MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để du khách đến và trở lại ĐBSCL?

Hạn chế lớn của du lịch vùng ĐBSCL là việc trùng lắp, na ná về sản phẩm du lịch ở các địa phương khiến cạnh tranh giữa các điểm đến trong vùng ngày càng gay gắt, trong khi du khách không có nhiều sản phẩm hấp dẫn để trải nghiệm.

Dự án Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu vừa được các doanh nghiệp (DN) ký kết để triển khai gồm: Tập đoàn Novaland - The Boston Consulting Group (Tập đoàn tư vấn BCG) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được kỳ vọng sẽ có chiến lược kết nối, phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Dự án sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có của vùng, theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước.

Đánh giá về dự án phát triển du lịch này, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định trong quá trình hiện đại hóa đô thị, Cần Thơ kiên định với tầm nhìn phát triển là đô thị sông nước có chất lượng sống tốt, hài hòa giữa thành thị và nông thôn. Việc tham gia dự án phát triển ngành du lịch địa phương thích ứng biến đổi khí hậu lần này cũng nằm trong định hướng trên. "Cần Thơ sẽ phát triển du lịch theo hướng bền vững kết hợp được lợi thế của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tận dụng hiệu quả đặc trưng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái với vô số kênh rạch và các cù lao trên sông Hậu" - ông Thống nói.

Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành của Tập đoàn BCG tại Việt Nam, cho biết một khi dự án này được phát huy tốt nhất, ĐBSCL có thể là một viên đá quý của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới như đồng bằng sông Nile ở Ai Cập. Khi đó, khu vực này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế và đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên. ĐBSCL được kỳ vọng sẽ là điểm đến cho cả nước, khu vực và quốc tế, góp phần thay đổi cách nhìn về du lịch nơi đây.

Trên thực tế, ĐBSCL là vùng có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, trong đó nổi bật là tài nguyên du lịch sông nước, miệt vườn. Tính chất đặc thù của hệ thống tài nguyên du lịch vùng ĐBSCL cũng rất cao, là tiền đề quan trọng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch ở các địa phương trong vùng chưa được khai thác đúng tiềm năng, kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng, chất lượng dịch vụ, lượng khách đến còn thấp…

Anh Trần Huy Phước (32 tuổi, ngụ Tây Ninh), một người chuyên đi phượt, nhận xét anh đi qua các tỉnh, thành ĐBSCL, vào các vườn làm du lịch sinh thái thấy cách làm du lịch chưa ổn. Chỉ đơn giản như hái một trái mận, xoài… phải mất 50.000 đồng và nhà vệ sinh một số nơi làm du lịch rất tệ, chưa kể việc thu gom rác không được chú trọng. Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Du lịch Vinh Sang (tỉnh Vĩnh Long), phân tích nếu muốn kéo du khách đến không chỉ một mà nhiều lần, ngoài sản phẩm du lịch riêng, độc, lạ, phải có chất lượng và giá thành ổn định. "Còn nếu bắt chước cách làm du lịch của một nơi nào đó thì khách chỉ đến một lần rồi chán. Chúng tôi vừa mở tour "mò cua bắt ốc", đây là tour mới toanh ở miền Tây nên được nhiều đoàn đưa khách đến vui chơi" - ông Giang chia sẻ.

Làm gì để du khách đến và trở lại ĐBSCL? - Ảnh 1.

Du khách thích thú với tour mò cua, bắt ốc tại Khu Du lịch Vinh Sang. Ảnh: CA LINH

Tại một hội thảo về du lịch tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhìn nhận có sự na ná nhau về sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL như nơi nào tới cũng đờn ca tài tử, ẩm thực... Sự tương đồng giữa các địa phương tạo nên hình ảnh chung của vùng nên giống nhau là đương nhiên. Nhưng để có sản phẩm du lịch khác nhau giữa các địa phương lại là câu chuyện của những người làm du lịch, DN trong việc đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm.

Chẳng hạn, ĐBSCL có tài nguyên chung của các địa phương là sông nước nhưng nhiều địa phương chỉ làm cái dễ nhất là khai thác du lịch sông nước, chưa khai thác đặc thù riêng để có sản phẩm độc đáo. Việc trùng lắp sản phẩm do các địa phương chưa thực sự phát triển trên cơ sở thế mạnh riêng, đặc thù của mình khiến cạnh tranh giữa các cơ sở dịch vụ, các điểm đến trong vùng ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho du khách.

Ngoài ra, theo Tổng cục Du lịch, nhìn một cách tổng thể và so sánh với các vùng khác trong cả nước, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quảng bá xúc tiến du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến du lịch còn eo hẹp.

. Ông TRỊNH NGUYỄN HÙNG DŨNG, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Niên Kỷ:

Phải có chính sách mời gọi rõ ràng

Khách quốc tế đến miền Tây rất thích thú trải nghiệm trên sông nước, nên cần giảm việc di chuyển bằng đường bộ. Hiện nhiều DN đã khai thác nhưng chưa như mong muốn vì điều kiện cầu tàu, tĩnh không cầu ở khu vực này thấp. Sản phẩm nghèo nàn do các địa phương chưa có quy hoạch bài bản mà chủ yếu là tự phát, tận dụng vườn của nông dân chứ không phải làm miệt vườn phục vụ du lịch. Như điểm đến Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 20 năm nay du khách đi về trong ngày sản phẩm gần như không có sự cải tiến, thay đổi.

Theo tôi, nếu có chính sách mời gọi đầu tư của các tỉnh rõ ràng, có hành lang pháp lý và tính cam kết của địa phương thì DN sẵn sàng đầu tư vào sản phẩm du lịch bởi triển vọng thu hút khách trong nước, quốc tế là rất lớn.

. Ông NGUYỄN ĐỨC ĐẢM, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang:

Liên kết với địa phương khác

Để phát triển du lịch của vùng ĐBSCL thì phải liên kết với TP HCM. Như ở Tiền Giang, mỗi năm khoảng 1,8 triệu khách du lịch tới, trong đó khoảng 80% từ thị trường TP HCM và khoảng 750.000 khách quốc tế phần lớn cũng đến từ TP HCM. Do đó, yêu cầu liên kết là bắt buộc.

Để phát triển sản phẩm du lịch, việc đưa khách xuống các tỉnh miền Tây phải có sự đầu tư các sản phẩm riêng biệt, đặc trưng. Hiện nay không chỉ du lịch sinh thái mà còn du lịch khám phá văn hóa cần được quan tâm trong thời gian tới.

Chẳng hạn, với Tiền Giang, vừa qua chúng tôi đưa vào một điểm đến khá hấp dẫn là Làng cổ Đông Hòa Hiệp, được công nhận Di tích cấp quốc gia và một đơn vị của Nhật ủng hộ để bảo tồn nên thu hút du khách. Phần lớn khách quốc tế đến đây đều ở qua đêm để trải nghiệm, với khá nhiều resort nổi tiếng. Chúng tôi đang nghiên cứu các chính sách mới để hỗ trợ phát triển du lịch.

. Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:

Kết nối, phân chia dòng sản phẩm để tránh cạnh tranh

Thế mạnh của ĐBSCL là sông nước nhưng bản chất của sông nước là phải gắn với tập tục sinh hoạt của người dân, qua đó truyền tải giá trị văn hóa khác, trong đó có ẩm thực và phải làm sao cho du khách cảm nhận được điều đó. Trong khi các sản phẩm du lịch của miền Tây hiện nay chỉ mới ở dạng "lướt" trên mặt chứ chưa đi sâu, du khách chưa cảm nhận được thật sự.

ĐBSCL phải xác định được đâu là nguồn khách chính và sản phẩm thật sự của mình để thu hút du khách. Quan điểm của Vietravel khi làm việc với các địa phương ở miền Tây là cố gắng tập trung vào các sản phẩm gắn với đời sống sinh hoạt, phong tục của người dân, tạo cảm xúc cho khách. Bản thân các tỉnh phải có sự kết nối và phân chia dòng sản phẩm chứ không phải nơi nào cũng sông nước, vườn cây ăn trái… vô tình sẽ triệt tiêu nội lực của vùng. Văn hóa từng vùng sẽ tạo sự khác biệt nhưng lâu nay nhiều địa phương mới chỉ dựa vào cảnh quan để cạnh tranh.

. Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Lửa Việt Tours:

Nâng chất sản phẩm du lịch

Tôi thấy nhiều địa phương ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều nỗ lực muốn làm du lịch bật lên. Và quan trọng nhất là yếu tố con người, lãnh đạo ở các địa phương phải dành thời gian, đầu tư vào du lịch. Sắp tới, chúng tôi sẽ có một tour mới đến rừng dược liệu ở Long An và đưa vào khái niệm mới là "tắm rừng".

Một khó khăn của ngành du lịch ĐBSCL là loay hoay tìm kiếm sản phẩm mới, hấp dẫn thật sự để kéo khách. Phải nâng chất thật sự cho các sản phẩm du lịch, để du khách khi đến một điểm sẽ thấy hấp dẫn mà đi tiếp chứ không phải chỉ cần đến một lần, một điểm.

Theo CÔNG TUẤN - CA LINH - THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên