MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng ngân hàng niêm yết: Do hối thúc hay đã đủ tự tin?

Làn sóng các ngân hàng niêm yết năm 2017 sẽ góp phần minh bạch hóa hệ thống ngân hàng và tăng lựa chọn đầu tư cho thị trường cổ phiếu.

Rục rịch tìm phương án lên sàn

Theo quy định của Thông tư 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký trên hệ thống Upcom. Theo đó, dự kiến số lượng các ngân hàng niêm yết sẽ được gia tăng đáng kể. Diễn biến thời gian gần đây cho thấy nhiều ngân hàng đã có động thái chuẩn bị lên sàn.

Ngay đầu năm nay (9/1), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa đưa hơn 564,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu. VIB tuy là một ngân hàng không lớn trong số các ngân hàng thương mại, nhưng cũng có thể coi là hàng khủng của sàn chứng khoán. Ngân hàng này có vốn chủ sở hữu hơn 8.500 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 5.644 tỷ đồng với hệ thống 151 chi nhánh, phòng giao dịch trên 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.

Ngoài VIB, hiện một số ngân hàng khác cũng đã có kế hoạch cho việc đưa cổ phiếu lên sàn, như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank)…

Lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và cả niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức sẽ sớm được triển khai sau khi trình đại hội đồng cổ đông năm 2017 thông qua.

Điển hình, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) đã chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), đăng ký giao dịch trên UPCoM và đã được chấp thuận vào cuối tháng 11/2016.

Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) cũng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tùy theo tình hình thực tế của ngân hàng và thị trường.

Sau nhiều năm lỡ hẹn đưa cổ phiếu lên sàn, Ngân hàng Techcombank đã được VSD cấp mã chứng khoán cổ phiếu là TCB, với số lượng chứng khoán đăng ký trên 887 triệu cổ phiếu, giá trị chứng khoán đăng ký hơn 8.878 tỷ đồng, tương đương hơn 8.878 tỷ đồng vốn điều lệ…

Đã đủ tự tin?

Chủ trương hối thúc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2013. Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK tiếp tục nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết.

Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó đa số là các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBbank, SHB… Hàng loạt các ngân hàng thương mại vẫn viện dẫn ra nhiều lý do để trì hoãn như thị trường chưa thuận lợi, chưa đủ nội lực tốt…

Đến đầu năm 2015, Thống đốc NHNN tiếp tục có văn bản “nhắc nhở” chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, các kế hoạch lên sàn của ngân hàng dường như vẫn được để trong “ngăn kéo”.

Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành (1/1/2016), các công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Như vậy, ngày 1/1/2017 là thời hạn cuối cùng các ngân hàng phải giao dịch trên UPCoM.

Thực tế, có ngân hàng ngại lên sàn do vướng mắc về nợ xấu, nhiều thông tin chưa thực sự minh bạch, tuy nhiên có ngân hàng tình hình tăng trưởng cũng như vấn đề minh bạch rất tốt vẫn chần chừ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán (UPCoM, hoặc sàn chứng khoán chính thức), nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu cũng như minh bạch về các báo cáo tài chính.

Và có vẻ như với tình hình kinh doanh trong năm 2016 có phần khởi sắc, tỷ lệ nợ xấu giảm và dự báo tín dụng tiếp tục cải thiện đã và đang tạo nên sự tự tin để các ngân hàng thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra?

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, cùng làn sóng lên sàn của các ngân hàng trong năm nay, các cổ phiếu “vua” sẽ có cơ hội hồi phục đó cũng là lý do để các ngân hàng chạy đua đăng ký lên sàn UPCoM và niêm yết trên sàn HOSE/HNX.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, việc nhiều ngân hàng niêm yết trong năm nay, một mặt, giúp minh bạch hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Mặt khác, giúp cho các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn về cổ phiếu ngân hàng. Trong số các ngân hàng chuẩn bị niêm yết, một số ngân hàng là TMCP tư nhân quy mô lớn, hiệu quả hoạt động cao và cơ cấu thu nhập năng động như Techcombank, VPBank, VIB.

Theo Châu Huệ

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên