MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập lại kỷ cương, xóa “xin - cho”

Thu ngân sách nhà nước đang trên đà tụt giảm, thay vì tiết kiệm chi tiêu, nhiều đơn vị, địa phương vẫn xài hoang, thậm chí đem cả nguồn tiền dự phòng để chi mua sắm, chi thường xuyên.

Các chuyên gia cho rằng, cần tách bạch các khoản chi tiêu, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” từ đó mới có thể phân rõ trách nhiệm với từng cấp, từng người để quản lý ngân sách chặt chẽ hơn.

Dồn nguồn bù chi thường xuyên

Mục tiêu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 là giảm dần bội chi xuống còn 4,5% GDP vào cuối kỳ. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại, nếu năm 2011, bội chi chỉ ở mức 4,4% GDP, thì từ năm 2013-2015, bội chi liên tục ở mức trên 6% GDP (năm 2015 là 6,11% GDP). Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2016, chi thường xuyên đã chiếm gần 72% tổng chi ngân sách nhà nước. Để bù đắp bội chi, ngân sách phải đi vay trong và ngoài nước.

Trong lúc đó, tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí vẫn xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương. Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu hoàn trả hơn 1.600 tỷ đồng do sử dụng sai nguồn. Trong đó, một số địa phương phải bố trí nguồn hoàn trả lớn, như: An Giang phải trả 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng, Hưng Yên 109 tỷ đồng...

Có địa phương sử dụng nguồn ngân sách cải cách tiền lương để bù hụt thu, chi thường xuyên (Đắk Lắk 13 tỷ đồng; Ninh Thuận 8,4 tỷ đồng; Bình Thuận 4,7 tỷ đồng). Thậm chí, dùng nguồn dự phòng để chi thường xuyên, mua sắm (Hà Nội chi 224 tỷ đồng, Đà Nẵng 150 tỷ đồng, Hà Tĩnh 42 tỷ đồng). Ngoài ra, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương nhưng thực tế không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể, địa phương đã hòa chung để bổ sung cân đối (Đắk Lắk 225 tỷ đồng, Gia Lai 148 tỷ đồng, Quảng Nam 139 tỷ đồng, Lai Châu 128 tỷ đồng). Cùng với đó, việc cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại không ít địa phương, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, trong khi hằng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi.

Ngoài ra, số tiền ngân sách nhà nước ứng trước hằng năm cho chi đầu tư nhiều nhưng số thu hồi hạn chế, như năm 2014 ứng trước kế hoạch vốn 17.670 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 3.147 tỷ đồng. Điều này dẫn đến số ứng trước được chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng không được thu hồi. Tính tới năm 2014, số tiền ứng trước đã vượt 81.700 tỷ đồng.

Khó giám sát và nâng hiệu quả sử dụng ngân sách

Từng 3 nhiệm kỳ liên tiếp là Đại biểu Quốc hội rất “thấm” những vấn đề kinh tế của đất nước, theo TS Trần Du Lịch, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới bội chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 liên tục tăng nhanh so với các năm trước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chi thường xuyên chiếm tỷ trọng quá lớn và tăng nhanh trong chi ngân sách nhà nước, thậm chí “chúng ta đang vung tay quá trán”, ví như mỗi năm có tới 3-4 nghìn đoàn đi nước ngoài, đội ngũ hưởng lương ngân sách liên tục tăng. “Người ta phú quý mới sinh lễ nghĩa, nhưng chúng ta chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa”, ông Lịch nói.

Cùng với đó, việc tăng đầu tư cho phát triển hạ tầng cũng khiến bội chi tăng nhanh và phải tăng phát hành trái phiếu chính phủ, đặc biệt trái phiếu ngắn hạn lớn làm tăng nhanh chi trả nợ. Tuy tăng đầu tư là cần thiết, nhưng theo ông Lịch, phải kiểm soát được đầu tư giàn trải, kém hiệu quả - điều nhiều năm qua chưa làm được. Ngoài ra, ngân sách đã tồn tại quá lâu cơ chế “xin - cho”, từ đó tạo ra sự thiếu minh bạch trong “chạy” dự án, nơi nào cũng muốn giành dự án cho mình, dẫn tới giàn trải, vượt nguồn lực ngân sách.

GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngân sách nhà nước mấy năm qua căng thẳng do kỷ cương ngân sách chưa được tuân thủ. “Dù quy định không có nguồn không được chi nhưng có tình trạng ứng chi, hoặc tăng thu để có nguồn chi, dẫn tới thâm hụt ngân sách lớn”, ông Thái nhấn mạnh. Ngoài ra, những năm qua, kinh tế khó khăn cũng khiến con số bội chi so với GDP tăng. Điều này đã được Chính phủ nhận ra và chỉ đạo giải quyết, tiết kiệm chi, chống thất thoát, nên bội chi đã được cải thiện phần nào (7 tháng đầu năm 2016, bội chi mới bằng 30% dự toán năm).

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại kỳ họp vừa bế mạc hôm 29/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất chú ý đến vấn đề nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn gây khó khăn trong điều hành nền kinh tế thời gian tới. Theo Thủ tướng, cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nếu tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (GDP tăng 6,7%), các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn, tạo áp lực rất lớn lên ngân sách nhà nước.

Bàn về cách “vá” thủng ngân sách, TS Trần Du Lịch cho biết, khi còn ngồi ghế đại biểu, ông đã không ít lần góp ý về giải pháp tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng về chi tiêu công. Đặc biệt, phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho” - đây là gốc của vấn đề. Muốn giải quyết được, phải tách bạch được ngân sách trung ương phân bổ và ngân sách địa phương được để lại. Qua đó để làm rõ phần tiền nào Quốc hội chịu trách nhiệm, phần nào địa phương chịu trách nhiệm.

“Trong ngân sách cần làm rõ 3 cơ chế: Phân quyền – phân cấp - ủy quyền. Nếu giải quyết không được cơ chế đó, sẽ không thể giải quyết vấn đề giám sát và nâng hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay”, ông Lịch nói. Đồng thời, qua việc tách bạch ngân sách trung ương và địa phương, sẽ làm rõ được trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan tới chi tiêu ngân sách không hiệu quả, lãng phí, thất thoát…

Theo GS Nguyễn Quang Thái, rào cản lớn nhất với cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước hiện nay nằm chính trong nội bộ các cơ quan công quyền. Đó là bộ máy quá cồng kềnh lâu nay, sự vô kỷ luật trong thực hiện kế hoạch ngân sách.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên