MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên phương án sơ tán gần 1 triệu dân tránh bão Tembin

23-12-2017 - 19:53 PM | Xã hội

Bão Tembin đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Đây là khu vực bão ít đổ bộ nên công tác ứng phó chưa nhiều kinh nghiệm, rất dễ gặp rủi ro lớn.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Tembin sáng 23/12 tại Bộ NN&PTNT, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cảnh báo, bão Tembin đổ bộ vào khu vực Nam Bộ sẽ rất mạnh.

Đây là khu vực bão ít đổ bộ nên công tác ứng phó của người dân cũng như chính quyền địa phương chưa nhiều kinh nghiệm, rất dễ gặp rủi ro lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT.

Mặt khác, lượng tàu thuyền hoạt động trên vùng biển khu vực này rất nhiều, thời gian qua đã có nhiều sự cố xảy ra trên biển và có thiệt hại về người.

Do đó, ông Hoài đề nghị các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Tembin cần tập trung cao độ trong công tác ứng phó, căn cứ vào tình hình cụ thể có thể ban hành ngay lệnh cấm biển và đặc biệt lưu ý trong công tác di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Clip hướng đi bão Tembin (tham khảo tử Windy):

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương và các ngành có liên quan, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét: Bão Tembin được dự báo sẽ đổ bộ vào Nam Bộ, xảy ra trong tình hình phạm vi ảnh hưởng lớn.

Đây là vùng này có ngư trường hoạt động rầm rộ, lưu thông tàu thuyền phát triển kinh tế nhiều, có nhiều huyện đảo, xã đảo, địa hình bằng phẳng nên tác động do bão lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận: Các Ban, ngành cần nghiêm túc ứng phó với cơn bão Tembin có diễn biến phức tạp.

Đồng thời, đây là khu vực bão vào ít nên thiết chế hạ tầng công cộng, nhà dân thích ứng với thiên tai thường kém hơn các khu vực khác. Ngoài ra, bờ biển khu vực này đã bị tổn thương lớn với hơn 200km, 23 điểm trọng yếu, nếu xuất hiện gió mạnh, nước biển dâng sẽ rất nguy hiểm.

"Khu vực này phát triển nuôi trồng thủy sản lớn, có quy mô kinh tế, đặc điểm dân cư, hoạt động trên biển dễ bị tổn thương. Bão Tembin lớn cả về cường độ, trái mùa, lại đổ bộ vào vùng dễ bị tổn thương nên cả hệ thống cần hết sức chú ý.

Đề nghị thông tin dự báo truyền thông thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão Tembin; lưu ý những vùng sâu, vùng xa, biển đảo cần phải có thông tin để người dân nắm được" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần tập trung chức năng điều hành, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão Tembin.

Lực lượng Biên Phòng, Bộ Công an… cần tập trung cùng với nhân dân hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão Tembin; Bộ Ngoại giao cần gửi công hàm với nước ngoài để ngư dân có thể vào tránh trú an toàn.

Cách nhận biết bão và đưa tàu ra khỏi vùng nguy hiểm: (Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và VTV)

Một vấn đề nữa mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý đó là tàu vãng lai, tàu hoạt động kinh tế nếu không được cảnh báo, nhắc nhở thì rất dễ bị tổn thương khi có bão.

Trưởng Ban đặc biệt nhấn mạnh: “Đây là cơn bão vô cùng đặc biệt và bất thường, đối tượng tổn thương nhiều, phạm vi ảnh hưởng lớn. Chiều nay, Ban sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể. Dự báo độ rủi ro thiên tai chỉ cấp 4 nhưng trong ý thức hành động phải là cấp độ rủi ro như số 5”./.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện nhằm chỉ đạo triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão số 16, tên quốc tế là Tembin.

UBND TPHCM yêu cầu chủ động ứng phó bão Tembin có khả năng ảnh hưởng đến TP.HCM.

Các đơn vị, địa phương được yêu cầu khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

Duy trì thông tin liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ vào bờ neo đậu an toàn.

Tùy theo diễn biến của bão, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố có trách nhiệm thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu cánh ngầm…

UBND huyện Cần Giờ cũng được yêu cầu sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố, an toàn khi có lệnh của UBND Thành phố.

Theo Mỹ Dung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên