MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo quận Thanh Xuân: "Chúng tôi không áp đặt việc lắp đặt biển hiệu"

Việc làm biển hiệu đồng bộ sẽ tiếp tục được nhân rộng trên một số tuyến đường khác của Quận song trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến của người dân.

Theo thông cáo được UBND quận Thanh Xuân đưa ra là hệ thống biển hiệu đồng bộ được thực hiện trên cơ sở Thông báo số 33 của UBND TP.Hà Nội về chỉnh trang, cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn và theo quy định của Luật Quảng cáo.

Thông cáo cũng nêu rõ, từ thực tế triển khai, chỉnh trang tuyến phố Lê Trọng Tấn, Thành phố và quận Thanh Xuân sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí... để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến phố khác của quận.

Trước những phản hồi trái chiều của dư luận, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh Văn phòng HĐND và UBND Quận Thanh Xuân đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Thưa bà, việc chỉnh trang đô thị cho đẹp và đồng bộ là cần thiết, nhưng nếu yêu cầu biểu hiệu phải theo chất liệu, mầu sắc giống nhau thì có phù hợp hay không và dựa trên căn cứ quy định nào?

Tuyến đường Lê Trọng Tấn nằm trong dự án chỉnh trang đường phố, là một tuyến đường thí điểm đầu tiên của thành phố nhằm thực hiện chủ trương chỉnh trang đồng bộ mĩ quan đô thị, tạo sự thay đổi diện mạo của Thủ đô.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND Thành phố, được sự đồng thuận của chính quyền Quận và sự ủng hộ của người dân thì đó là điều rất ý nghĩa để thực hiện chủ trương này.

Cần phân biệt rõ, những hệ thống biển hiệu mà Quận chỉnh trang không phải là biển quảng cáo mà là biển hiệu cửa hàng. Tất cả những biển hiệu này thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo. Khi thực hiện, chúng tôi còn phát tờ rơi về quy định của Luật Quảng cáo để người dân nắm rõ vấn đề.

Do đó, để tạo ra tuyến đường kiểu mẫu, theo quan điểm của quận Thanh Xuân và sự chỉ đạo của Thành phố, thì phải có sự đồng bộ từ chất liệu làm vỉa hè, hạ tầng, hệ thống cây xanh, đều được có quy chuẩn về kích thước, chiều cao, tường sơn nhà dân đến biển hiệu. Nếu kiểu mẫu mà trăm hoa đua nở, thì không còn là kiểu mẫu.

Quận Thanh Xuân cũng hoàn toàn không áp đặt việc lắp đặt biển hiệu. Việc làm biển hiệu được Thành phố, Quận làm theo quy trình, từ việc phát phiếu lấy ý kiến của người dân cho đến thực hiện. Hiện chính quyền quận Thanh Xuân có đầy đủ hồ sơ lưu trữ về việc lấy ý kiến này.

Chúng tôi chỉ nói đơn giản rằng nếu người dân không đồng thuận thì không ai có thể lắp đặt được những biển hiệu như vậy.

Nhưng tại sao Quận lại chỉ lựa chọn hai mầu nền chủ đạo là xanh và đỏ và chữ trắng, thưa bà?

Việc chọn mầu sắc biển hiệu, trước khi lắp đặt toàn tuyến Quận cũng có lấy ý kiến khảo sát và trưng năm biển mẫu cho người dân đến xem. Khi mọi người đều nhất trí thì mới có thể lắp đặt toàn tuyến.

Theo đó, dựa vào tư vấn của Sở Quy hoạch Kiến trúc về chỉnh trang, thì sơn nhà sẽ là màu vàng và màu ghi xám, biển hiệu nền xanh, nền đỏ và chữ trắng. Biển hiệu như vậy để hài hòa với hàng cây xanh, với ánh sáng đèn led, tường nhà dân, khí hậu miền Bắc như vậy thì màu sắc này là hai màu cơ bản.

Màu xanh có ý nghĩa Thủ đô là thành phố vì hòa bình, màu đỏ là tượng trưng cho cờ Tổ quốc, những biển hiệu của nhà dân với chữ trắng rất nổi. Việc phải đồng cấp và đồng chất liệu tránh việc lô nhô cái cao cái thấp sẽ khiến cho con đường không còn là tuyến đường kiểu mẫu nữa nên hệ thống này được thiết kế đồng bộ.

Xin bà cho biết những nội dung cụ thể trong cuộc họp và khảo sát ý kiến của các hộ dân, đơn vị kinh doanh trên tuyến phố Lê Trọng Tấn?

Trong cuộc họp có đầy đủ nội dung như nêu rõ chủ trương là Thành phố đầu tư toàn bộ hạ tầng, nhưng việc tháo dỡ mái che mái vẩy, sơn sửa mặt tiền thì người dân tự bỏ tiền ra. Còn hệ thống biển hiệu là quận triển khai theo phương thức xã hội hóa. Tất cả những vấn đề này được người dân đồng thuận và triển khai.

Để vận động được người dân, với 151 hộ dân và 8 cơ quan, tổ chức để họ bỏ tiền ra sơn sửa, chỉnh trang nhà cửa không phải đơn giản. Thực tế trong quá trình triển khai vướng mắc đến đâu chính quyền quận đồng hành và tháo gỡ kịp thời.

Con đường này được làm trong thời gian ngắn, tuyến đường trọng điểm đầu tiên của thành phố. Quận Thanh Xuân cũng rất phấn khởi khi con đường Lê Trọng Tấn không chỉ là con đường đẹp về cảnh quan, mà còn đẹp ở cách làm mới, Nhà nước và nhân dân đồng thuận để làm trong chỉnh trang đô thị.

Bởi ngân sách Nhà nước chỉ lo được ngân sách hạ tầng, người dân góp vào chỉnh trang mặt bằng, và Tập đoàn VinGroup cũng tài trợ biển hiệu với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Chỉ giới hạn trong hai mầu xanh và đỏ, trong khi các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp họ có định vị thương hiệu với nhiều màu sắc khác nhau. Liệu quận Thanh Xuân có tính đến việc thực hiện đồng bộ hai màu sắc này sẽ làm phá vỡ đặc trưng, đặc thù của đơn vị, DN?

Đối với các tổ chức DN đã có logo quảng cáo, có thương hiệu độc quyền, được cơ quan Nhà nước cấp theo đúng quy định của pháp luật, đang lắp đặt tại trụ sở thì UBND quận hoàn toàn tôn trọng. Quận chỉ đề nghị làm đồng cấp, đồng chất liệu để đảm bảo sự đồng bộ. Còn thương hiệu và logo thì vẫn được giữ nguyên khi đã được cấp thẩm quyền chứng nhận về bản quyền.

Trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã có yêu cầu với các đơn vị, nếu đơn vị nào có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, công nhận thương hiệu, màu sắc thì đề nghị cung cấp cho quận sau đó chúng tôi tổng hợp và báo cáo Thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình làm thì cũng chưa có một doanh nghiệp hay đơn vị nào có văn bản liên quan. Có đơn vị cũng nói rằng sẽ cung cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có. Vì vậy trước mắt quận vẫn sẽ làm như vậy để đảm bảo cảnh quan chung, đến khi các đơn vị cung cấp thì quận sẽ báo cáo thành phố và có điều chỉnh, tháo gỡ phù hợp.

Trong thông cáo quận đưa ra có nói là việc này sẽ được tổng kết, lấy ý kiến người dân để từ đó nhân rộng ra. Bà có thể cho biết cụ thể hơn thông tin này.

Ở góc độ quản lý cấp quận, chúng tôi chỉ trả lời góc độ như vậy. Còn việc nhân rộng ra toàn thành phố thì vấn đề này phải để thành phố trả lời.

Vâng, xin cảm ơn bà!

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên