MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm "Grab xịn" miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế

05-09-2018 - 07:19 AM | Doanh nghiệp

Vào một buổi trưa cuối năm 2016, anh Nguyễn Hữu Chung (sống tại Hải Phòng) đi ăn đám giỗ về và phát hiện ra chiếc gương xe ô tô của mình bị vỡ. Nhưng khác với những lần bị vỡ gương trước đó, anh nhìn thấy một mảnh giấy dán trên kính xe với nét chữ trẻ con.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 1.

Đó là dòng chữ của một cậu học trò. Cậu viết: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ. Liên lạc với cháu theo số điện thoại 09497… để cháu đền ạ (Do cháu không biết chủ ô tô là ai)”. 

Nguyễn Thế Tùng – khi đó đang là học sinh lớp 11 trường PTTH Trần Nguyên Hãn, đã xác nhận là người làm vỡ gương xe. Lúc được hỏi, Tùng thành thực xin lỗi khiến anh Chung phải thốt lên rằng: “Không nhiều người dám chịu trách nhiệm như cháu, ngay cả những người lớn”.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 2.

Rất vui vì gặp được một việc làm tử tế, anh Chung chia sẻ câu chuyện lên một diễn đàn trên mạng xã hội Facebook. Và thật không ngờ, lời xin lỗi tưởng như là hiển nhiên đó đã tạo ra một làn sóng chia sẻ mạnh mẽ với hàng nghìn bình luận tích cực. Thậm chí hàng loạt tờ báo đã nhanh chóng đăng tải và khai thác lời của người trong cuộc trước sức nóng của câu chuyện. 

Thực tế nếu như không có mạng xã hội, sẽ chẳng mấy người biết đến tờ giấy dán trên kính xe ngày hôm ấy, bởi Thế Tùng có lẽ không bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ với ai một việc làm rất – bình – thường như việc xin lỗi và đền bù sau khi làm hỏng đồ của người khác.

Một thực tế khác là trong xã hội ngày nay, những câu chuyện tiêu cực về thái độ trốn tránh trách nhiệm, sự thờ ơ, đề phòng giữa người với người thường được lan truyền rộng rãi hơn cả, khiến cho lòng tin vào những điều tốt đẹp ngày càng thu bé lại. Vì vậy, một hành động “tử tế” tưởng đơn giản và nhỏ bé như thế đã khơi dậy trong “cư dân mạng” niềm tin rằng cuộc đời không chỉ toàn những điều xấu xa.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 3.

Trong tháng 3 năm nay, trên mạng xã hội lại bất ngờ xuất hiện một phong trào mang tên “Tôi tử tế”. Nó không xuất phát từ một tổ chức xã hội hay thiện nguyện nào mà được phát động bởi Công ty cổ phần FPT. Theo đó, mỗi việc tốt bạn làm và chia sẻ trên Facebook với hashtag #toitute, FPT sẽ trích 20.000 đồng từ Quỹ “Người FPT vì cộng đồng” để xây dựng sân chơi cho trẻ em. 

Là một tập đoàn về công nghệ và trước khi bán đi mảng phân phối, bán lẻ thì FPT chính là một trong những ông lớn cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm công nghệ nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại quan niệm rằng: “Nếu lạm dụng máy vi tính, điện thoại, đồ công nghệ, sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, cảm xúc của trẻ em. Việc tạo sân chơi cho trẻ không chỉ đơn thuần là để các em vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng, mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh để các em thực hành giao tiếp xã hội và rèn luyện kỹ năng sống.”

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 4.

Vì thế, FPT muốn tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ em, đặc biệt ở vùng nông thôn, dân tộc miền núi để các em nhỏ hoàn cảnh nghèo khó cũng có không gian vui chơi đẹp, an toàn và miễn phí. 

Tất nhiên, việc FPT trích quỹ để xây dựng sân chơi cho trẻ em là một hoạt động xã hội rất ý nghĩa của doanh nghiệp, nhưng việc phát động phong trào chia sẻ việc tốt trên mạng xã hội cũng đem đến những ý nghĩa khác. Một là khiến cho nhiều người biết đến chương trình vì cộng đồng của FPT. Thứ hai, là lan tỏa những việc tốt trong cuộc sống đi rộng hơn và gieo vào lòng mọi người những cảm xúc ấm áp cùng câu hỏi “Lần gần nhất mình làm một việc tử tế là gì?”. Giống như hiệu ứng từ câu chuyện về cậu học sinh Thế Tùng dán giấy xin lỗi trên kính xe vậy.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 5.

Chia sẻ về chương trình này trên báo chí, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết: “Lúc đầu, chương trình cũng nhận được một số phản hồi rằng: Tại sao không viết về việc tử tế mà lại là “tôi tử tế”? Phải chăng người khác không tử tế?” 

Theo ông Ngọc, văn hóa Việt Nam thường ngại đề cập đến cá nhân, sợ nói ra sẽ bị người khác xem là khoe khoang. 

“Nhưng ý nghĩa của chương trình lại ở sự khác biệt này. Nếu mỗi người đều không ngại chia sẻ việc tốt của mình thì việc tử tế, việc tốt sẽ được nhân rộng trong xã hội” – Ông Bùi Quang Ngọc tự hào. 

Câu chuyện nổi tiếng nhất trong chương trình “Tôi tử tế” là ý tưởng chở miễn phí người đi đường dọc hành trình đi làm từ nhà đến cơ quan và ngược lại của ông Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT.

Ông Trung dán decal lên ô tô cá nhân với dòng chữ “Mời bạn đi xe miễn phí” ghi cụ thể lộ trình và thời gian đi. Hằng ngày, trên quãng đường đi làm từ nhà riêng tới cơ quan, ông lại ghé vào các trạm dừng chờ xe buýt và hỏi xem có ai cần đi cùng hay không. Ý tưởng này chỉ đơn thuần xuất phát từ sự đồng cảm với việc phải mệt mỏi chờ đợi xe và chen chúc đông đúc khi lên xe buýt. 

Thế nhưng thông thường, mọi người đều không chịu lên xe bởi những hoài nghi “Làm gì có ai lại đối xử tốt với người khác? Liệu anh ta có bắt cóc mình, liệu đang đi giữa đường thì anh ta có đòi tiền không?...”. Song, ai đã mở lòng lên xe thì từ sự ngạc nhiên, ngập ngừng ban đầu đều sẽ chuyển sang cảm động và vui vẻ vì một việc làm tử tế đến vậy. 

 Ông Trung vẫn thường xuyên làm những “việc tử tế”, nhưng ông không đi kể với nhiều người. Từ khi phát động chiến dịch, ông rất tích cực chia sẻ trên trang cá nhân cùng với video những đoạn đối thoại của ông và “khách” đi xe từ camera hành trình, với mục đích đầu tiên là… kiếm 20.000 đồng/status để góp quỹ, nhưng quan trọng hơn, ông cũng nhận ra hành động chia sẻ đó có thể giúp cho sự lan tỏa điều tử tế đến cộng đồng như thế nào.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 6.

Anh Trần Thế Trung

Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc cho biết thêm, từ năm 2010, FPT đã chọn ngày 13/3 hằng năm là Ngày FPT vì cộng đồng để mỗi cán bộ, công nhân viên đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội bằng những hành động cụ thể. Đồng thời, ngày này có ý nghĩa nuôi dưỡng và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi người đến với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. 

“Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động công nghệ mà còn bởi sự san sẻ, làm việc thiện cho cộng đồng. Tôi tin rằng tiếp tục sẻ chia, tiếp tục chung tay làm việc tốt là cách lan tỏa niềm vui cho mọi người và cho chính bản thân mình”, ông Ngọc nói.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 7.

Chương trình “Tôi tử tế” mà FPT thực hiện có 2 đặc điểm quan trọng mà những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã thực hiện trước đó: một là triết lý cùng góp sức, hai là huy động sức mạnh của cộng đồng thông qua sức mạnh của công nghệ. Một trong những ví dụ điển hình là dự án Samsung Connect mà Tập đoàn Samsung đang thực hiện tại Việt Nam từ năm 2017.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 8.

“Với Samsung, công nghệ không chỉ đơn thuần là công nghệ. Công nghệ phải mang tính nhân văn và hỗ trợ việc tương tác, kết nối con người với nhau, giúp tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn”, ông Kim Cheol Gi, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, chia sẻ trong ngày đầu tiên triển khai dự án Samsung Connect. 

Với dự án “Samsung Connect”, Tập đoàn Samsung sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại của mình kết nối những nhà hảo tâm với trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các mái ấm tình thương. Nền tảng giao tiếp công nghệ của Samsung cho phép những nhà hảo tâm tìm hiểu được cuộc sống thường ngày của trẻ em tại các mái ấm, trung tâm bảo trợ để có hiểu được nhu cầu cần được giúp đỡ. Sau đó họ có thể lựa chọn cách đóng góp, hỗ trợ phù hợp và Samsung trở thành cầu nối giúp họ.

Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm Grab xịn miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế - Ảnh 9.

Sau đó, người hỗ trợ cho các em nhỏ còn có thể trò chuyện với những em nhỏ được mình hỗ trợ thông qua tài khoản trên Samsung Connect và mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ đều được công khai để nhà hảo tâm có thể theo dõi. Và những câu chuyện mang tính nhân văn của chương trình này cũng được chia sẻ rất mạnh mẽ trên facebook từ nhiều người bình thường đến những người nổi tiếng như ca sĩ Đông Nhi, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn, MC Phan Anh… 

Samsung hay FPT không chỉ thực hiện những điều tử tế với sức của mình. Họ muốn chia sẻ triết lý về những điều tử tế với nhiều người khác và mong muốn có thêm thật nhiều người cùng giúp sức để những việc tốt có thể lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Và đúng như vị Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina chia sẻ: “Công nghệ phải mang tính nhân văn”.

Minh Châu
7pm
Theo Trí Thức Trẻ05/09/2018

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên