MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Làm gì có chuyện Chính phủ dùng ngân sách để trả nợ cho doanh nghiệp!”

22-09-2016 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Phản bác lại quan điểm dùng ngân sách xử lý nợ xấu là “lấy của người người nghèo chia cho người giàu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Nói vậy là hiểu sai vấn đề, làm gì có chuyện Chính phủ dùng ngân sách để trả nợ cho doanh nghiệp!"

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Theo tính toán sơ bộ của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ), nợ xấu của Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 7%-8% (tính cả nợ xấu đang nằm trong ngân hàng, ở VAMC và nợ tái cơ cấu theo Quyết định 780/QĐ- NHNN ). Vì vậy, xử lý nợ xấu lại đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế, bởi đây là nguyên nhân chính làm cho lãi suất khó giảm và tín dụng khó tăng ở thời điểm này.

Mới đây, nhận định về kiến nghị dùng Ngân sách xử lý nợ xấu, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế chia sẻ với báo chí rằng: Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là điều vô lý, bởi “Tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu”, con nợ là những đại gia sử dụng tiền nợ đi xe sang, ở nhà sang, ăn chơi chỗ sang.

Tuy nhiên, phản biện lại ý kiến trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng: “Đây là cách hiểu không đúng về việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Cách hiểu này đang là rào cản lớn để kiến nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu trở thành hiện thực”.

Theo đó, ông Hiếu phân tích: Nhiều người hiểu rằng Nhà nước dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu là nhà nước giải cứu doanh nghiệp, ngân hàng vì họ không trả được nợ nên Chính phủ trả nợ hộ. Cách hiểu này có phần khiên cưỡng và thiếu thực tế. Bởi không một chính phủ nào đi trả nợ thay cho con nợ của mình, trừ trường hợp đó là doanh nghiệp của chính phủ nợ ngân hàng.

Còn ở đây chúng ta đang nói tới trường hợp hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân nợ ngân hàng, thì sẽ không bao giờ có chuyện Chính phủ dùng ngân sách để trả số nợ đó.

Vậy nên hiểu thế nào là dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.

Chúng ta hãy nhìn ra trường hợp của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng ngành ngân hàng. Lúc đó, Chính phủ Mỹ đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào ngân hàng để xử lý nợ xấu. Kết quả là không những chính phủ thu lại được toàn bộ số tiền bơm vào ngân hàng, mà còn có lãi.

Ví dụ này nói lên rằng, đó là một cách để chính phủ đầu tư, kinh doanh, chứ không phải là “cứu” ai hay “lấy của ai chia cho ai” ở đây cả.

Với trường hợp cụ thể như ở Việt Nam, chúng ta có thể hình dung cụ thể như sau: Có một ngân hàng A cho doanh nghiệp B vay, sau đó doanh nghiệp B không trả được nợ nên mắc vào nợ xấu, phát sinh nợ xấu tại ngân hàng.

Khi số nợ xấu quá lớn, VAMC đã thương lượng với ngân hàng A để mua lại khoản nợ của doanh nghiệp B. Thương lượng này cụ thể là: VAMC mua nợ theo giá trị sổ sách, trừ khoản trích lập dự phòng và VAMC có quyền gom nợ lại, trả lại cho ngân hàng sau 5 năm nếu không xử lý được khoản nợ.

Tuy nhiên, với đề xuất “bơm” thêm ngân sách để xử lý nợ xấu như hiện nay, thì VAMC sẽ mua nợ với giá trị thực, bằng tiền mặt, trừ chiết khấu (chiết khấu có thể khoảng 60-90% giá trị sổ sách) và mua đứt bán đoạn. Ở đây là VAMC vay tiền chính phủ để mua số nợ chứ không phải là tiền vào mà không có tiền ra.

Về mặt pháp lý, dù VAMC mua với giá chiết khấu, nhưng doanh nghiệp hay con nợ sẽ vẫn có nghĩa vụ phải trả đủ 100% khoản nợ cho VAMC, dù VAMC chỉ mua nó với giá 50%, thậm chí là 10% giá trị khoản nợ trên sổ sách. Khoản nợ sẽ được chuyển từ ngân hàng sang cho VAMC. VAMC có quyền quyết định tiếp tục bơm tiền để “nuôi” con nợ đó cho nó phục hồi và trả nợ, hoặc thanh lý, bán cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư sẽ mua nợ xấu nếu nhìn thấy cái lợi mà nó mang lại ở giá trị tài sản đảm bảo. Chúng ta có thể lấy ví dụ: Tài sản đảm bảo được nhà đầu tư “nhìn thấy” với giá 70 đồng, nhưng VAMC đã mua vào với giá 50 đồng, bán ra với giá 60 đồng. Như vậy khi nhà đầu tư mua cũng sẽ được lời 10 đồng và VAMC cũng sẽ có lời 10 đồng.

Ví dụ trên cho thấy, Chính phủ không dùng ngân sách để cứu ai cả, bởi thay vì nợ ngân hàng, doanh nghiệp chuyển sang nợ VAMC. Chúng ta nên hiểu đơn giản là Chính phủ đầu tư và thực tế là khoản đầu tư đó là có lợi. Ngân sách có thể coi là khoản tiền ứng trước cho VAMC để VAMC kinh doanh và nó không mất đi đâu cả.

Bản thân số tiền đó không phải để cứu doanh nghiệp nào, mà nó được coi là món hàng để vừa xử lý được nợ xấu tại các ngân hàng, vừa mang lại lợi nhuận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, hiện nay VAMC vẫn mua nợ xấu của các ngân hàng bằng giá trị sổ sách chứ không phải giá trị thực so với tài sản đảm bảo. Và điều này cần phải thay đổi nếu quyết định dùng ngân sách đầu tư cho VAMC mua nợ xấu trong thời gian tiếp tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên