MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làng nhang Cát Tường hối hả vào tết

13-01-2020 - 17:46 PM | Thị trường

Xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) nổi tiếng với nghề làm nhang thủ công truyền thống.

Những ngày này, người làm nhang khẩn trương, tất bật hơn để có những cây nhang thơm phục vụ thị trường tết.

Làng nhang Cát Tường hối hả vào tết - Ảnh 1.

Thợ làm nhang đang hối hả tăng năng suất kịp hàng bán tết

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất nhang của ông Đặng Văn Thanh ở thôn Xuân Quang đúng lúc mọi người đang làm việc, không khí lao động khá nhộn nhịp. Các cô, các chị, các anh bên những máy làm nhang tự động, một tay cầm nắm tăm nhang, tay kia thoăn thoát đưa từng tăm nhang vào máy, thế là những nén nhang lần lượt hình thành nối nhau rơi xuống.Về Cát Tường những ngày này, không khí của mùa xuân dường như đã len lỏi vào trong từng ngôi nhà. Trên con đường vào làng nghề, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó nhang đang được người dân phơi. Mùi thơm của nhang lan toả khắp nơi.

Nhang làm xong được mọi người đem phơi, nắng gió sẽ làm nhang khô, đẹp. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày.  Được biết, cơ sở sản xuất nhang của ông Thanh có thâm niên trên 20 năm làm nghề, nên những ngày này đã tiếp nhận nhiều đơn đặt hàng từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh như: Quảng Bình, Gia lai, Đắk Lắk...

Ông Thanh cho biết: “Trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên các công đoạn làm nhang đều bằng thủ công. Nay làm bằng máy, sản phẩm nhang làm ra đẹp hơn, nhiều mẫu mã, chất lượng cũng cao hơn”.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều, các cơ sở đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng gia đình ông Thanh đã trang bị 2 máy làm nhang (loại máy phun). Mỗi ngày, một người thợ sản xuất từ 150.000- 180.000 cây nhang, tăng gấp 20 lần so với thủ công.

Vào những ngày cận tết, cơ sở của ông Thanh làm thêm nhiều loại nhang khác nhau phục vụ nhu cầu của khách hàng. Nghề này là của cha ông để lại. Trước kia chúng tôi làm ra những cây nhang rất vất vả, nhưng vẫn bám trụ lấy nghề để mưu sinh. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên năng suất cao hơn.

Gia đình ông Đặng Xuân Danh cũng có thâm niên làm nhang lâu đời ở đây. Ông trang bị máy móc hiện đại để làm nhang. Những ngày này, tốp thợ của ông càng tất bật hơn với những đơn đặt hàng từ khắp nơi để về bán tết. Mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 5 khung nhang (mỗi khung hơn 50 bó nhang).

Ông Danh cho biết: Nghề nhang làm quanh năm, bởi nhang làm ra không sợ bị ế, nhất là những ngày tết nhu cầu thắp hương trên bàn thờ cũng sẽ tăng lên. Nhiều khách hàng đặt mua nhưng sản xuất không thể nhiều hơn vì những ngày qua trời nắng yếu, dẫn đến "cháy hàng".

Ông Nguyễn Bá Rê- Trưởng thôn Xuân Quang khẳng định: “Nghề làm nhang vừa là nghề truyền thống, vừa là nghề phụ, giải quyết công ăn việc làm cho cả người già và trẻ em, tăng thu nhập đáng kể cho hộ gia đình, góp phần giảm nghèo ở địa phương”.

Làng nhang Cát Tường hối hả vào tết - Ảnh 2.

Nhang phơi dưới nắng.


Ông Đặng Văn Được - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết, đây là nghề truyền thống, càng ngày càng phát triển. Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường bê tông, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho làng nghề. Tuy nhiên bà con vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Nghề làm nhang không khó. Nguyên liệu gồm chu (tăm cây), bột quế, bột dẻo, bột thơm… Tùy theo cách pha trộn mà tạo ra những mùi hương thơm khác nhau.

Nén nhang làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, sắc đẹp giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày. Người làm nhang Cát Tường cho rằng, nghề làm nhang liên quan đến tâm linh, nên không cho phép làm cẩu thả, làm nhang giả, nhang kém chất lượng.

Mỗi cây nhang làm ra, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào. Hiện toàn xã Cát Tường có hơn 120 hộ làm nhang. Nhang được sản xuất quanh năm, nhưng cao điểm nhất vẫn là tháng Chạp.

Ngoài việc lưu giữ nghề của bậc tiền nhân, các cơ sở sản xuất nhang ở Cát Tường còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập hằng tháng người già, trẻ em từ 1,2- 2 triệu đồng, thợ chính từ 5- 6 triệu.

Theo Thế Hà

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên