làm thêm

Làm 2 công việc cùng lúc nhưng vẫn cân bằng được thời gian của mình: Bí kíp từ chuyên gia quản lý tài chính hàng đầu - Ảnh 1.

Những công việc làm thêm đôi khi không chỉ phục vụ việc cải thiện thu nhập, mà đó có thể là một sở thích cá nhân hay một bước chuẩn bị cho dự án khởi nghiệp mà bạn đang ấp ủ. Tuy vậy, hãy luôn nhớ rằng công việc làm thêm, dù mang lại thu nhập, vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế được công việc chính của bạn. Đầu tư quá nhiều thời gian cho công việc làm thêm có thể khiến bạn chểnh mảng công việc chính - nguồn thu nhập lớn nhất bạn đang có, hoặc khiến bạn mất đi tự do cá nhân vì không thể tận hưởng thời gian rảnh rỗi của chính mình.

Do đó, hãy tự đặt ra giới hạn thời gian bạn dành để làm thêm mỗi tuần. Bạn có thể tính toán được lượng thời gian tối thiểu mình có thể dành ra, bằng cách trừ đi thời gian dành cho công việc chính thức, thời gian để sinh hoạt cá nhân một cách thoải mái và đừng quên cả thời gian nghỉ ngơi. Tham công tiếc việc chỉ khiến bạn mệt mỏi nhanh hơn và giảm hiệu suất làm việc một cách đáng kể. Thêm vào đó, việc quá tham lam làm thêm còn khiến bạn trở nên bị động và bị áp lực khi công việc chính đòi hỏi bạn tăng ca, hoặc khi cuộc sống cá nhân có những vấn đề đột xuất cần giải quyết.

Bạn sẽ là sếp của chính mình trong công việc làm thêm nên việc nắm lấy quyền tự chủ về thời gian là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, hãy học cách nói không với những dự án đòi hỏi bạn phải hy sinh quá nhiều thời gian cá nhân. Bạn có thể thấy hối tiếc khi phải từ bỏ một mối làm ăn bây giờ, nhưng bạn sẽ còn hối tiếc nhiều hơn trong tương lai khi nhận ra mình đã bỏ lỡ niềm vui trong cuộc sống chỉ vì quá đắm chìm trong công việc.

2. Hãy trả tiền để mua thêm thời gian cho mình

Làm 2 công việc cùng lúc nhưng vẫn cân bằng được thời gian của mình: Bí kíp từ chuyên gia quản lý tài chính hàng đầu - Ảnh 2.

Mặc dù thời gian quả thật vô giá, nhưng đôi lúc bạn hoàn toàn có thể trả tiền để tiết kiệm thời gian cho bản thân mình. Khi bạn có rất nhiều công việc cần làm, hãy ưu tiên những công việc đem lại thu nhập và cơ hội phát triển cho bản thân trước hết. Đừng ngại ngần giao phó những công việc lặt vặt cho người khác, như lau chùi nhà cửa hoặc sửa chữa đồ đạc.

Có những người cho rằng mình đang tiết kiệm tiền khi tự làm những việc đó, nhưng thực ra họ chỉ đang lãng phí quỹ thời gian hạn hẹp của mình. Số tiền bạn bỏ ra để thuê người khác là hoàn toàn xứng đáng khi so sánh với thu nhập và cơ hội phát triển bạn thu lại được, nếu bạn dành thời gian ấy để làm việc khác có ý nghĩa hơn. Đây chính là lúc bạn dùng tiền để mua thêm thời gian cho chính bản thân mình.

Một nghiên cứu từ các chuyên gia kinh tế ở đại học Harvard đã chỉ ra rằng, chi tiêu để tiết kiệm thời gian không chỉ đem lại hiệu quả công việc tốt hơn, mà còn khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn so với việc mua sắm vật chất thông thường.

3. Ngừng so sánh bản thân với người khác

Với sự phát triển của mạng xã hội, đây là thời đại dễ dàng nhất để chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống cá nhân của mọi người xung quanh, cũng là thời đại khiến con người ganh đua, so sánh lẫn nhau nhiều nhất. Lướt một vòng trên newsfeed, bạn sẽ thấy rất nhiều người gần như hoàn hảo khi có thể đảm đương nhiều cương vị một lúc, lại vẫn tận hưởng cuộc sống mỹ mãn và thảnh thơi.

Những hình ảnh này dễ khiến bạn tự so sánh và cảm thấy thua thiệt, chán nản khi không có được cuộc sống giống như họ. Điều này không chỉ làm lãng phí thời gian của bạn, mà về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực này sẽ tích tụ khiến bạn không được thỏa mãn với cuộc sống cá nhân.

Thế nhưng những gì bạn nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Bạn sẽ không bao giờ thật sự nhìn thấy những gì diễn ra phía sau những bức ảnh mà họ đăng tải, không bao giờ cảm nhận được những mặt tiêu cực trong cuộc sống của họ. Mỗi người đều khác nhau, vì vậy hãy dừng việc so sánh bản thân mình với người khác. Tập trung vào những mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong sự nghiệp hay cuộc sống và chỉ so sánh mình với chính bản thân bạn của ngày hôm qua.

4. Hãy tự tạo cho mình những khoảng không thư giãn

Làm 2 công việc cùng lúc nhưng vẫn cân bằng được thời gian của mình: Bí kíp từ chuyên gia quản lý tài chính hàng đầu - Ảnh 3.

Bạn không chỉ sống để làm việc, mà còn sống để tận hưởng nhiều điều tuyệt vời khác. Do đó, dù đam mê công việc, bạn cũng đừng quên dành ra những khoảng trống để nghỉ ngơi và thư giãn. Những khoảng thời gian cá nhân này giúp bạn phục hồi năng lượng, sự tập trung và rất có lợi cho việc tăng hiệu quả làm việc, thay vì cố gắng lao động liên tục không ngừng.

Bạn không nhất thiết phải trở về nhà, nằm ngả lưng trên giường thì mới có thể thả lỏng bản thân. Hãy tận dụng những khoảng nghỉ ngắn giữa các phiên làm việc và biến chúng thành thời gian thư giãn cho mình. Ví dụ, bạn có thể tận hưởng khoảng thời gian di chuyển từ nhà đến cơ quan để đọc sách hoặc xem tập phim bạn thích, nếu bạn sử dụng phương tiện công cộng. Hoặc dành thời gian nghỉ trưa để đi dạo bộ hay cho bản thân một giấc ngủ ngắn, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn hơn rất nhiều khi quay lại với công việc vào buổi chiều đấy.

Đồng thời, trong lịch trình mỗi ngày của mình, cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian cho chính bản thân, nơi mà bạn không bị làm phiền bởi các công việc hay nhiệm vụ nào cả. Đó là lúc để bạn chăm sóc bản thân, hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè. Coi những khoảng trống này là phần thưởng xứng đáng dành cho mình sau khi đã làm việc chăm chỉ cả một ngày dài nhé!

Với 4 bí kíp trên, cân bằng cuộc sống đã không còn là một mục tiêu xa vời. Cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cá nhân là yếu tố tiên quyết để đạt đến sự thỏa mãn và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.

Theo Minh Hiền

Trí thức trẻ

Trở lên trên