MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để thoát nỗi ám ảnh nợ nần?

16-11-2017 - 21:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Có bao giờ bạn lo lắng, hồi hộp về các khoản nợ của mình? Bạn thường xuyên mất ngủ, tim đập mạnh, thậm chí rơi vào trạng thái stress? Điều đó hoàn toàn bình thường. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, vấn đề tài chính là một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra căng thẳng hàng đầu.

Sử dụng thẻ tín dụng, vay trả góp, hoặc các hình thức vay tiêu dùng khác là lựa chọn thông minh để trang trải cuộc sống. Nhưng nếu không kiểm soát tốt các khoản nợ này thì bạn mãi luẩn quẩn trong vòng xoay nợ nần. Dưới đây là 3 cách giúp bạn cắt giảm các khoản nợ xuống dần và quản lý chúng một cách hiệu quả nhất:

1. Tìm cách giảm lãi suất vay

Nếu bạn đang có nhiều khoản vay, hãy thống kê tất cả các khoản nợ này bao gồm thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe… Hãy so sánh lãi suất các khoản vay, bạn sẽ thấy những món vay tín chấp thường có lãi suất cao hơn các món vay có tài sản thế chấp. Bên cạnh việc tích cực trả dần các khoản nợ đến hạn, bạn cần chuyển dần các khoản nợ tín chấp sang thế chấp để hưởng lãi suất thấp hơn. Điều này có nghĩa là bạn cần tăng hạn mức của khoản vay thế chấp để trả hết các khoản nợ tín chấp, nhất là các khoản nợ thẻ tín dụng có lãi suất và các loại phí cao. Việc làm này cũng giúp bạn dễ dàng kiểm soát thời hạn thanh toán khi quy các khoản vay về một mối.

Hiện nay, nhiều ngân hàng cho phép sử dụng thẻ tín dụng để mua trả góp với lãi suất 0% tại các trang website thương mại điện tử, các trung tâm điện máy. Quả là tin vui đối với những tín đồ thích mua sắm bằng thẻ tín dụng. Thay vì dùng tiền mặt để mua những món đồ giá trị cao như xe máy, smartphone, tủ lạnh, máy giặt…bạn sẽ dùng số tiền ấy để trả nợ thẻ tín dụng, sau đó dùng thẻ tín dụng mua những mặt hàng này và thông báo với ngân hàng về việc bạn tham gia vào chương trình trả góp 0% lãi suất. Ngân hàng sẽ lên lịch trả góp cho bạn, hàng tháng. Thay vì thanh toán số tiền tối thiếu 5% trên dư nợ thẻ tín dụng thì giờ đây bạn sẽ thanh toán theo phân kỳ trả góp đã thỏa thuận với ngân hàng.

Bằng cách này, tuy số tiền hàng tháng bạn trả cao hơn nhưng bạn đã chuyển từ lãi suất cao sang lãi suất 0%, như vậy sẽ nhanh chóng tất toán được khoản nợ. Ngay cả bạn không có tiền mặt để nộp vào thẻ tín dụng thì có thể thỏa thuận với bạn bè hoặc người thân trước khi mua hàng: hãy đưa tiền mặt cho bạn và sử dụng thẻ tín dụng của bạn thanh toán để được hưởng mức lãi suất ưu đãi như trình bày ở trên.

2. Tranh thủ trả nợ sớm và tất toán ngay khi có thể

Đối với thẻ tín dụng, bạn sẽ có 15 ngày để thanh toán số tiền tối thiểu sau khi ngân hàng lập thông báo giao dịch. Bạn đừng đợi đến ngày cuối mới thanh toán mà nên tranh thủ thanh toán sau 1-2 ngày kể từ khi nhận được thông báo nhằm làm giảm dư nợ thẻ càng sớm càng tốt, theo đó lãi của tháng sau cũng sẽ giảm được một chút. Điều này cũng giúp bạn tránh bị phạt trễ hạn nếu lỡ quên hoặc gặp trục trặc trong khâu thanh toán vào ngày đến hạn.

Khi có một món tiền kha khá vào dịp lễ tết hoặc tiền thưởng cuối năm, đừng nên tiêu xài lãng phí mã hãy nghĩ đến món nợ cần phải trả trước. Bạn muốn ưu tiên tất toán khoản vay còn ít dư nợ, hay thanh toán một phần cho khoản vay đang có lãi suất cao là tùy thuộc vào sự tính toán của bạn. Dù chọn cách thanh toán món nào trước cũng là điều đáng khích lệ, bạn sẽ có động lực tiến lên phía trước.

3. Kiếm thêm tiền để thanh toán nợ

Bạn muốn trả nhanh cho hết nợ nhưng điểm mấu chốt là bạn sẽ cần thêm tiền trong ngân sách. Muốn vậy, bạn cần kiếm thêm một công việc phụ để tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Dù khả năng hoặc thời gian của bạn có giới hạn, nhưng với suy nghĩ sáng tạo, bạn sẽ tìm ra cơ hội phù hợp để kiếm thêm tiền vào những lúc rãnh rỗi. Sau đó đưa dòng tiền mới này vào ngân sách trả nợ, bạn sẽ thấy ngay thành quả lao động của mình.

Kiểm soát nợ là một động thái khôn ngoan nhưng bạn không cần phải thực hiện tất cả các hành động cùng một lúc. Bắt thoát khỏi nợ nần là một cuộc đua marathon, không phải là một cuộc đua nước rút. Chỉ cần bắt đầu với một chiến lược và thực hiện từng bước một. Những thay đổi nhỏ nhưng đều đặn sẽ giúp bạn lấy đà đẩy nhanh tiến độ trả nợ xuống mức thấp hơn.

Bình Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên