MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lắp ráp ôtô chờ… phụ tùng

Các DN Nhật Bản đang đề xuất Chính phủ có một chính sách ổn định để kích thích công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô phát triển.

Ông Taiji Yanai, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng thị trường xe ôtô Việt Nam nhỏ hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia, nên khiến cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô bị hạn chế.

Hệ lụy của “thị trường nhỏ bé”

Sau khi thuế quan của khu vực thương mại tự do ASEAN được dỡ bỏ vào năm 2018, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước có thể sẽ chậm lại do áp lực cạnh tranh từ sự gia tăng của các loại xe nhập khẩu. Hệ quả của một thị trường nhỏ bé sẽ là sự kém phát triển của các nhà cung ứng linh kiện và thiết bị cho các hãng sản xuất ôtô.

“Tiền đề cơ bản nhất cho sự phát triển của chuỗi cung ứng ôtô đòi hỏi sự mở rộng thị trường trong nước. Cụ thể hơn, chuỗi cung ứng sẽ phát triển khi nhu cầu xe nguyên chiếc được đáp ứng bởi xe sản xuất trong nước sử dụng các linh kiện lắp ráp cũng được sản xuất trong nước”, ông Yanai nói. Hơn nữa, người đại diện cho cộng đồng DN Nhật Bản ở Việt Nam cho biết mỗi chiếc ôtô được cấu thành từ khoảng 30.000 chi tiết, và ngành công nghiệp ôtô đòi hỏi chuỗi cung cấp đa tầng bao gồm các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và các nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Mỗi chiếc ôtô được cấu thành từ khoảng 30.000 chi tiết, và ngành công nghiệp ôtô đòi hỏi chuỗi cung cấp đa tầng bao gồm các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và các nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Có một điều chắc chắn rằng sự phát triển của các nhà cung cấp đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và sự đầu tư. Trong các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí sản xuất và thời hạn giao hàng, các nhà cung cấp 1 còn phải nghiên cứu và phát triển các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, những điều đó dường như vẫn còn xa xỉ ở thị trường Việt Nam. Ông Yanai cho biết việc các DN cung cấp trong nước thiếu lợi thế kinh tế về quy mô, do thị trường Việt Nam còn nhỏ, dẫn đến phần lớn các loại xe lắp ráp trong nước phụ thuộc vào các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Đừng đi tắt đón đầu

“Có rất nhiều DN không thể đáp ứng được các yêu cầu sản xuất cơ bản QCD, và vì vậy, việc hợp tác với họ bị hạn chế. Bởi vậy, việc sử dụng các DN trong nước như các nhà cung cấp cấp 1 thậm chí còn khó khăn hơn do yêu cầu cần phải có thêm khả năng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển”, ông nói.

Để tăng cường việc sử dụng các nhà cung cấp trong nước, các DN Nhật Bản kiến nghị cần phải giải quyết đồng thời các vấn đề về “cầu” như thị trường và sản lượng sản xuất nhỏ, và các vấn đề về “cung” như không đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về giao hàng của các nhà cung cấp nội địa. Theo đó, đối với các vấn đề về dung lượng cầu để mở rộng thị trường, các DN Nhật đề xuất chính phủ duy trì ổn định các chính sách hợp lý để phát triển thị trường, như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.

Còn đối với vấn đề mở rộng sản xuất trong nước, do giới hạn về thời gian trước khi xoá bỏ thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mai hàng hóa ASEAN vào năm 2018, các DN Nhật kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác bao gồm các bộ ngành liên quan, các nhà sản xuất lắp ráp và các nhà cung cấp hiện tại để làm rõ chính sách phát triển sản xuất trong nước càng sớm càng tốt. Ông Yanai cho rằng các nhà cung cấp trong nước không nên nhắm đến việc “đi tắt” để trở thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn, mà thay vào đó đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng các yêu cầu sản xuất như các nhà cung ứng cấp 2 và 3.

Việc nâng cao năng lực của các nhà cung cấp chỉ có thể được thực hiện thông qua tích lũy kinh nghiệm hiểu biết thực tế. Do đó, chúng tôi đề nghị sử dụng hiệu quả các DN nước ngoài như là một giải pháp để phát triển các nhà cung cấp”, ông nói.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại đã đáp ứng được từ 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và khoảng từ 40-60% cho sản xuất máy động lực; Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành CNHT công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong lĩnh vực linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ (bao gồm sản xuất máy móc thiết bị tàu thủy, điện, than, xi măng…) chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiết bị.

Đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, hiện đang đáp ứng 30-35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng. Việc cung ứng của lĩnh vực này cho các lĩnh vực hạ nguồn khác khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5% Trong lĩnh vực CNHT ngành Dệt may – Da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt 51,1% vào năm 2015 (năm 2014 đạt 50,4%, năm 2013 đạt 50%). Tương tự, khả năng tự cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành ngành da giày chỉ đạt khoảng 20-25%. Riêng đế giày, nguyên phụ liệu được các DN Việt Nam chủ động tốt nhất, cũng chỉ đáp ứng được 40% -50% nhu cầu sản xuất của ngành nói chung.

Trong lĩnh vực CNHT ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Inova, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Ngành CNHT công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa… Chỉ một số ít DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Theo Bảo Trâm

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên