MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để giảm chi tiêu công, tránh lãng phí?

Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng máy bay thương mại thay vì chuyên cơ khi đi công cán nước ngoài là một hình ảnh đẹp. Sự kiện này còn mang đến thông điệp: Muốn tiết giảm chi tiêu công thì bên cạnh những chiến lược vĩ mô thì mỗi cán bộ cho tới người đứng đầu Chính phủ cũng cần có những thay đổi từ những việc cụ thể, đóng góp vào nỗ lực giảm gánh nặng lên ngân sách.

Qua sự kiện này, chúng tôi đã thực hiện trao đổi với một số chuyên gia, cũng như ghi nhận các ý kiến đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận ngày hôm qua (31.10).

Đánh giá của các ông về hành động của Thủ tướng khi từ chối chuyên cơ để dùng máy bay thương mại khi đi công tác. Cụ thể là chuyến công cán tại Thái Lan vừa qua?

- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):

Tôi rất hoan nghênh việc này. Thủ tướng đã bớt sử dụng chuyên cơ đi công tác để giảm lãng phí, điều đó không những giảm lãng phí mà nhân dân nhìn vào cũng rất hoan nghênh. Điều này cũng khiến khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân trở nên gần gũi, hòa đồng hơn. Nhiều lãnh đạo ở các quốc gia khác cũng từng làm như vậy, cũng đi bộ, đi xe đạp, cũng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy vậy, cũng đặt ra yêu cầu là những ngành dịch vụ công phải làm sao để đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo cao cấp, điều này cũng có nghĩa là đảm bảo tốt hơn, an toàn cho nhân dân.

- TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Hành động này của Thủ tướng là thể hiện nói đi đôi với làm. Trước đây, các bộ, ban, ngành cũng hô hào tiết kiệm nhưng chỉ là chung chung. Việc Thủ tướng đi máy bay thương mại mang ý nghĩa thông điệp là ông ấy nói được thì sẽ làm được và là tấm gương cho các cấp Trung ương, địa phương, bộ, ban, ngành phải tự suy nghĩ. Mà hơn thế, hành động của Thủ tướng thể hiện việc làm tiết kiệm không cần đao to búa lớn mà chỉ cần bắt đầu từ việc nhỏ nhất đến việc lớn”.

- Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội):

Trước hết, tôi thấy việc làm của Thủ tướng đúng là một tấm gương cho tất cả cán bộ công chức của chúng ta noi theo học tập.

Người đứng đầu của Chính phủ làm gương cho tất cả mọi người thì tất cả mọi cán bộ, công chức cũng sẽ tiết kiệm. Các cụ mình cũng dặn, “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè, hà tiện”, cho nên là nếu chúng ta chú trọng đến tiết kiệm sẽ giúp nền kinh tế, xã hội phát triển, giảm nợ công, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Khi đó, mục tiêu về xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ sớm thành công.

Việc Thủ tướng khi mới nhậm chức đã không mua xe mới mà vẫn dùng xe cũ đến việc đi máy bay thương mại là thể hiện trách nhiệm, đạo đức, tầm nhìn xa của người đứng đầu Chính phủ.

Tôi không những ủng hộ bằng lời nói mà còn bằng việc làm cụ thể là tôi cũng không nhận xe ôtô công khi về làm việc ở Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công như xe công, nhà công vụ thời gian qua. Vậy, cần có những giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này?

- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):

Việc lãng phí là do chưa tách bạch rõ chi phí từ nguồn ngân sách, nên một số tài sản công lại được sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ngược lại, cũng có một số người phải sử dụng một phần lương của mình để trang trải cho công việc.

Do đó, để giải quyết cơ bản chi phí cho các cá nhân là cán bộ công chức thì phải giải quyết đồng bộ với cơ cấu tiền lương, thu nhập cho hợp lý. Khi đã giải quyết được “phần gốc” này thì sẽ trả lời được những câu hỏi, như cán bộ đi làm bằng phương tiện gì, điện thoại sử dụng thế nào, nhà ở dành cho cá nhân hay cho cả gia đình v.v...

Có những quốc gia chi trả tất cả vào lương thì khi anh đi thuê nhà như thế nào đó là việc của anh. Trong cơ cấu tiền lương đã tính đến tất cả các chi phí đó rồi. Giải quyết được vấn đề tiền lương trên cơ sở như vậy thì mới hợp lý. Chứ bây giờ lương 10 triệu mà khoán chi phí đến mấy chục triệu, gấp mấy lần lương thì rõ ràng khó giải thích, nhân dân nghe cũng không thể nào chấp nhận được.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nghĩa cho biết: Không nên tách chi phí công ra khỏi lương. Theo ông Nghĩa, có thể thí điểm trước ở một số trường hợp, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có giải pháp tổng thể, đi từ vấn đề thu nhập, tiền lương của cán bộ, công chức.

- TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Từ những việc làm cụ thể, Thủ tướng đều thể hiện quan điểm là Chính phủ kiến tạo, liêm khiết. Đó là việc tốt. Việc đi máy bay thương mại sẽ tiết kiệm được số tiền rất nhiều. Tôi nghĩ thời gian tới nên khuyến khích các bộ trưởng, thứ trưởng nên đi máy bay hạng vé economy để tiết kiệm chi phí. Thậm chí các trợ lý của bộ trưởng, thứ trưởng đi theo cùng đoàn cũng nên đi vé hạng economy thôi. Tôi từng đi công tác ở New Zealand, Phần Lan… và thấy nền hành chính của họ minh bạch, công khai và tiết kiệm, các công sở từ cấp bộ trở xuống không đi xe ôtô riêng, chỉ đi xe ôtô dịch vụ. Chỉ có Thủ tướng và vài vị lãnh đạo cao cấp có xe riêng.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Hiện quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao, vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra.

- TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tôi đưa ra mấy giải pháp thế này: Thứ nhất, việc đi máy bay thương mại của Thủ tướng chỉ có tính nêu gương, việc làm nhỏ mà ý nghĩa lớn. Người dân đang trông chờ vào việc lớn hơn liên quan đến lợi ích quốc gia, từ đó chúng ta cần triển khai tiết kiệm ở nhiều lĩnh vực lớn khác để mang lợi ích quốc gia lớn hơn.

Thứ hai, qua việc làm này ta thấy tính tự giác là tốt nhưng chúng ta cần hoàn chỉnh cơ chế, kỷ cương. Ví dụ, căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn và chế tài cụ thể để xử lý vi phạm. Việc làm tốt dù nhỏ, mình cũng phải tuyên truyền, nhưng bên cạnh đó, các vi phạm dù nhỏ cũng phải xử lý nghiêm để làm gương, đặc biệt là các vụ việc lớn liên quan lợi ích quốc gia.

Thứ ba, việc đi máy bay thương mại của Thủ tướng không chỉ giải quyết chi phí, đầu tư công, tiết kiệm thời gian, chi phí nguyên liệu mà nên rộng rãi trên các lĩnh vực thì tác dụng lớn hơn. Thêm vào đó, cần tạo đội ngũ cán bộ từ dưới lên trên thống nhất về suy nghĩ, hành động, quản lý và xử lý được ăn khớp, nhịp nhàng để biến hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của Thủ tướng được nhân rộng ý nghĩa tiết kiệm ở mọi lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy đất nước, để chính sách tiết kiệm thực sự tạo nên phát triển biền vững.

Theo Lan Hương - Xuân Hải

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên