MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Làm luật' ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang

21-11-2019 - 10:08 AM | Xã hội

Muốn đưa hàng hóa qua biên giới, mỗi chuyến xe, chủ hàng phải “làm luật” hàng triệu đồng cho lực lượng hải quan. Chuyện này đã và đang diễn ra tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên). Hình ảnh Tiền Phong có được cho thấy, cán bộ hải quan tại đây nhận tiền nhiều đến mức phải dùng đến máy đếm tiền.

Luật ngầm: Mỗi xe 5 - 12 triệu đồng

Thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị và phương tiện chở khách, hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bản Ka Hâu, xã Nà Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thông thương sang cửa khẩu Pang Hok (còn gọi là cửa khẩu Sop Hun ở huyện May tỉnh Phongsaly, CHDCND Lào) phải dùng tiền bôi trơn để được lực lượng chức năng cửa khẩu “nới lỏng” giám sát, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa. Do phải chung chi quá nhiều, buôn bán thua lỗ, các tiểu thương đã đứng ra tố cáo.

Làm luật ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Ảnh 1.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên). Ảnh: Long Vân

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù cửa khẩu Tây Trang nằm ở vị trí chưa phải là thuận lợi, cộng với hệ thống giao thông từ Điện Biên đến cửa khẩu bị xuống cấp, hư hỏng khiến việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Thế nhưng, hơn một năm qua, lượng hàng hóa (nông sản, vật liệu xây dựng…) ùn ùn đổ về đây. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng đến xế chiều, các xe tải hạng nặng, container rầm rập nối đuôi nhau, bụi bay mù mịt, vượt đèo, dốc đưa hàng lên.

Ở đây, để thông quan hàng hóa rất đơn giản, mỗi phương tiện vận tải phải chấp nhận “luật ngầm” do những cán bộ lực lượng liên ngành tại cửa khẩu đặt ra. Muốn đưa hàng thông quan, chủ hàng chỉ cần gặp lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang sẽ được “mách nước”. Gạo là một trong những mặt hàng có điều kiện để xuất khẩu chặt chẽ theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP về Kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải được cấp phép với các điều kiện về kho bãi, cơ sở xay xát đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhưng ở cửa khẩu Tây Trang, tiểu thương được tạo điều kiện, dễ dàng “mượn” danh một doanh nghiệp để xuất khẩu mặt hàng này qua biên giới.

Theo đó, mỗi tháng những người này chỉ cần làm hai tờ khai thông quan, mỗi tờ khai chỉ phải nộp thuế cho khoảng 100 tấn hàng. Tuy nhiên phải đáp ứng luật ngầm: Mỗi chuyến xe phải nộp 5 - 12 triệu đồng.

Chỉ cần đáp ứng khoản tiền đó, hàng ngày, hàng tháng tiểu thương muốn xuất bao nhiêu xe, số lượng bao nhiêu cũng được. Số tiền này sẽ đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan tên Huyền (sau này được xác nhận là ông Phan Văn Huyền, cán bộ làm thuế tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang - PV).

Cận cảnh nhận tiền bằng máy

Theo phản ánh của tiểu thương và tài liệu của PV thu thập được, có nhiều xe nhập hàng sang Lào nhưng lại không có tờ khai hải quan từ phía Việt Nam. Thông thường, chủ hàng có tờ khai khoảng 100 tấn nhưng được sử dụng nhiều lần với số hàng xuất đi gấp nhiều lần so với tờ khai đó. Cụ thể, một tờ khai dùng được nửa tháng và đến ngày cuối cùng của ngày thứ 15 mới làm thủ tục thông quan và tiếp tục làm tờ khai khác.

Tài liệu phóng viên có được cho thấy, suốt thời gian từ tháng 7 -10/2019  nhiều xe tải, container có giấy xác nhận nhập khẩu hàng hóa để chở vào Lào đã được thông quan tại cửa khẩu Pang Hok (tỉnh Phongsaly) nhưng lại không có thông tin xuất hàng của hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Vậy làm cách nào xe có thể thông quan trót lọt? Theo tố cáo của tiểu thương và tài liệu, video có được cho thấy, để thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tiểu thương chỉ cần gặp gỡ lãnh đạo của Chi cục hải quan, mọi việc sẽ suôn sẻ. Ngoài những hướng dẫn của ông Nguyễn Minh, Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang, chủ hàng cần tìm gặp ông Hùng (Vũ Nguyên Hùng, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang - PV) để được chỉ dẫn.

Khi đã bắt được liên lạc với ông Minh và ông Hùng, tiểu thương chỉ cần “đánh” hàng lên cửa khẩu và đến gặp ông Phan Văn Huyền, cán bộ làm thuế tại chi cục “trình bày”. Tiểu thương phải thật quen biết mới vào được phòng làm việc của ông Huyền.

Làm luật ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Ảnh 2.

Hình ảnh ông Huyền nhận tiền luật (ảnh cắt từ clip)

Tại phòng riêng, trên bàn của ông Huyền (nằm ở tầng 2 nhà điều hành của cửa khẩu) được bố trí một máy đếm tiền. Một đoạn clip có nội dung: Chủ hàng nói: “Cháu có một xe hôm nay và 5 xe lên sau, cháu nộp luôn 6 xe”. Ông Huyền nói: “Đóng cửa vào (cửa phòng làm việc của ông Huyền - PV), xe nào? Xe đâu? Có đúng có 1 xe không? Rồi OK”.

Hình ảnh tiếp theo trong clip cho thấy, sau khi trao đổi, ông Huyền nhận tiền, đưa vào máy đếm đi đếm lại; rồi ông lấy dây buộc lại. Ông Huyền vừa trở về chỗ ngồi, một người khác chạy vào đưa tiền và nói thầm. Ông Huyền vừa nói chuyện, đưa tay nhận rồi đút lên túi áo. Cứ thế, sau khi nộp tiền, xe chở gạo được đi ngay. Tất cả quy trình nhận tiền của ông Huyền như trên đều không lập hóa đơn chứng từ.

Lãnh đạo chi cục hải quan nói gì?

Ông Nguyễn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang cho biết, đối với mặt hàng gạo, muốn xuất khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ, không phải nộp thuế, mà chỉ mất tiền phí tờ khai là 20.000 đồng. Theo quy định, mỗi chuyến hàng qua cửa khẩu phải có tờ khai và có thời gian trong 15 ngày.

Ông Minh khẳng định, cửa khẩu quốc tế Tây Trang có đặc thù là bãi sang tải nằm sau barie của cửa khẩu nhưng mọi chuyến hàng đều phải làm thủ tục mới được thông quan. Tuy nhiên, khi phóng viên gửi thông tin một số chuyến xe tải có dấu hiệu xuất khống, sau một thời gian, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang xác nhận: Có những xe mà phóng viên nêu có hình ảnh xe đi qua cửa khẩu, nhưng không có hàng hóa khai báo trên hệ thống dữ liệu (?!).

Các đơn thư tố cáo và tài liệu phóng viên có được, ngoài hải quan, tiểu thương còn phải đóng tiền bôi trơn cho Bộ đội Biên phòng. Trong một đoạn clip, một tiểu thương muốn đưa xe thông quan đã gặp một cán bộ trực ban của Biên phòng của khẩu Tây Trang tên Thắng, người này nói: "xe này 2 triệu" rồi dẫn chủ hàng lên phòng làm việc... Thượng úy Lê Tuyền Quang, Phó trạm trưởng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tây Trang xác nhận, người tên Thắng là Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng phụ trách trực ban tại cửa khẩu. Còn việc xác minh có nhận tiền của chủ hàng hay không, ông Quang đề nghị phóng viên liên lạc với Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên.


Theo PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên