MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì khi vị trí của bạn bị đe dọa bởi nhân viên mới: Lo lắng, ghen tị không giải quyết được vấn đề, cư xử khéo léo để bảo vệ sự nghiệp mới là khôn ngoan

12-04-2019 - 11:27 AM | Sống

Đừng vì lo lắng không đâu mà giở trò “ma cũ bắt nạt ma mới”. Người cao tay, thay vì sợ hãi, ghen tị với người mới sẽ có những động thái vô cùng thông minh để cùng phát triển.

Đông chưa chắc đã vui. Khi có người mới gia nhập team, thông thường người trong cuộc sẽ có những suy nghĩ khá tiêu cực. Bạn đã bao giờ lo lắng trước viễn cảnh lính mới sẽ thế chỗ bạn? Hay liệu CV toàn kinh nghiệm làm việc khủng kia có làm bạn ghen tị? Người mới làm bạn bất an nhiều hơn bạn nghĩ.

Có 2 cách giúp bạn kiềm chế những cảm xúc tiêu cực nói trên. Cách thứ nhất, tránh mặt nhân viên mới hoàn toàn, đây chắc chắn không phải là một ý hay. Cách thứ hai, khả thi hơn, thiết lập chiến lược cụ thể nhằm điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực. Nếu bạn vẫn chưa biết mình cần phải làm gì nếu rơi vào trường hợp này thì dưới đây là một số bí quyết vô cùng hiệu quả giúp bạn hòa nhập với đồng nghiệp mới nhanh chóng:

Hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại có những suy nghĩ tiêu cực đến vậy?”

Làm gì khi vị trí của bạn bị đe dọa bởi nhân viên mới: Lo lắng, ghen tị không giải quyết được vấn đề, cư xử khéo léo để bảo vệ sự nghiệp mới là khôn ngoan - Ảnh 1.

Jane Scudder, một nhà tư vấn lãnh đạo có tiếng, không lấy làm lạ với những câu hỏi xoay quanh những vấn đề phát sinh liên quan tới sự xuất hiện của người mới ở nơi làm việc. Đáp lại nỗi lo của khách hàng mình, bà chỉ đơn giản hỏi lại một câu: “Những lo lắng đó có là vì điều gì vậy?”.

Giữa những lo âu bộn bề, giữa những cạnh tranh không hồi kết, hãy thử dừng lại một chút và nhìn vào toàn cảnh bức tranh mà bạn là một phần trong đó. Trả lời câu hỏi trên, có thể bạn sẽ nhận ra sự khó chịu mình dành cho người mới bắt nguồn từ nỗi lo tuổi tác, những cơ hội đã vô tình bị bỏ lỡ hay việc chưa nỗ lực hết sức.

Trả lời câu hỏi trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mong muốn của mình bởi theo Scudder, đôi khi cảm giác bất an trước sự xuất hiện của nhân viên mới chỉ là vỏ bọc cho sự sợ hãi của chúng ta, cho những gì chúng ta không thể với tới.

Phân tích tình hình theo mô hình SCARF

Làm gì khi vị trí của bạn bị đe dọa bởi nhân viên mới: Lo lắng, ghen tị không giải quyết được vấn đề, cư xử khéo léo để bảo vệ sự nghiệp mới là khôn ngoan - Ảnh 2.

Mô hình SCARF lần đầu được giới thiệu bởi David Rock, một nhà lãnh đạo có tiếng. Phân tích từng tiêu chí theo mô hình này sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về những nỗi lo còn mơ hồ của mình.

- Status – Vị trí: Bạn sợ rằng mình sẽ không còn là trợ thủ đắc lực của sếp? Nếu có thì hãy tự hỏi vì sao việc này có khả năng xảy ra. Nếu bạn lo lắng về vấn đề này, tốt hơn hết hãy chủ động làm mới kỹ năng của mình. Củng cố vị trí và đóng góp cho công ty bằng cách nhận trách nhiệm training cho nhân viên mới cũng là một biện pháp hữu hiệu.

- Certainty – Sự chắc chắn: Bị thay thế có lẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mỗi người. Đừng để nó trở thành sự thực. Thay vào đó, hãy nhanh tay hành động bằng việc tìm hiểu xem công ty mình đang thực sự thiếu thứ gì. Thảo luận cùng sếp về các vấn đề tồn đọng và tìm giải pháp xử lý chúng. Dù nhỏ hay lớn, hãy nhiệt tình với bất kỳ trọng trách nào được giao bởi chúng sẽ giúp bạn khẳng định năng lực và ghi dấu ấn tại công ty.

- Autonomy – Tự quản: Trước đây, có thể bạn là người ưa làm việc độc lập nhưng trong tình thế này, bạn đang phụ thuộc vào người khác. Vì thế, hãy điều chỉnh thói quen làm việc sao cho phù hợp. Chuyển lợi ích cá nhân thành lợi ích nhóm. Hãy hình dung một hướng đi mang lại lợi ích cho cá nhân bạn và cho cả tập thể.

- Relatedness – Tương tác: Kể cả khi đã quen thân với những đồng nghiệp mới, cũng đừng quên xử sự đúng cách với những mối quan hệ lâu năm trong công ty. Đừng đánh mất những đồng nghiệp hiện tại. Song song với việc tạo mối quan hệ mới, hãy tìm cách vun đắp những mối quan hệ sẵn có.

- Fairness – Công bằng: Đôi khi sự khó chịu với người mới không bắt nguồn từ con người, tính cách của họ mà từ cách họ được đối xử. Bạn thấy cậu nhân viên mới đến có góc làm việc xịn hơn, được mọi người để ý hơn mỗi khi đi làm. Liệu việc này thực sự có nghĩa lý gì không? Có thay đổi được thực tế gì không? Nỗi bất an của bạn không xuất phát từ đồng nghiệp mới mà bắt nguồn từ chính cách suy nghĩ của bạn.

Bỏ máy tính xuống, giao tiếp nhiều hơn

Làm gì khi vị trí của bạn bị đe dọa bởi nhân viên mới: Lo lắng, ghen tị không giải quyết được vấn đề, cư xử khéo léo để bảo vệ sự nghiệp mới là khôn ngoan - Ảnh 3.

Bí kíp này được bật mí bởi Carlota Zimmerman, một nhà tư vấn chiến lược xuất chúng. Zimmerman chỉ ra rằng bạn và cả người nhân viên mới, đều đang hoạt động trong một tổ chức chuyên nghiệp – không phải là một sân chơi. Càng bộc lộ rõ rệt sự thù địch, bạn sẽ chỉ chuốc lấy những ánh nhìn không mấy tốt đẹp từ đồng nghiệp mà thôi.

Đừng vội cho rằng người mới xuất hiện là để hủy hoại sự nghiệp của bạn. Thay vào đó hãy dần làm quen và tìm hiểu họ. Hãy vượt qua nỗi bất an mơ hồ của bạn.

“Chào đón người mới thật nồng hậu theo cách bạn từng được đón nhận. Ngày qua ngày, đối xử tốt với người mới sẽ giúp bạn củng cố vị thế của mình trong công ty: một người tốt bụng, chuyên nghiệp, có công lớn trong việc giúp nhân viên mới hòa nhập và trở thành một phần không thể thiếu trong team. Bạn sẽ tạo nên sự khác biệt so với những người chỉ biết đố kỵ, phàn nàn và chẳng làm được việc gì giúp ích. Bạn muốn trở thành ai, cũng tùy bạn thôi. Nhưng hãy chọn cho đúng”, Zimmerman chia sẻ.

Minh Ngọc

BI

Trở lên trên