MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên Văn phòng Chính phủ công bố thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp

Báo cáo này nhằm đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, xác định những nhóm thủ tục hành chính đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp.

Sáng 17/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018). Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định hiện hành.

Báo cáo phân tích những thành tựu cải cách TTHC của Chính phủ trong những năm qua và xác định dư địa cải cách cho 8 nhóm TTHC quan trọng cho doanh nghiệp, gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường và Xây dựng.

Đây là năm đầu tiên thực hiện điều tra trên cả nước để xây dựng chỉ số. Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin của hơn 3.000 doanh nghiệp đã từng thực hiện một trong 8 nhóm TTHC tại  63 tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2017 về thời gian và chi phí cần thiết để hoàn thành TTHC đó.

APCI 2018 được xây dựng nhằm đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các TTHC tại các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp. Đây có thể coi như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách TTHC ở cấp trung ương (cấp ban hành chính sách) và làm cơ sở để thực hiện cải cách TTHC ở cấp địa phương (cấp thực thi) nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lần đầu tiên Văn phòng Chính phủ công bố thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khảo sát thực tế thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình, ngày 29/5/2018. Ảnh: VGP

APCI 2018 gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh hai loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC: Chi phí thời gian (thông qua đo lường về thời gian vật chất cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành); Chi phí trực tiếp mà DN phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả TTHC.

Quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC Thuế, với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này là 2,9 giờ làm việc. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng thế giới (WB) vinh danh trong Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017 (từ 57,99 lên 72,77 điểm).

Đứng thứ hai là nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Mức chi phí được ghi nhận cho nhóm thủ tục này thấp hơn mức chi phí thuê tư vấn trọn gói phổ biến trên thị trường. Điều này cho thấy các TTHC trong nhóm thủ tục này đang dần dễ hơn cho doanh nghiệp tự tìm hiểu và tự thực hiện với chi phí hợp lý hơn.

Những cải cách về đăng ký thành lập doanh nghiệp đã đem lại những kết quả đáng khích lệ khi số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng gia tăng. 2016 là năm đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000. Trong quý đầu tiên của năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 35.200, tương đương với mức gần 400 doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động một ngày.

Đứng vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lần lượt là nhóm TTHC Hải quan; Đất đai; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Từ hạng thứ 6 đến thứ 8 là nhóm TTHC Đầu tư, Môi trường và Xây dựng.

Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng APCI 2018 là nhóm thủ tục Xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng. Về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên