MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên sàn ngoại có dễ?

Mới đây, tờ Financial Times (Anh) dẫn nguồn tin thân cận cho biết, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air đã quyết định hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại khu vực Đông Nam Á, do "nhiều sự phức tạp về thủ tục pháp lý”.

Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo thừa nhận rằng bản thân bà cùng các cộng sự, cố vấn đều không thể tưởng tượng nổi khối lượng giấy tờ thủ tục khổng lồ mà họ cần phải xử lý và hoàn thành cho kế hoạch IPO này.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng hy vọng có thể sớm triển khai kế hoạch IPO vào quý II/2016.

Trao đổi với phóng viên BizLIVE sau đó, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air cho biết, hãng sẽ vẫn tiến hành IPO như kế hoạch. Tuy nhiên, công ty sẽ niêm yết tại thị trường Việt Nam trước sau đó mới xem xét khả năng niêm yết ra quốc tế tuỳ vào diễn biến của thị trường.

Việc Vietjet Air phải hoãn kế hoạch niêm yết trên thị trường quốc tế không hoàn toàn gây bất ngờ cho các nhà đầu tư bởi trước đó cũng đã có khá nhiều trường hợp tương tự.

Điển hình như trường hợp của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) hồi năm 2011. Theo đó, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đã phải huỷ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) do gặp nhiều thủ tục giữa Trung tâm lưu ký Việt Nam và Singapore cũng như đối mặt với những điều kiện về cổ đông khác nhau.

Năm 2012, đến lượt một “đại gia” khác dừng cuộc chơi là Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này đã phải huỷ niêm yết trái phiếu trị giá 90 triệu USD trên sàn SGX. Việc rời bỏ sàn ngoại được HAG lý giải là do số lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu quốc tế của HAG không nhiều và có ít giao dịch được thực hiện. Theo tính toán của HAG, việc hủy niêm yết trái phiếu quốc tế ở SGX sẽ giúp HAG tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Hấp dẫn ...

Trong khi việc huy động vốn trong nước ngày càng trở nên khó khăn thì việc niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài càng trở nên rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhờ những giá trị lớn mà nó mang lại. Thứ nhất là giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài, từ đó, giúp người tiêu dùng ở quốc gia sở tại dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp hơn.

Thứ hai, việc tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn lớn, vốn không hề dễ dàng nếu thực hiện ở trong nước.

Thứ ba, doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh ở quốc gia họ đang niêm yết một cách dễ dàng hơn. Cùng với đó, thông qua các giao dịch quốc tế lớn này có thể giúp họ sớm trở thành các công ty toàn cầu.

Có thể nói, việc niêm yết ở thị trường nước ngoài không chỉ mang lại giá trị lớn cho bản thân doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư mà còn cho cả nền kinh tế. Do đó, nhu cầu “xuất ngoại” của doanh nghiệp hiện nay là có thật, vì đó là xu hướng của nền kinh tế hội nhập.

Cần những gì mới lên được sàn ngoại?

Mặc dù hấp dẫn nhưng không phải ngẫu nhiên mà cho tới thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp Việt gọi vốn quốc tế thành công chỉ tính trên đầu ngón tay. Lý do đơn giản, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện khắt khe của các sàn quốc tế.

Một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước hiện nay chính là trình độ quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch.

Nếu doanh nghiệp Việt muốn niêm yết trên các sàn quốc tế như Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE) hay SGX sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế, phải có các kiểm soát chuẩn về việc soạn thảo lập báo cáo tài chính, có các chương trình chống gian lận, có bộ phận kiểm toán nội bộ hữu hiệu, có quản trị và cấu trúc doanh nghiệp rõ ràng với một chiến lược phát triển và lịch sử hình thành nguồn vốn hấp dẫn, có danh tiếng và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội…

Bên cạnh tính minh bạch, khả năng tài chính của công ty cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Ví dụ, một doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn SGX Mainboard sẽ phải đáp ứng được các điều kiện như vốn hóa thị trường tại thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải đạt tối thiểu 80 triệu SGD (tương đương 1,3 ngàn tỷ đồng), tối thiểu 25% cổ phần của doanh nghiệp phải được ít nhất 500 nhà đầu tư nắm giữ; có tổng lợi nhuận sau thuế trong 3 năm gần nhất từ 7,5 triệu USD trở lên và phải có kiểm toán theo tiêu chuẩn của Singapore hoặc Mỹ.

Nếu doanh nghiệp muốn “chen chân” vào một trong những thị trường chứng khoán sôi động nhất thế giới là NewYork thì sẽ còn phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe hơn nhiều như phải có 5.000 cổ đông, 2,5 triệu cổ phiếu công, 100 triệu USD tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất.

Chi phí niêm yết cũng như nguồn tài chính duy trì sự hiện diện ở các thị trường chứng khoán này cũng là một rào cản lớn cho tham vọng niêm yết ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tại sàn SGX, mức phí niêm yết thấp nhất là 50.000 SGD và cao nhất là 200.000 SGD. Phí nộp hồ sơ xin niêm yết là 20.000 SGD và không hoàn lại. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp phải nộp tối thiểu 25.000 SGD và tối đa 100.000 SGD.

Rõ ràng, nếu đem những khoản phí này so sánh với mức phí niêm yết lần đầu 10 triệu đồng, đăng ký niêm yết bổ sung 5 triệu đồng, phí quản lý hàng năm từ 15 đến 20 triệu đồng do HOSE áp dụng thì có thể thấy cái giá để mà doanh nghiệp phải trả để có thể gia nhập sân chơi ngoại lớn đến mức nào.

Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên