MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo “Big 4” ngân hàng kiến nghị gì trong năm mới?

27-01-2020 - 10:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Tạo điều kiện tăng vốn, mở “room” ngoại, tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu, xử lý bất cập khi cổ phần hóa ngân hàng là những vấn đề đang được lãnh đạo "Big 4" ngân hàng quan tâm.

Năm 2019, 4 ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước chi phối, cũng là 4 trụ cột của hệ thống (gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đều đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Trong đó, Vietcombank tạo dấu ấn trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam chạm mốc 1 tỷ USD lợi nhuận; BIDV sau kết quả bán vốn thành công cho nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng đạt Basel II, cùng kết quả kinh doanh khả quan; VietinBank tạo hướng trở lại sau lát cắt quyết liệt về lợi nhuận và tín dụng trong năm 2018; Agribank tạo bất ngờ lớn với lợi nhuận vượt xa kế hoạch sau 11 tháng 2019, cũng như đang chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa.

Tại hội nghị toàn ngành triển khai kế hoạch năm 2020 mới đây, đại diện lãnh đạo khối "Big 4" cùng nêu các ý kiến, kiến nghị để hướng đến một năm mới hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn.

BizLIVE trân trọng giới thiệu các ý kiến cụ thể qua hội nghị trên.

Lãnh đạo “Big 4” ngân hàng kiến nghị gì trong năm mới? - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: ông Ngiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank; ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV; ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank; ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank.

Tạo điều kiện tăng vốn, mở "room" cho nhà đầu tư ngoại

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank

Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt là trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, Vietcombank xin có một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Về tăng vốn trong thời gian tới, Vietcombank kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn và từ lợi nhuận sau thuế, phát hành thêm; có cơ chế để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc xem xét, có định hướng và lộ trình cụ thể để tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng.

Về đẩy nhanh hơn nữa công tác xử lý thu hồi nợ, Vietcombank cũng có một số kiến nghị.

Thứ nhất, cơ quan công an và UBND có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể công an các cấp/UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giữ gìn trật tự, an ninh khi các tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Thứ hai, Tổng cục Thuế sớm ban hành văn bản hướng dẫn các cục/chi cục thuế địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ ba, tòa án tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng xử lý vụ án theo thủ tục rút gọn để việc áp dụng thủ tục rút gọn được phổ biến hơn nữa (như thay đổi điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn, đơn giản hóa yêu cầu về pháp lý hồ sơ...).

Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV

Thứ nhất, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc Hội; sửa đổi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; khung pháp lý (kể cả cơ chế quản lý thử nghiệm - Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech, ngân hàng số, cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền di động, hợp tác ngân hàng – Fintech và Bigtech, chia sẻ dữ liệu..., tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai ngân hàng số thành công.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp Quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Đây là cơ sở, tiền đề để các ngân hàng xây dựng chương trình sản phẩm hiện đại phục vụ nền kinh tế.

Thứ ba, tăng vốn là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn cũng như gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài việc sớm xem xét cấp vốn điều lệ (thông qua trực tiếp, trả cổ tức bằng cổ phiếu), cấp có thẩm quyền cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các tổ chức tín dụng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho CBNV (ESOP)…

Thứ tư, tiếp tục phát triển mạnh thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế (hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đã rất cố gắng đạt 81% GDP (quý III/ 2019); nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực…), qua đó giảm áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Tháo gỡ những bất cập liên quan đến cổ phần hóa ngân hàng

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank

Agribank thực hiện song trùng hai mục tiêu, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vừa phải tạo ra lợi nhuận đóng góp cho ngân sách nhà nước, chăm lo đời sống cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Hàng năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank từ 120 đến 130 ngàn tỷ đồng nhưng quy mô vốn điều lệ tăng không đáng kể và đến nay chỉ đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng, thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong khi quy mô tín dụng đứng đầu thị trường.

Năm 2020, Agribank sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để cổ phần hóa và hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu; thực hiện tốt Thông tư 13, Thông tư 22, Thông tư 41 và 03 trụ cột theo tiêu chuẩn Basel II.

Trường hợp không được tăng vốn điều lệ hoặc áp dụng cơ chế đặc thù, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, Agribank kính đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, bộ ngành quan tâm giải quyết một số kiến nghị.

Thứ nhất, sớm cấp bổ sung 19.800 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank theo phương án đã trình.

Thứ hai, cho phép các ngân hàng thương mại được xác định hệ số rủi ro 50% các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 55 (tại Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 750 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm khoảng 200 ngàn tỷ đồng, chiếm 50% các khoản vay có  hệ số rủi ro 100%, làm tăng tài sản có rủi ro, giảm hệ số CAR).

Thứ ba, cho phép Agribank được sử dụng một phần nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước để cân đối cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, tại Agribank dư nợ đạt 5.300 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu cao (16%), nhiều chủ tàu không hợp tác với ngân hàng, do vậy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Ban chỉ đạo 67 và các cấp chính quyền địa phương.

Thứ năm, Thực hiện Quyết định 58 và Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Agribank đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị cổ phần hóa, chỉ còn lại duy nhất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại TP.HCM đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Nghị định 126 của Chính phủ đã quy định rất chi tiết, cụ thể đối với quy trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, khi áp dụng đối với doanh nghiệp là ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank nhận thấy còn một số bất cập (như về kiểm kê, đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân; bàn giao các khoản nợ đã XLRR cho DATC...). Vấn đề này Agribank đã báo cáo cụ thể Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Kính đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi phù hợp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Mở rộng và phát triển thị trường vốn có độ sâu tài chính hơn

Ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.

Trong năm 2020, VietinBank tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt cơ hội thị trường, cụ thể hóa chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu mới, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung hạn trong 3 năm tiếp theo để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển dài hạn của ngân hàng.

VietinBank sẽ triển khai một số nội dung trọng tâm như: Cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng phân khúc khách hàng SME và bán lẻ; phát triển các chuỗi liên kết, cung cấp tổng thể giải pháp dịch vụ tài chính cho từng nhóm khách hàng; đa dạng cơ cấu doanh thu; đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu; quản trị tài chính, chi phí vốn hiệu quả; đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng của nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý nhất; nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Để thực hiện tốt những mục tiêu này, VietinBank đề xuất một số nội dung.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp để các ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của nhà nước và VietinBank có cơ sở được tăng vốn và nhanh chóng đáp ứng chuẩn mực Basel II về tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Thứ hai, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép VietinBank sắp xếp, phân bổ lại mạng lưới phòng giao dịch khác địa bàn tỉnh/ thành phố. Điều này góp phần tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ của VietinBank cho các địa bàn, đặc biệt khu vực nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy chương trình số hóa, áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống, xã hội. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.

Thứ tư, cần mở rộng và phát triển thị trường vốn có độ sâu tài chính hơn. Có chính sách cởi mở cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn; đưa ra các giải pháp cải cách hệ thống thể chế và giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí xếp hạng về Thị trường chứng khoán, qua đó tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, đề xuất về mở rộng ứng dụng chữ ký điện tử, E-KYC, thúc đẩy hợp tác ngân hàng với các công ty Fintech, tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật trong các giải pháp ngân hàng dựa trên nền tảng số hóa, giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại các kênh số hóa, nâng cao khả năng tương tác giữa ngân hàng với khách hàng, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và thiết thực, góp phần phát triển mạnh mẽ số hóa trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Theo Trần Thúy

Bizlive

Trở lên trên