MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới?

02-11-2017 - 15:47 PM | Thị trường

Việt Nam sản xuất nhiều gạo có “số má” nhưng chất lượng gạo vẫn không được đánh giá cao. Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại Học Nam Cần Thơ, đã chia sẻ 7 bước, mà theo ông có thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt trên thế giới.

GS.TS. Võ Tòng Xuân
GS.TS. Võ Tòng Xuân
Chuyên gia nông nghiệp
14 bài viết

Tại Diễn đàn Mekong Connect hồi cuối tháng 10, Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra con số rằng hiện 70% người Việt sống bằng nông nghiệp nhưng mạnh ai nấy lo, an toàn thực phẩm đang là vấn đề lo ngại. Trừ một số ít đang chuyển hướng cải tiến, phần lớn xuất khẩu nông sản chất lượng thấp vào thị trường giá trị thấp, nhất là mặt hàng gạo VN

Nhiều công ty/doanh nghiệp đầu tư cho logo nhưng chưa đầu tư xây dựng thương hiệu của sản phẩm, nhất là mặt hàng gạo, đến nay vẫn chưa có thương hiệu mạnh. Theo giáo sư, phần lớn doanh nghiệp không có chiến lược duy trì/bảo vệ thương hiệu (truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu) và chưa thực hiện “Bảo vệ thương hiệu là duy trì lòng tin của khách hàng.”

Ông nhận định thị trường gạo thế giới ngày càng cạnh tranh. Một công ty, một tỉnh, một quốc gia cần tìm cách làm cho gạo của mình nổi bật lên để cạnh tranh để được mục tiêu kinh doanh.


Giáo sư Võ Tòng Xuân (giữa). Ảnh: Tiếp Thị Thế Giới

Giáo sư Võ Tòng Xuân (giữa). Ảnh: Tiếp Thị Thế Giới

Thị trường Gạo của Việt Nam hiện nay là châu Âu (gạo thơm hạt dài), Bắc Mỹ (gạo thơm và gạo trắng hạt dài), Trung Quốc (gạo Japonica và gạo trắng hạt dài, gạo nếp). Ngoài ra các thị trường khác như Philippines, Indonesia, HongKong, châu Phi… cũng đang là điểm đến của gạo Việt.

Hiện trạng gạo Việt hiện nay

Hầu hết các công ty kinh doanh lương thực không tạo lập vùng nguyên liệu hoặc liên kết với nông dân. Nông dân bán cho thương lái là chính, rất khó truy xuất nguồn gốc và chưa đảm bảo sạch vết thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng đạm. Gạo xuất sang Mỹ bị trả về do lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.

7 bước xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Thứ nhất, xác định doanh nghiệp có tầm và thật tâm với lúa gạo. Đó là những doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng và thực tâm với lúa gạo. Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty sẽ được huấn luyện về quản lý nhà máy xay xát, chế biến gạo cao cấp cho dân trong nước và xuất khẩu. Và doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa với HTX.

Thứ hai, phân tích cạnh tranh – xác định đối thủ để biết vị trí so với đối thủ nhằm xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu.

Thứ ba, chọn giống lúa có gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chất lượng phải theo thị hiếu của nhóm khách hàng của công ty, kết hợp với mục tiêu của công ty, thường là năng suất trên 5 t/ha, kháng sâu bệnh phổ biến, thơm, dẻo trung bình, ngon cơm.

Thứ tư, tổ chức vùng nguyên liệu và huấn luyện nông dân kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn. Thành lập HTX sản xuất lúa nguyên liệu gắn liền chuỗi giá trị với doanh nghiệp chế biến gạo cao cấp.

HTX sẽ sản xuất từ giống lúa xác nhận đã chọn. Và chuyên viên kỹ thuật của công ty sẽ cùng một số nông dân giàu kinh nghiệm đồng ruộng địa phương để xác định qui trình GAP. Sau đó tất cả nông dân trong HTX phải tuân thủ thực hiện GAP một cách trung thực.

Thứ năm, kiện toàn cơ sở vật chất chế biến gạo. Nhà nước tài trợ doanh nghiệp bằng vốn ưu đãi để trang bị Nhà máy hiện đại (máy sấy, xay, đánh bóng, tách màu, phân loại hạt, đóng gói, silo hoặc kho chứa lúa/gạo) đạt chuẩn HACCP.

Thứ sáu, đăng ký tên thương hiệu (trademark), và khẩu hiệu chiến lược.

Thứ bảy, marketing/Xúc tiến thương mãi. Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm cho một số nhà hàng lớn, siêu thị, các công ty cung ứng thức ăn trên máy bay hoặc quảng cáo trong và ngoài nước trên nhiều phương tiện; trang web của công ty. Nhà nước/Dự án tài trợ cho doanh nghiệp tham gia triển lãm tại các hội chợ nông nghiệp hoặc lương thực ở trong nước và quốc tế như Thaifex tại Bangkok, Singapo, châu Âu, Mỹ.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên