MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để gia tăng niềm tin của người dân với ngân hàng?

01-03-2018 - 15:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Những vụ việc tiền trong tài khoản "không cánh mà bay" trong mấy năm trở lại đây đang ảnh hưởng ít nhiều tới niềm tin của khách hàng khi gửi tiền ở nơi vốn được xem là chỗ cất tiền an toàn bậc nhất.

Tiền gửi tại ngân hàng, đặc biệt là tiền gửi từ dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và với cả nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong số 7 triệu tỷ tiền gửi bao gồm của người dân và doanh nghiệp cùng các định chế tài chính khác (tại thời điểm cuối năm 2017) thì huy động vốn từ dân cư chiếm khoảng 60%. Rõ ràng, đây là một khối lượng tiền "khủng" giúp ngân hàng có lượng tiền ổn định để đảm bảo cho vay, cũng là nguồn tiền không thể thiếu của bất kỳ nền kinh tế nào.

Sở dĩ có được nguồn tiền lớn đó là vì ngân hàng xưa nay vẫn hay được xem là chỗ giữ tiền an toàn bậc nhất, đồng thời còn đem lại khoản lãi chắc chắn định kỳ cho người gửi tiền. 

Tuy nhiên gần đây xảy ra một số vụ tiền gửi của khách hàng bị mất, mà mới nhất là hơn 300 tỷ ở Eximbank, khiến cho người dân ít nhiều bị xao động.

Trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến "Làm sao để gửi tiền ở ngân hàng được an toàn" do báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Cafef tổ chức chiều ngày 27/2, ông Lê Nguyên Khang, trưởng phòng an toàn thông tin của VCCorp cho rằng, hoạt động ngân hàng về cơ bản là rất an toàn, không ai dễ gì lấy được tiền của ngân hàng. 

Còn vấn đề khiến cho niềm tin của người dân bị ảnh hưởng ít nhiều qua các vụ mất tiền thời gian qua (dù không nhiều vụ mất) chính là lỗi xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt qua mạng xã hội, chưa được tốt của các ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, đôi khi sự việc không quá lớn nhưng không biết cách xử lý khiến cho sự việc bùng phát. Do đó các TCTD cần quan tâm hơn tới việc xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt liên quan về mặt xã hội, một cách bài bản hơn.

Ông Lực cho rằng khi phát hiện sự cố thì cả 2 bên ngân hàng và khách hàng nên ngồi lại làm việc một cách thiện chí với nhau. TCTD cần có phát ngôn, phát biểu rõ ràng, nhất quán với những gì mình đã cam kết với khách hàng và khách hàng cũng không được vì đó mà lợi dụng. Các sự cố không nên để kéo dài hàng năm, cần giải quyết nhanh hơn để giữ lại niềm tin của khách hàng. 

Tiến sĩ Đặng Anh Tuấn, Viện phó Viện Tài chính ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế quốc dân lại chia sẻ rằng, cá nhân ông cảm thấy hoạt động ngân hàng đang khá bài bản, chặt chẽ và ông không mất niềm tin vào ngân hàng. 

Song ông cũng thừa nhận rằng, các sự kiện vừa xảy ra chủ yếu ảnh hưởng tới uy tín một số ngân hàng cụ thể và những vụ việc này đều liên quan tới những khách hàng VIP, công ty lớn. Còn đối với đại bộ phận dân chúng với những khoản tiền nhỏ như vài trăm triệu, một vài tỷ đổ lại sẽ vẫn rất an toàn nếu gửi tiền cẩn thận, không ký khống, giao dịch đúng quy trình, quy định. 

Để gia tăng niềm tin với ngân hàng và bảo toàn tốt hơn tài sản của bản thân mình, ông Tuấn lưu ý, người gửi tiền nên cảnh giác với những lời mời gửi lãi suất cao bất thường vì đi kèm đó là rủi ro cao và khó biết trước.

TS. Tuấn cũng kiến nghị rằng hệ thống ngân hàng cần gia tăng dân trí tài chính, nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính cũng như các quy định, quy trình để họ được tự tin và an tâm hơn khi giao dịch với các ngân hàng.

Luật sư Chu Mạnh Cường thì cho rằng để có thêm niềm tin cho người dân vào ngân hàng, các ngân hàng nên công khai và ban hành các quy trình giao dịch. Cụ thể, thay vì khi khách hàng đến giao dịch chỉ biết nhân viên đưa gì thì ký đó, thì ngân hàng nên có những quy định rõ ràng, niêm yết trên bảng biểu ở chỗ dễ nhìn dễ đọc nhất, để trước khi vào bàn làm việc, khách hàng có thể đọc để biết trước các văn bản, chữ ký và nội dung liên quan cần lưu ý khi giao dịch. Có như vậy, người dân mới cảm thấy yên tâm hơn khi gửi gắm tài sản của mình ở ngân hàng.


Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên