MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn

05-06-2018 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Câu châm ngôn mà tôi thường xuyên chia sẻ với các CBNV Techcombank là "muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì phải đi cùng nhau".

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đang tạo nên một hiệu ứng cực mạnh trong ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán. Ngày 4/6/2018 đánh dấu mốc lịch sử của nhà băng này bằng việc đưa hơn 1,16 tỷ cổ phiếu TCB lên sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE). Với giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phiếu, Techcombank ghi nhận vốn hoá 6,5 tỷ USD (tương đương khoảng 149.000 tỷ đồng) - là ngân hàng có vốn hoá cao thứ 2 trên thị trường chứng khoán, sau Vietcombank.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh

Để có được ngày hôm nay, các cổ đông nhà băng này đã phải cùng nhau đồng cam cộng khổ suốt 7 năm liên tiếp, khi ban lãnh đạo ngân hàng quyết tâm không chia cổ tức mà giữ lại để đầu tư. Dù có không ít cổ đông không hài lòng, nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn kiên trì giải thích, kiên trì động viên để cổ đông tin vào một tương lai tươi sáng - khi tất cả những người góp vốn dù lớn hay nhỏ sẽ cùng "hưởng trái ngọt". Và với sự kiên trì ấy, với sự nỗ lực không ngừng của Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên, cổ đông của ngân hàng đã được đền đáp xứng đáng với sự kiện chào sàn giá trị cao và rồi nhận liền một lúc 200% cổ phiếu thưởng sau khoảng 1 tháng niêm yết.

Trong lĩnh vực tài chính, Techcombank ghi đậm dấu ấn khi là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng theo chiều thẳng đứng từ năm 2015 tới nay, mà riêng năm 2016 và 2017 ghi nhận 2 năm lợi nhuận liên tiếp tăng trưởng gấp đôi. Từ một ngân hàng năm 2014 chỉ là tầm trung lọt vào nhóm  G12, Techcombank nay đã vươn lên hàng đầu về doanh thu cũng như khả năng sinh lời.

Đạt được tất cả những điều ấy ở tuổi hai mươi lăm - lứa tuổi sung sức nhất, viên mãn nhất của một con người trưởng thành- Techcombank đang trên đà đi lên một cách rõ rệt. Thế nhưng, trong giai đoạn này, hẳn sẽ có lo ngại về những cản trở hay "tự mãn" có thể xảy đến để rồi ngân hàng bị rớt khỏi quỹ đạo phát triển? Xoay quanh câu chuyện của nhà băng này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi cùng vị Tổng giám đốc của Techcombank(TCB) - ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 2.

PV: Xin ông cho biết cơ sở nào mà ngân hàng lại định giá tới 128.000 đồng/cổ phiếu? Với P/E và P/B đang ở mức cao nhất so với nhiều nhà băng trong nước thì nhà đầu tư có kỳ vọng gì để sẵn sàng bỏ tiền mua cổ phiếu ở giá "chát" như vậy?

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh: Cần phải nói ngay rằng, mức giá cổ phiếu không phải do Techcombank tự đưa ra mà là do các quỹ đầu tư trên thế giới định giá và đặt mua. Giá cổ phiếu là dựa trên mức độ cung cầu, dựa vào giá trị của ngân hàng hiện có cũng như triển vọng trong tương lai.

Khi các nhà đầu tư vào làm việc với Techcombank, họ không chỉ so sánh với các ngân hàng trong nước mà còn so với khu vực, và thấy rằng chúng tôi đã xây dựng nền tảng và đạt được những thành công vượt trội trong mấy năm qua. Họ đặt mua cổ phiếu Techcombank là kỳ vọng trong vòng 5 – 10 năm tới, giá trị của ngân hàng sẽ không phải tăng vài chục phần trăm, mà là tăng gấp đôi, gấp ba lần.

Các nhà đầu tư cũng xem xét rất kỹ dựa trên báo cáo tài chính ngân hàng cung cấp 3 năm qua. Họ theo dõi chiến lược của ngân hàng, dịch vụ của ngân hàng.  Xa hơn nữa, họ so sánh chiến lược của Techcombank với triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh đó, họ đưa ra giá mua thể hiện được giá trị của Techcombank dựa trên khả năng sinh lời (P/E) cũng như giá trị so với vốn chủ sở hữu (P/B).

Nếu ai đó nói cổ phiếu Techcombank lên sàn là đắt thì xin thưa rằng cổ phiếu của chúng tôi không đắt. Vì sau khi lên sàn Techcombank sẽ chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:2, tức là từ hơn 1 tỷ cổ phiếu lên hơn 3 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Với giá trị cổ phiếu như vậy chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành, rõ ràng mức giá từng cổ phiếu có vẻ khá hợp lý.  

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 3.

Vừa qua Techcombank có hai đợt bán cổ phiếu quỹ và hai đợt này cách nhau không lâu, xin hỏi ông vì sao lại có sự chênh lệch giá rộng đến như vậy, từ mức 91.000 đồng đợt 1 và 128.000 trong đợt 2?

Đợt 1 quỹ đầu tư Warburg Pincus mua cổ phiếu Techcombank là trên cơ sở họ định giá kinh doanh và báo cáo tài chính tại thời điểm cuối quý 3/2017. Hai bên đã thỏa thuận xong trước Tết Nguyên Đán.  Đến tháng 3 năm nay mới xong thủ tục. Rồi trong quá trình chờ đợi thủ tục thì giá trị của ngân hàng ngày càng tăng, vốn chủ sở hữu cũng tăng lên. Do đó, giá cổ phiếu đã tăng cao hơn trong đợt bán thứ 2 cho các nhà đầu tư khác, diễn ra sau báo cáo tài chính của Quý I/2018.

Thị trường đang có những diễn biến đảo chiều khi cổ phiếu ngân hàng đã giảm trên 30% kể từ thời điểm ngày 9/4 - ngày mà Ngân hàng chọn để tính toán giá niêm yết. Ông có cho rằng đây là sự phản ứng thái quá của thị trường hay không? Các ông có lo ngại làn sóng bán cổ phiếu sẽ xảy ra sau khi lên sàn không và đã tính toán gì với các kịch bản biến động của giá cổ phiếu chưa?

Mỗi nhà đầu tư mua cổ phiếu đều ấn định đó là mua giá trị của công ty. Khi các quỹ đầu tư định giá Techcombank, họ không dựa theo giá cổ phiếu trên thị trường trong tháng 4, mà dựa theo khả năng sinh lời của ngân hàng trong nhiều năm sau. Từ cuối tháng 4 tới nay bản chất và khả năng sinh lời của Techcombank tuyệt không thay đổi.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 4 tháng 6, các quỹ đầu tư quốc tế mới thực sự làm chủ cổ phiếu TCB và bắt đầu được giao dịch trên sàn. Họ không phải là các nhà đầu tư đại chúng trong nước, nên không bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán khi mới lên sàn. Họ không có áp lực thoát lỗ hay nhu cầu bán ngay để thu lời, vì kỳ vọng vào khả năng sinh lời cao của Techcombank trong những năm kế tiếp...

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 4.

Một thông tin tôi muốn chia sẻ thêm rằng, khi làm việc với hơn 150 nhà đầu tư nước ngoài, họ rất hài lòng với khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu độ chừng 20% mỗi năm hiện nay của Techcombank. Không nhiều các ngân hàng, trong nước lẫn trên thế giới, có thể làm được.

Và bạn cũng biết đấy, giá trị của cổ phiếu không nằm ở việc chia cổ tức mà nằm trong giá trị tổng thể của ngân hàng. Khi không chia cổ tức, số tiền lời ngày càng tăng, sức mạnh ngân hàng ngày càng tăng, qua đó giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh hơn mức tăng cổ tức. Chẳng hạn ở ngân hàng chúng tôi khoảng 3 năm trở lại đây, giá cổ phiếu TCB đã tăng gần 10 lần, vậy nếu chia cổ tức trong 3 năm qua phải chia bao nhiêu lần mới được bằng như vậy?

Còn câu hỏi phải chăng thị trường đã phản ứng thái quá khi nhiều cổ phiếu ngân hàng sụt mạnh thời gian qua, thì tôi không biết có phải là phản ứng thái quá hay không?! Thị trường điều chỉnh là có lý do và chúng ta cần nhìn từ nhiều góc cạnh. Trên thế giới, thị trường chứng khoán của nhiều nước còn điều chỉnh mạnh hơn Việt Nam. Nếu chỉ nhìn vào mỗi tháng 5 năm nay thì thị trường chúng ta đúng là đã điều chỉnh lớn. Nhưng nếu nhìn giãn ra, so khoảng 2 năm trở lại đây, thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh hơn thế giới.

Ông nói nhiều đến nhà đầu tư ngoại, vậy xin hỏi room cho nhà đầu tư các ông khóa ở mức 22,5% liệu có làm giảm sức hấp dẫn với họ hay không?

Khi các nhà đầu tư ngoại – nhiều quỹ đầu tư quản lý hơn cả ngàn tỷ USD – rót vốn vào Techcombank, họ đã tin chắc ngân hàng sẽ phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Họ kỳ vọng nhanh hơn 1-2 lần so với thị trường chung.

Hiện các nhà đầu tư này định giá Techcombank ở dải giá từ 6,2 tỷ đến 7 tỷ USD. Nhưng ngân hàng chọn mức giá trị 6,5 tỷ USD để lên sàn, có nghĩa vẫn để một biên độ lớn cho tiềm năng phát triển trong thời gian tới đây so với con số 7 tỷ USD. Như vậy, ngân hàng đã tính mức độ dao động trên thị trường chứng khoán và giữ mức giá vừa phải nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng xấu ngay trong mấy tháng đầu. 

Còn room khoảng 7,5% chưa dùng hết, chúng tôi giữ lại cho những năm sau để nếu cần huy động vốn thì sẽ sử dụng.  

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 5.

Trong số các công ty con, Techcombank Securities (TCBS) là công ty làm ăn thịnh vượng nhất khi đóng góp tới 10% lợi nhuận cho ngân hàng. Xin hỏi ông thời gian tới công ty này có cơ sở nào để tiếp tục tăng trưởng không, việc phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu có là bền vững?

TCBS là công ty trực thuộc của Techcombank, là một trong phần tử phục vụ các doanh nghiệp lớn một cách hiệu quả nhất. Hiện TCBS đang dẫn đầu thị trường tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng sản phẩm đầu tư cho khách hàng cá nhân có thu nhập cao.

Về phát triển trái phiếu ở TCBS, chúng tôi xác định đây là phương châm lâu dài. Vì với một nền kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó thì thị trường chứng khoán các công ty chỉ lớn gấp 2-3 lần thị trường trái phiếu như ở Mỹ và Châu Âu. Ở Việt Nam hiện nay thì thị trường trái phiếu chỉ bằng 1/10 so với thị trường cổ phần, tức là tiềm năng còn rất lớn.

Chúng tôi nhận thấy, mức độ minh bạch về báo cáo tài chính của các công ty Việt Nam hiện còn chưa đủ. Do đó, TCBS đang tiếp cận và làm việc với nhiều công ty để giúp họ có được báo cáo tài chính tốt nhất, minh bạch nhất, hướng huy động vốn dài hạn qua thị trường trái phiếu để tiếp cận được nguồn vốn rẻ và các điều khoản linh hoạt hơn là vay vốn ngân hàng.  Đây là phương thức chúng tôi giúp các doanh nghiệp lớn giảm thiểu chi phí tài chính và thành công hơn.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 6.

Ngoài làm ngân hàng thuần túy ra, Techcombank có đầu tư nhiều vào bất động sản và chứng khoán không thưa ông?

Techcombank không đầu tư bất động sản. Đây là điều đặc biệt, và là khác biệt của chúng tôi, Techcombank chỉ đầu tư duy nhất vào ngân hàng. Các khoản vay liên quan đến bất động sản bản chất là ngân hàng chỉ giúp khách hàng là các công ty xây dựng làm được việc của họ- đó là cung cấp nhà cho người dân ở.

Về chứng khoán, mấy năm trước Techcombank có đầu tư vào Vietnam Airlines theo thoả thuận hỗ trợ khi Tổng công ty hàng không Việt Nam lên sàn. Sau khi mãn thời hạn cam kết, ngân hàng cũng đã thoái vốn để tập trung tài sản vào kinh doanh ngân hàng. Techcombank cũng có công ty tài chính TechcomFinance nhưng đã bán xong trong quý 1 năm nay vì ngân hàng không chủ trương đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hoặc cho vay dưới chuẩn vì chúng tôi không có xây dựng hệ thống ngân hàng quản lý thất thoát từ rủi ro của các khoản vay nhỏ.

Trong tín dụng, Techcombank cho vay kinh doanh bất động sản khá nhiều, lớn nhất trong các nhóm ngành. Vậy khi Chính phủ siết cho vay bất động sản thì ngân hàng bị ảnh hưởng ra sao thưa ông?

Chúng tôi có phương án cho vay an toàn và phân tán rủi ro tốt nhất, với mục tiêu mà ngân hàng hướng đến là giúp người dân mua được nhà để ở.

Nguyên tắc kinh doanh của Techcombank là thực hiện chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, bao gồm từ đầu vào là nhà đầu tư, các công ty xây dựng (công ty thép, vật liệu…), các sàn bất động sản cho đến đầu cuối là người dân mua nhà để ở. Gom tất cả lại tạo thành một vòng chuỗi giá trị khép kín. Cả chuỗi này (từ khi bắt đầu thi công dự án bất động sản cho đến giao nhà) kéo dài khoảng 18 – 24 tháng - tức là rất ngắn.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 7.

Mặc dù hạch toán là cho vay kinh doanh bất động sản và chung quanh quỹ đạo đầu tư bất động sản, nhưng trong tổng thể tín dụng thì khoản vay này chỉ chiếm khoảng mười mấy phần trăm (12% tại thời điểm quý 1 –PV). Hơn nữa, nếu dành tất cả các khoản đó để cho vay một vài đối tượng nhà đầu tư thì đúng là rất lớn, nhưng chúng tôi thực hiện cho vay cả chuỗi giá trị thì độ rủi ro được phân tán đi và giảm rất nhiều. Techcombank không đưa trọn gói tiền cho nhà đầu tư tự quyết định, mà chẻ nhỏ ra các phân đoạn để giữ được quan hệ với các nhà đầu tư, các công ty xây dựng, cung cấp vật liệu để giữ được tiến độ xây dựng. Và chính bởi cách làm như vậy nên sự siết chặt chính sách của Chính phủ sẽ không ảnh hưởng nghịch tới hoạt động của ngân hàng. Ngược lại, sẽ có ảnh hưởng tích cực với cách làm của chúng tôi hiện nay.

Năm ngoái và năm nay Techcombank đều có khoản thu đột biến: trong đó năm 2017 ghi nhận gần 1.500 tỷ đồng từ hợp tác với bảo hiểm Manulife, hơn 350 tỷ đồng lãi từ bán cổ phần Vietnam Airlines, rồi quý 1 năm nay là gần 900 tỷ từ bán công ty tài chính. Vậy thời gian tới nếu không có các khoản thu tương tự thì Techcombank làm thế nào để đảm bảo được các mức tăng trưởng rất tham vọng, dù tỷ trọng tín dụng vẫn mục tiêu ở mức 60% tổng tài sản thưa ông?

Chúng tôi không dùng tiền thoái vốn, bán công ty con để ghi nhận vào lợi nhuận, mà dùng để xử lý nợ xấu. Bạn hãy nhìn vào phần thoái vốn, bán cổ phần của năm vừa rồi và so với số mua lại nợ xấu VAMC và nợ ngoại bảng, rõ ràng là vừa đủ xóa hết. Chúng tôi quan điểm rằng, trong kinh doanh, cơ hội có thể đến bất cứ khi nào, nhưng nếu nợ xấu tồn tại từ quá khứ cứ đè ngân hàng mãi, và không xử lý quyết liệt cho xong thì không thể thực hiện mục tiêu chiến lược và bứt tốc.

Khi nợ xấu đã được xử lý xong hết, những tồn đọng trong quá khứ không còn thì lợi nhuận hiển nhiên sẽ tăng nhanh. Vì vậy, câu hỏi đó tôi xin được điều chỉnh lại là: "Khi không còn phải dành tiền để xử lý nợ xấu, thì Techcombank sẽ bứt tốc tăng trưởng ở mức cao bao nhiêu?"

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 8.

Và câu trả lời là…?

Riêng năm nay, chúng tôi tin chắc mức lợi nhuận 8.000 tỷ đồng sau thuế đề ra sẽ đạt được. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạnh những mảng đang có lợi thế là khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cao cấp, đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ...Năm 2019, chúng tôi cũng có kế hoạch lãi ròng trên 11.400 tỷ đồng, tăng trưởng trên 43% so với 2018.

Nhưng xu hướng hiện nay các ngân hàng cũng đang làm như Techcombank, mà trong kinh tế thị trường nhiều nhà cung cấp thì lợi nhuận sẽ giảm đi, vậy các ông có tính toán gì riêng cho mình để đạt mục tiêu?

Cạnh tranh luôn mang đến lợi ích lớn nhất cho khách hàng, vì thế trong kinh doanh lúc nào cũng cần có sự cạnh tranh lành mạnh. Như thị trường ô tô, Mercedes họ đã dẫn đầu ngành xe hơi cả trăm năm nay. Ai cũng muốn làm tốt hơn để vượt qua Mercedes nhưng chưa được, và giá của dòng xe này vẫn cứ cao nhất trên thị trường.

Do đó, câu chuyện là chúng tôi không lo ngại sự cạnh tranh. Nếu cứ nỗ lực hết sức của mình, ít nhất phải nỗ lực bằng hoặc cao hơn các ngân hàng bạn thì sẽ giữ được vị thế dẫn đầu. Người ta chỉ sợ cạnh tranh khi hệ thống không có nguồn lực hoặc khả năng phát triển. Còn chúng tôi thì luôn nỗ lực cải tiến để nâng tầm tổ chức và tăng giá trị cho khách hàng. Từ mức độ hài lòng của khách hàng thì mình mới khẳng định được vị thế dẫn đầu.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 9.

Ông đã chia sẻ về hoạt động kinh doanh với những khác biệt và niềm tin rất lớn, điều này cho thấy ở Techcombank dường như có một văn hoá cũng rất khác biệt?

Câu châm ngôn mà tôi thường xuyên chia sẻ với các CBNV Techcombank là "muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì phải đi cùng nhau". Tinh thần đồng đội là điểm nổi bật của Techcombank và là 1 trong 5 giá trị cốt lõi của ngân hàng. Không ai nghĩ đến việc chỉ tạo dựng thành công cho riêng mình, vì chỉ khi ngân hàng thành công thì từng cá nhân mới thành công. Giống như trận bóng, nếu ai cũng chỉ chăm chăm muốn ghi bàn và toàn đội vẫn thua thì số bàn ghi chẳng còn ý nghĩa. Chẳng ai muốn ghi nhiều bàn ở một đội thua cả. Quan trọng là chiến thắng chung cuộc của toàn đội. Ở Techcombank chúng tôi cũng vậy, ai cũng hiểu công việc của mình và làm hết sức vì thành công chung.

Techcombank đang bảo trợ cho giải Techcombank Marathon Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh và Techcombank Ironman 70.3 tại Đà Nẵng, những sự kiện thể thao này truyền tải rất rõ thông điệp văn hoá cốt lõi của chúng tôI, đó là: "Kiên Định -Vượt Trội -Bứt Phá". Chỉ khi chúng ta kiên định và nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân, luôn giữ vững tinh thần đồng đội để tiến lên phía trước thì mới có thành công lâu dài. Kiên định để "cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày".

Trong công việc cũng vậy, chúng tôi không tập trung vào các con số chỉ tiêu đặt ra mà tập trung vào làm việc một cách tốt nhất. Để đáp ứng khách hàng tốt nhất, có được dịch vụ tốt nhất, để khách hàng gắn bó lâu hơn, từ đó đem lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho ngân hàng, và như thế mới có kết quả vượt trội, bứt phá.

Làm ngân hàng cũng giống như đá bóng, chiến thắng toàn đội mới quan trọng chứ không phải là một cầu thủ ghi nhiều bàn - Ảnh 10.

Văn hoá như vậy, nhưng để thực hiện được thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Vậy các ông đang có những chính sách gì để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, những hành động cụ thể ra sao để người lao động có thể hết mình với ngân hàng?

Chúng tôi đi lùng khắp thế giới để kiếm tìm người tài. Nhiều người vẫn nói vui rằng, Techcombank giống như Liên hiệp quốc thu nhỏ nơi có đại diện người lao động, trong đó có nhiều chất xám đến từ khắp nơi trên toàn cầu: từ Pháp, Úc, Mỹ, Singapore, Ấn Độ…Ngay trong Ban lãnh đạo cấp cao cũng có tới 4 nhân sự là Việt Kiều.

Về chính sách, với những Việt kiều hoặc người nước ngoài khi được Techcombank mời về, chúng tôi phải đảm bảo khi họ làm việc, cống hiến cho ngân hàng, họ sẽ vẫn có mức sống ổn định như tại thị trường bản địa, đảm bảo được mức độ tăng trưởng và thăng tiến trong đời sống chuyên gia cho họ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi ưu ái người nước ngoài hơn, mà phúc lợi sẽ là bình đẳng dựa trên đóng góp chất xám và giá trị đóng góp của từng người cho tổ chức.

Còn chính sách với nhân sự chung thì nếu nhìn vào doanh thu của ngân hàng sẽ thấy, với mức tăng doanh thu ~30% mỗi năm, chúng tôi chỉ ghi nhận vào lợi nhuận thuần tăng ~20%, còn ~10% là để tăng chi trả lương cho cán bộ và đầu tư vào hệ thống. Với nền kinh tế tăng trưởng 6- 7%/năm hiện nay và lạm phát quanh mức 5%, có nghĩa là mỗi năm chúng tôi đều chi trả cho nhân viên, chi phí đào tạo nhiều hơn mức độ tăng của thị trường. Hiện mức thu nhập của CBNV Techcombank cũng đang dẫn đầu thị trường. Với chính sách này, chúng tôi tin rằng mình hút được người tài để cùng chúng tôi đồng hành chinh phục các đỉnh cao mới.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên